Khai mạc Phiên họp thứ Mười của UBTVQH

24/07/2008

Sáng 23.7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, UBTVQH đã khai mạc Phiên họp thứ Mười.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã lần lượt cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đa dạng sinh học và dự án Luật Cán bộ, công chức. Đây là 2 dự án luật đã được QH xem xét, cho ý kiến lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ Ba vừa qua.

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đa dang sinh học do Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày, tập trung giải trình về một số nội dung còn ý kiến khác nhau, liên quan đến phạm vi điều chỉnh; nuôi sinh sản thương mại các loài thuộc danh mục loài được bảo vệ; phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học...

Trong dự thảo Luật Đa dạng sinh học trình QH tại Kỳ họp thứ Ba, nhiều ĐBQH đề nghị không nên quy định cho phép nuôi sinh sản thương mại các loài thuộc Danh mục được ưu tiên bảo vệ, nhằm tránh lợi dụng hoạt động này để buôn bán, giết thịt hay tiêu thụ trái phép các loài này. Dự thảo luật trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến lần này đã được chỉnh lý theo hướng nêu trên. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận tán thành với quy định này và khẳng định nếu những loài nào đã thuộc Danh mục được ưu tiên, bảo vệ thì không nên đặt vấn đề thương mại hóa. Hay như cách nêu trong Ý kiến của Thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường- cơ quan được giao tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật- cũng cho rằng loài thuộc Danh mục loài được ưu tiên bảo vệ là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng thì không nên cho phép nuôi sinh sản để giết thịt, tiêu thụ mà chỉ nên cho phép nuôi dưỡng, nuôi sinh sản để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu; Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi; Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển; Chủ nhiệm UB Quốc phòng- An ninh Lê Quang Bình... thì quy định như vậy có hợp lý hay không? Bởi, hoạt động thương mại không chỉ có giết thịt mà còn là nuôi sinh sản- Ý kiến của Chủ nhiệm Đào Trọng Thi- vậy đối với những loài có nguy cơ bị tuyệt chủng thì nuôi sinh sản là cần thiết, vì rằng nó là sự phát triển. Phải chăng dự thảo luật nên quy định theo hướng cho phép nuôi sinh sản những loài thuộc Danh mục được ưu tiên bảo vệ, nhưng cấm giết mổ- Chủ nhiệm UB Phùng Quốc Hiển đề xuất. Hơn nữa, dự thảo luật quy định chỉ cho phép nuôi dưỡng, nuôi sinh sản phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái..., nhưng vấn đề là có quản lý được hay không và có chắc chắn rằng thực tế việc nuôi sinh sản đó chỉ phục vụ cho những mục đích nêu trên?- Chủ nhiệm Lê Quang Bình thẳng thắn.

Liên quan đến việc phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, nhiều Ủy viên UBTVQH cơ bản tán thành với hướng tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo luật- có một chương riêng quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình cho rằng, nội dung của chương này cần gọn và nên đi sâu quy định về Bộ, ngành sẽ giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học. Và, nên phân cấp mạnh cho chính quyền các địa phương trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học- ý kiến của Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền.

Về tổng thể dự thảo luật, đa số Ủy viên UBTVQH nhất trí dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của ĐBQH. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi và đạt được mục tiêu bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học thì dự thảo luật cần được gia công thêm để loại bỏ một số quy định chưa cụ thể và có sự trùng lặp nhau.

Cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Cán bộ, công chức, nhiều Ủy viên UBTVQH bày tỏ sự quan tâm về phạm vi, đối tượng áp dụng của dự án luật; cán bộ, công chức cấp xã; những người làm việc ở đơn vị sự nghiệp của nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội; việc quản lý cán bộ, công chức...

Theo Báo cáo của cơ quan có thẩm quyền, ở nước ta hiện nay, tính đến ngày 31.12.2007, cả nước có hơn 200.000 cán bộ, công chức cấp xã và khoảng hơn 500.000 đối tượng ở cấp xã được hưởng phụ cấp hoặc khoán kinh phí hoạt động có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, ở nước ta có trên 10.000 đơn vị hành chính cấp xã, hơn 11.000 thôn, làng, ấp, bản... Như vậy, nếu theo ý kiến tăng biên chế cho cấp xã của một số ĐBQH cũng như của những cử tri hiện đang tham gia hoạt động ở cấp xã thì chỉ cần mỗi xã tăng thêm 1 chức danh thôi, bộ máy Nhà nước sẽ có thêm 10.000 cán bộ, công chức. Nếu tăng thêm ở mỗi thôn 1 định suất cán bộ không chuyên trách thì bộ máy nhà nước sẽ gánh thêm 111.000 người được hưởng phụ cấp. Nếu dự thảo luật thể hiện theo hướng nêu trên thì ngân sách Nhà nước sẽ không thể chịu nổi- Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn. Điều này đồng nghĩa rằng, bộ máy nhà nước của chúng ta sẽ phình ra- Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển bổ sung. Vậy nên, việc có tăng thêm biên chế và các đối tượng được hưởng phụ cấp ở cấp xã hay không cần được tính toán rất kỹ càng trong dự thảo luật.

Liên quan đến việc quản lý cán bộ, công chức, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng nêu thực trạng: hiện nay đã và đang có khá nhiều cán bộ, công chức xin thôi việc ở các cơ quan nhà nước để đi làm công việc khác. Sở dĩ xảy ra hiện tượng nêu trên, rốt cuộc là do những quy định về chế độ lương bổng, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ cán bộ, công chức hiện hành đã không còn phù hợp- ý kiến của Chủ tịch HĐDT K’sor Phước. Vậy, câu hỏi đặt ra: sau khi dự thảo Luật Cán bộ, công chức được QH xem xét thông qua, liệu có góp phần khắc phục được thực trạng nêu trên hay không?- Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu thẳng thắn- đây là điều mà dự thảo luật cần phải tính tới. Có như vậy thì việc xây dựng Luật Cán bộ, công chức thay cho Pháp lệnh Cán bộ, công chức mới có ý nghĩa; khi dự án Luật được QH thông qua mới góp phần giải quyết, xử lý những vấn đề vướng mắc liên quan đến đội ngũ cán bộ, công chức đang nảy sinh trên thực tế.

T.Tâm

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác