Trong điều kiện thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, như giá nguyên nhiên liệu tăng mạnh, chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao; tình trạng thiếu lao động lành nghề, rồi cơ chế giám sát hàng may mặc nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, sự cạnh tranh gay gắt với các nước dệt may lớn trên thế giới, thì đây là mục tiêu lớn, đòi hỏi ngành dệt may có chiến lược cụ thể, cả về thị trường, về nguyên phụ liệu và thiết kế sản phẩm.
Năm 2007 vừa qua, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước là 48 tỷ USD, thì ngành dệt may đạt 7,78 tỷ USD, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Với thành tích xuất khẩu này, ngành dệt may đã vươn lên là một trong những mặt hàng đứng đầu trong danh mục mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đưa Việt Nam đứng trong danh sách 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới. Những kết quả này cần được phát huy mạnh mẽ hơn trong năm 2008. Ông Nguyễn Đình Trường – Tổng giám đốc Công ty may Việt Tiến cho rằng: để thực hiện mục tiêu phát triển, doanh nghiệp bên cạnh việc tăng cường xuất khẩu thì rất cần quan tâm đến thị trường nội địa. Đối với ngành dệt may, doanh nghiệp phải làm 2 kế hoạch, một là tiếp tục mở rộng đổi mới đầu tư sản xuất để nâng cao năng lực thực hiện tốt mục tiêu xuất khẩu; hai là mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư chiều sâu tại thị trường trong nước để thương hiệu của mình có thể sẵn sàng cạnh tranh với các thương hiệu của nước ngoài. Để cạnh tranh tốt, doanh nghiệp phải tiếp tục đầu tư.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn trong năm 2008 mà các doanh nghiệp dệt may trong nước tiếp tục phải đối mặt là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên 3 thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, EU và Nhật Bản. Bên cạnh đó, việc EU sẽ bãi bỏ hạn ngạch dệt may cho Trung Quốc từ năm 2008 sẽ đặt các doanh nghiệp dệt may Việt Nam vào thế cạnh tranh gay gắt hơn. Đối với thị trường Nhật Bản thì sáu nước trong khu vực Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Philippines, Indonesia, Bruney và Thái Lan đã được hạ mức thuế xuống 0% khi xuất khẩu hàng dệt may vào Nhật Bản; trong khi hàng dệt may của Việt Nam vẫn đang phải chịu mức thuế khoảng 10%. Riêng đối Mỹ - thị trường chiếm khoảng 55% tổng kim ngạch xuất khẩu và có tốc độ tăng trưởng đều hàng năm - vẫn tiềm ẩn những rủi ro do chương trình giám sát chống bán phá giá vẫn được áp dụng. Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may cần hợp tác chặt chẽ với các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, tránh nhận những đơn hàng đơn giản, giá trị thấp làm ảnh hưởng đến mức giá bình quân của cả nước. Ông Trần Văn Phổ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dệt Hòa Thọ - doanh nghiệp hiện có hơn 30% hàng dệt may mặc xuất sang Mỹ - cho biết: Công ty dệt Hòa Thọ tiếp tục giữ mức tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ ở mức 30%. Thị trường Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu chính, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của công ty. Tất nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này luôn đi liền với việc nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất hàng giá trị cao.
Một vấn đề nữa đang đặt ra trong ngành dệt may là yêu cầu về đổi mới mẫu mã, thiết kế để nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh. Thực hiện yêu cầu này, đòi hỏi có sự đầu tư đồng bộ, trong đó có việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế một cách bài bản, theo hướng chuyên nghiệp hóa.
Một trong những vấn đề được đề cập nhiều để ngành dệt may phát triển bền vững là làm sao chủ động được nguồn nguyên phụ liệu. Hiện nay, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu đến 70% nguyên liệu, phụ liệu cho sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng: việc thành lập trung tâm nguyên phụ liệu là điều cần thiết cho doanh nghiệp xuất khẩu khi mà có đến 60 - 70% sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam đều làm gia công cho nước ngoài. Vì vậy, việc có một trung tâm nguyên phụ liệu, trước mắt sẽ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, sau đó từng bước phát triển ngành nguyên phụ liệu Việt Nam. Ông Lê Quốc Ân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tập trung tăng tốc việc sản xuất nguyên liệu và phụ liệu, tăng tốc bằng cách liên kết tất cả các đơn vị trong nước và ngoài nước. Chúng tôi sẽ có những nhà máy sản xuất vải, sản xuất các phụ liệu mới ra đời và hiện nay, các dự án đang được triển khai. Hiện nay, chúng tôi đang liên kết với một tập đoàn của Hàn Quốc để xây dựng 2 nhà máy nhuộm, một nhà máy ở Phố Nối – Hưng Yên và một nhà máy ở Nam Định. Chúng tôi cũng đang đàm phán với tập đoàn Ramatex của Malaysia để xây dựng 2 nhà máy mới, 1 nhà máy ở Thành phố Hồ Chí Minh và một nhà máy ở phía Bắc để cung cấp vải cho ngành may Việt Nam”.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành và địa phương tăng cường những giải pháp chống rào cản thương mại, đối phó hiệu quả với cơ chế giám sát, chống bán phá giá; đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư vốn cho công tác đào tạo nhân lực, cán bộ quản lý, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới./.