Bài 1: Xoá sổ, bỏ hoang, rồi bán…
“Nếu tỉnh nào muốn công nghiệp hoá ngành chăn nuôi thì cứ lên Tuyên Quang mà xem” - ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tuyên Quang vẫn rất tự hào khi trao đổi với phóng viên Báo TNVN về chương trình bò sữa. Nói vậy quả không ngoa, vì dù là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm chỉ trên dưới 200 tỷ đồng, nhưng tỉnh Tuyên Quang lại mạnh tay bỏ ra hơn 250 tỷ đồng để thực hiện chương trình chăn nuôi bò sữa.
Tuy nhiên, lãi đâu chưa thấy, chỉ biết rằng, việc chăn nuôi bò sữa ở tỉnh này bị lỗ rất nặng, nhiều đơn vị nuôi bò sữa đã phải tháo chạy, bỏ lại khoản nợ lên tới cả trăm tỷ đồng không có khả năng hoàn trả. Nhiều hộ dân nghèo cũng đang phải mang nợ hàng trăm triệu đồng do “dính” vào chương trình bò sữa.
Đó là những gì đang diễn ra ở Tuyên Quang sau khi tỉnh này chính thức tuyên bố phá sản chương trình bò sữa - được khởi động từ năm 2003.
|
Trại bò 18, Công ty Chè Phú Lâm bị xoá sổ |
Đến Công ty Chè Phú Lâm, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) hỏi chuyện nuôi bò sữa, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc công ty, tỏ thái độ ngạc nhiên: “Tại sao các anh biết công ty chúng tôi nuôi bò sữa?”. Hỏi rồi, anh Tùng tự giãi bày: “Thực hiện chủ trương chung của tỉnh, năm 2004, công ty đã xây dựng trại nuôi 100 con bò sữa (70 con cái, 30 con đực) với tổng kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Đến năm 2006, công ty đã phải bán hết vì đàn bò chưa có sữa và chưa sinh sản được, chăn nuôi tiếp sẽ bị lỗ. Tại thời điểm đó, nhiều đơn vị nuôi bò sữa đã bị lỗ nặng, thậm chí không có cả tiền để mua thức ăn xanh nuôi sống đàn bò”. Đây là doanh nghiệp nuôi bò sữa đầu tiên dám xoá sổ trại bò của mình để cắt lỗ.
Tuy nhiên, theo anh Tùng, việc xây dựng trại bò và xoá sổ trại bò không phải do ý muốn của chính công ty. “Do là doanh nghiệp Nhà nước nên Công ty Chè Phú Lâm phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh - đi đầu trong việc phát triển mô hình nuôi bò sữa (dù không ai biết chương trình có hiệu quả hay không có hiệu quả). Lúc đó, công ty không thể phản đối nghị quyết (về nuôi bò sữa - PV) của tỉnh được” - ông Tùng nói. Thế rồi, khi tỉnh Tuyên Quang tuyên bố “phá sản” chương trình bò sữa và đề xuất các biện pháp giải quyết tồn tại, tháo gỡ khó khăn trong chăn nuôi bò sữa, trong đó nhấn mạnh tới giải pháp “số bò không đủ tiêu chuẩn giống phải khẩn trương bán thanh lý, thu hồi vốn nộp Ngân sách Nhà nước” thì ngay lập tức, công ty này lại bán tháo hết đàn bò của mình. Việc doanh nghiệp bán tháo hết đàn bò sữa này liệu có được coi là hoàn thành nhiệm vụ chính trị “đi đầu” của mình nữa hay không thì không biết, nhưng có một thực tế là trại bò đã bị xoá sổ sau khi tốn kém tiền tỷ để đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang (ngày 31/3/2008), hiện chỉ có Công ty TNHH Hoàng Khai, Công ty Cổ phần Bò sữa Tiền Phong vẫn duy trì và từng bước khắc phục khó khăn để chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò HF, tuy có nhiều chuyển biến nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế. Do khó khăn về mặt tài chính dẫn đến việc sản xuất kinh doanh chỉ đạt mức thu bù chi và không có khả năng trả nợ đã vay. Còn các công ty TNHH: Đồng Thắm, Thắng Hiền, Đức Linh và các hộ dân chăn nuôi bò sữa trong báo cáo có ghi rất rõ: Đàn bò sữa rất gầy yếu do chăm sóc, nuôi dưỡng kém dẫn đến số lượng bò, bê còn lại rất ít.
|
Cảnh hoang tàn trong trại bò Đồng Thắm |
Đơn cử, trường hợp Công ty TNHH Đồng Thắm được thành lập vào năm 2004 (tiền thân là trại bò Đồng Thắm được xây dựng từ năm 2002) có trụ sở tại xã Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang, do ông Vũ Đức Đoàn làm Giám đốc. Trước tình trạng nợ nần kéo dài (nợ tiền mua cỏ, ngô và lương công nhân), công ty đã phải “bán dần, bán mòn” đàn bò 565 con, đến nay chỉ còn duy nhất... 1 con bò sữa gầy còm, xiêu vẹo, cùng những dãy chuồng nuôi bỏ hoang. Điều đáng nói là, ngoài những khoản nợ vay của ngân hàng, nguồn vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước, Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển của tỉnh và ngân sách địa phương, công ty này hiện còn nợ 31,1 triệu đồng của các hộ dân ở thôn Núi Cậy, xã Hoàng Khai (Yên Sơn, Tuyên Quang) nhiều năm không trả được. Trong khi đó, Trung tâm nhân giống bò sữa, bò thịt cao sản Phú Lâm mặc dù được đầu tư tới 30 tỷ đồng, nhưng đã bị thua lỗ nặng nề, phải giải thể và bán cho Công ty sữa Vinamilk. Tương tự, Công ty TNHH Tiền Phong cũng đang được các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang lên kế hoạch bán cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.
Nói tóm lại, trong vòng 4 năm (2003-2006), tỉnh Tuyên Quang đã nhập về 3.279 con bò sữa giống HF thuần (giá bò lúc đó từ 30-35 triệu đồng/con), nhưng tính đến thời điểm 25/3/2008, tổng đàn bò, bê HF là: 2.237 con, trong đó bò cái sinh sản HF: 1.014 con; Bò, bê sinh ra tại Tuyên Quang: 1.223 con. Theo ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, vào lúc cao điểm nhất, đàn bò sữa ở Tuyên Quang lên tới 4.800 con. Như vậy, số lượng đàn bò sữa ở Tuyên Quang hiện nay đã sụt giảm tới trên 50% so với thời “hoàng kim” của chương trình bò sữa./.