(VOV)_ Theo ông Hoàng Kim Giao - Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đây là lần đầu tiên trong lịch sử có một đợt rét đậm, rét hại kéo dài liên tiếp tính đến nay là gần 40 ngày, trong đó có 25 ngày rét hại gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi.
Ông Giao cũng cho rằng, đợt giá rét gây thiệt hại nặng nề này cũng là dịp để ngành chăn nuôi thay đổi hình thức chăn nuôi. Theo đó, người dân nên chuyển dần từ chăn nuôi quảng canh, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, chủ động con giống, chuồng trại, thức ăn.
Ngành trồng trọt: thiệt hại gần 200 tỷ đồng
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Cục trưởng Cục trồng trọt – cho biết, tính đến chiều 18/2 con số thiệt hại đối với ngành trồng trọt đã gần 200 tỷ đồng. Đã có trên 146.000 ha lúa, 9.500 ha mạ ở các địa phương bị chết do rét. Hiện Cục trồng trọt cũng lên phương án về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương căn cứ vào tính phức tạp của thời tiết.
Đến nay, hầu hết các địa phương đã tổ chức đoàn kiểm tra và thống kê xong thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra đối với vụ Đông Xuân. Để khắc phục tình trạng thiếu mạ trong vụ này, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh đã chỉ đạo người dân tiến hành gieo bổ sung toàn bộ diện tích mạ, lúa đã mất bằng phương pháp gieo mạ trên nền đất cứng và gieo trên sân, trên khay. Tất cả các diện tích mạ gieo bổ sung này đều được che phủ nilon đúng kỹ thuật, rắc tro bếp giữ ấm đảm bảo cho mạ sinh trưởng để gieo cấy đúng thời vụ.
Tại Nam Định, do vụ Đông Xuân này chủ yếu là cấy trà xuân muộn, nên lượng lúa giống trong dân còn nhiều, đảm bảo đủ gieo cấy bổ xung vụ Xuân theo kế hoạch. Ông Trần Đình Cao-Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Nam Định cho biết: Từ ngày 8/2, tỉnh đã chỉ đạo các nơi tận dụng nguồn giống sẵn có trong dân để tiến hành ngâm và gieo mạ. Nam Định phấn đấu đến ngày 20/2 gieo xong mạ và triển khai cấy.
Tại Thanh Hoá, diện tích lúa bị chết, bị đen rễ chiếm hơn 1/3 tổng diện tích gieo cấy. Vụ Đông Xuân năm nay ở Thanh Hoá chủ yếu cấy trà xuân sớm nên đến thời điểm này lượng lúa giống dự trữ trong dân hầu như không còn. Về các giải pháp khắc phục, ông Trịnh Văn Chiến-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá nêu rõ: Để đảm bảo gieo cấy đủ 45.000 ha lúa bị chết, Thanh Hoá cần khoảng 4.500 tấn giống. Chúng tôi đã chỉ đạo các đơn vị cung ứng giống cho người dân. Đến thời điểm này, Thanh Hoá đã cung ứng được 4.000 tấn.
Tìm biện pháp chống đói, rét tại chỗ cho vật nuôi
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, khả năng chết, thiệt hại đàn gia súc còn tăng trong thời gian tới, bởi đàn gia súc tại các địa phương đã phải chịu đựng rét trong một thời gian dài, nên hiện nay rất yếu.
Theo ông Hoàng Kim Giao- Cục trưởng Cục chăn nuôi, các địa phương nên tìm biện pháp chống đói rét tại chỗ cho vật nuôi như chắn, che, giữ kín, giữ ấm, giữ khô cho đàn trâu bò với tất cả các điều kiện có thể (quây chuồng, chắn gió, làm áo, đốt sưởi…); không chăn thả trâu bò trong những ngày giá rét, gió mưa; không lùa trâu bò đi xa hoặc vận động khi trâu bò đã yếu, kiệt sức….
Đến nay, đã có một số địa phương làm tốt công tác chống đói, rét cho đàn gia súc như: tỉnh Hà Giang chi ngân sách địa phương mua 20m2 bạt cho mỗi gia đình để giữ ấm cho vật nuôi; tỉnh Lào Cai hỗ trợ 10 kg gạo cho 1 con bê, nghé yếu; tỉnh Quảng Bình vừa chi 200 triệu để mua bạt, rơm và các loại thức ăn để cứu vật nuôi./.