Trước khi kết thúc phiên họp thứ 10, sáng nay (29/7), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Công nghệ cao. Các ý kiến đều thống nhất quan điểm "chính sách của Nhà nuớc cần khẳng định vai trò của công nghệ cao trong việc xây dựng khoa học, công nghệ của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá Việt Nam cũng như của toàn bộ nền kinh tế".
Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế hiện nay, Việt Nam cần chú trọng hơn tới hoạt động phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, coi đó là nhiệm vụ và là phương thức hoạt động. Có ý kiến cho rằng, cần xác định các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ là một lực lượng chủ yếu thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Nhà nước cần huy động mọi nguồn lực, đồng thời áp dụng các biện pháp mạnh và cơ chế đặc biệt để phát triển công nghệ cao. Dự thảo Luật cần làm rõ "ưu tiên phát triển công nghệ cao nào" trong điều kiện hiện nay. Việc phát triển công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn nên cần có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể trong nước và quốc tế trong từng thời kỳ, tránh dàn trải, lãng phí và không hiệu quả.
Theo nhiều đại biểu, việc tập trung đầu tư phát triển công nghệ cao trong các lĩnh vực gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hoá là phù hợp. Tuy nhiên, tuỳ vào nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, Chính phủ quy định các lĩnh vực công nghệ khác cần tập trung đầu tư phát triển. Các đại biểu nhất trí cần thiết phải quy định "Chương trình quốc gia" về công nghệ cao trong Dự thảo Luật này…
Nhiều ý kiến nhất trí đề nghị cần có quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhà nước để hỗ trợ hoạt động công nghệ cao. Cần quy định rõ hơn mục tiêu nhiệm vụ và các biện pháp cụ thể, trách nhiệm của nhà nước, các tổ chức và cá nhân trong phát triển nhân lực công nghệ cao.
Dự thảo Luật Công nghệ cao sẽ tiếp tục trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại các kỳ họp tới của Quốc hội./.