Theo đánh giá, hàng hoá năm nay có số lượng dồi dào, hình thức phong phú, mẫu mã đẹp. Hàng hoá sản xuất trong nước vẫn chiếm thị phần ở mức cao, đủ sức cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu.
Việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá cung ứng cho vùng sâu, vùng xa được đảm bảo tốt. Sức mua năm nay tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là lượng người tiêu dùng đến mua hàng hoá tại các siêu thị ngày càng tăng mạnh, nhất là trong những ngày giáp tết (tăng khoảng 150 - 200% so với ngày thường).
Trong dịp giáp Tết, do thời tiết khá lạnh nên nhiều loại hàng điện tử bán khá chạy, trong đó, các loại máy sưởi ấm giá tăng từ 1,5 - 2 lần.
Ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, do các bộ, ngành, địa phương đã có sự triển khai sớm và quyết liệt công tác chỉ đạo bình ổn giá trong dịp tết nên cung hàng hoá luôn đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, không có tình trạng thiếu hàng; giữ ổn định giá một số vật tư hàng hoá cơ bản là đầu vào của nền kinh tế như điện, xăng dầu, nước sạch cho sinh hoạt... Ngoài ra công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, kiểm tra việc chấp hành kỷ luật về giá đã được chú trọng hơn.
Tuy vậy, theo ông Phúc, tình hình sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng còn nghiêm trọng; nhiều loại hàng hoá không có nhãn mác, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc vẫn được tiêu thụ trên thị trường (chủ yếu ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa).
Cũng theo ông Phúc, tuy không khẳng định chắc chắn về việc sẽ hình thành mặt bằng giá mới ăn theo sau những đột biến về giá cả sau tết, nhưng cũng không loại trừ khả năng này do Việt Nam hiện đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, do vậy sẽ chịu tác động rất lớn từ những “cú sốc” kinh tế thị trường.
Thực tế ngay sau tết, giá cả thực phẩm, rau xanh, các loại dịch vụ... đều tăng rất mạnh.