Tại Hội thảo, các báo cáo, tham luận đã đề cập tới nội dung lồng ghép giới trong quy trình lập pháp của Việt Nam, việc xác định vấn đề giới và dự báo tác động giới đối với một số dự án luật cụ thể, vấn đề cân đối và huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong phạm vi điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật... Các chuyên gia của UNDP và các chuyên gia quốc tế tham dự tại Hội thảo đã giới thiệu với các đại biểu kinh nghiệm lồng ghép giới trong quy trình lập pháp của một số nước, vai trò của các nghị sỹ và các Ủy ban của Quốc hội trong thẩm tra và giám sát các hoạt động lồng ghép giới và đưa ra các khuyến nghị đối với Việt Nam.
Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về bình đẳng giới, song Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ quá độ tiến tới bình đẳng giới thực chất; Vẫn còn khoảng cách, chênh lệch lớn giữa nam giới và phụ nữ. Phụ nữ chiếm hơn 50% dân số và 48% lực lượng lao động nhưng lại chiếm đa số trong các đối tượng nghèo đồng thời khó khăn hơn trong cơ hội việc làm và vẫn bị phân biệt đối xử... Với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật về bình đẳng giới tương đối hoàn chỉnh, song cũng đặt ra cho các ĐBQH cũng như Ủy ban Về các vấn đề xã hội trọng trách mới là lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật và thẩm tra việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban Về các vấn đề xã hội với Tổ chức phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cho các cơ quan đại diện tại Việt Nam của Văn phòng Quốc hội.