Động lực mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam và bốn nước châu Âu

30/06/2008

Chuyến thăm góp phần làm sâu sắc thêm tình cảm hữu nghị tốt đẹp vốn có và tạo động lực mới cho quan hệ hợp tác tiếp tục phát triển lên một tầm mức mới - toàn diện, lâu dài và tin cậy lẫn nhau, phù hợp với mong muốn, lợi ích của cả đôi bên, đồng thời đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh tình hình mới.

Tình hữu nghị bền chặt!

Có thể cảm nhận rõ tình cảm nồng ấm mà bạn bè các nước dành cho Việt Nam, ngay từ khi Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đặt chân lên đất nước Hungary tươi đẹp, rồi sang Romania hay Bulgaria - miền đất được mệnh danh là xứ sở của hoa hồng, rồi đến Thủ đô Pari tráng lệ của CH Pháp. Tình cảm đó thể hiện trong nghi thức đón tiếp hết sức trang trọng mà các nước bạn đã dành cho người đứng đầu cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân Việt Nam; trong không khí thân tình, cởi mở và kết quả tốt đẹp của các cuộc gặp gỡ giữa hai bên. Tại Hungary, Romania, Bulgaria, các nhà lãnh đạo cao nhất của các nước này (Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội) đều có các cuộc hội kiến, hội đàm với Chủ tịch QH nước ta, thể hiện sự coi trọng và mong muốn của Chính phủ, nhân dân nước bạn trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Tại CH Pháp, cả Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện đều ra tận cửa xe ô tô đón Đoàn. Cuộc gặp kéo dài một giờ đồng hồ dường như vẫn chưa đủ để Chủ tịch Thượng viện Christian Poncelet nói lên những điều muốn nói về Việt Nam và quan hệ với Việt Nam. Giờ phút chia tay thật bịn rịn và ngay sau đó, ông đã quyết định sẽ sớm thăm Việt Nam vào một ngày gần đây.

Tình cảm thân thiết với Việt Nam còn hiển hiện qua ánh mắt, nụ cười, sự trân trọng, trìu mến của những người dân bình thường nơi Đoàn đến; qua những con người cụ thể mà chúng tôi đã gặp, những nhân chứng sống, những sợi dây bền chặt, kết nối Việt Nam với bạn bè các nước. Đó là Henry Martin, người chiến sỹ cộng sản Pháp, một trong những ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh của nhân dân Pháp và nhân dân thế giới nhằm phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam. Hay bà Stoyanka Dimitrova, từng tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội từ những năm 60 của thế kỷ trước, đã nhiều năm làm việc cho Đại sứ quán Việt Nam tại Bulgaria và đang là Phó chủ tịch Hội hữu nghị Bulgaria - Việt Nam. Từ lối nói tiếng Việt thuần thục, dễ hiểu, nụ cười thân thiện, cởi mở luôn nở trên môi và sự nhiệt tình, chu đáo hết mực mà người phụ nữ 67 tuổi này luôn dành cho Đoàn, có thể nhận thấy bà yêu mến Việt Nam đến dường nào. Với các thành viên trong Đoàn, bà luôn gọi “các đồng chí” và sẵn sàng làm mọi việc “miễn sao các đồng chí được thoải mái!”.

Hơn 50 năm về trước, tháng 8.1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thăm ba nước: Hungary, Bulgaria, Romania, nhằm tri ân những người bạn, người đồng chí, anh em thân thiết của nhân dân Việt Nam. Khi đó, Người đã nói về quan hệ Việt Nam – Hungary: “Nhân dân hai nước chúng ta cùng gắn bó với nhau về tình cảm và tư tưởng”; gọi quan hệ Việt Nam – Bulgaria là “tình hữu nghị anh em” và nhấn mạnh với nhân dân Bucarest rằng: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi sẽ không bao giờ quên những cố gắng của những đồng chí công nhân dũng cảm của Nhà máy Écnét Tenlơman trong việc cung cấp những máy kéo theo yêu cầu của Việt Nam..., những đồng chí trong đoàn nghệ thuật Chim sơn ca đã sang Việt Nam và mang tới cho chúng tôi những giọng hát hay và những điệu múa khéo của nền nghệ thuật dân gian Romania”

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dù tình hình mỗi nước, mỗi khu vực và thế giới đã đổi khác, nhưng mỗi người dân Việt Nam vẫn giữ mãi những tình cảm tốt đẹp đó với nhân dân các nước bạn bè truyền thống ở Đông Âu và mong muốn nhân lên, hiện thực hóa tình hữu nghị bền chặt đó thành những quan hệ hợp tác thiết thực, cụ thể. Chính vì vậy, khi ghi vào sổ vàng lưu niệm của Quốc hội nước bạn, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Chúng ta sẽ tiếp tục là những người bạn tốt của nhau!”.

Động lực mới cho sự hợp tác

Theo đánh giá của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là ta và các đối tác đã đạt được sự thống nhất cao về quan điểm chính trị - đó là thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước phát triển lên một tầm cao mới. Và quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo đã được hiện thực hóa bằng việc ký kết bốn thỏa thuận hợp tác (với Bulgaria là thông cáo chung) giữa QH Việt Nam với QH các nước. Theo đó, hai bên đã đề ra những biện pháp cụ thể nhằm tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong các lĩnh vực hoạt động của Quốc hội, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp; tăng cường trao đổi đoàn, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cả trên phương diện song phương và tại các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế; hậu thuẫn thúc đẩy quan hệ giữa hai Chính phủ...

Trên thực tế, quan hệ giữa Việt Nam với các nước Đông Âu “chững lại” từ khi hai bên bước vào chuyển đổi kinh tế, nhất là quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư ở mức rất khiêm tốn, trong khi hai bên có nhiều tiềm năng, lợi thế có thể bổ sung cho nhau để cùng phát triển. CH Pháp những năm gần đây đã trở thành một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam, nhưng quan hệ kinh tế, thương mại cũng chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Các nhà đầu tư Pháp vốn giàu tiềm năng cả về vốn và công nghệ, nhưng lại vắng mặt trong những dự án lớn, dự án quan trọng của Việt Nam. Chính vì vậy, việc tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư... cũng là một trong những nội dung chính được các nhà lãnh đạo bàn bạc và thống nhất cao. Theo bà Szili Katalin, Chủ tịch QH Hungary, từ các mối quan hệ tốt đẹp về mặt chính trị, cần tạo ra một khuôn khổ, một không gian thuận lợi cho các mối quan hệ hợp tác về kinh tế, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và cho sự phát triển của cả hai bên. Còn Thủ tướng Călin Popescu Tăriceanu của Romania đề nghị: “Cần tìm ra cách thức mới để tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Chúng tôi rất quan tâm và mong muốn tham gia nhiều dự án quan trọng ở Việt Nam, nhất là trong những lĩnh vực mà Romania có thế mạnh.” Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng cũng có cùng quan điểm: “Bây giờ đã đến lúc phải nghĩ về nhau, làm cho nhau và chúng ta đã có điều kiện để tăng cường quan hệ hợp tác”.

Cả bốn nước mà Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta đến thăm lần này đều là thành viên EU - một đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Ngược lại, với các bạn, Việt Nam được đánh giá là một đối tác tiềm năng, có vai trò, vị trí quan trọng trong ASEAN và khu vực châu Á. Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập khu vực và thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay, việc phát triển quan hệ giữa một quốc gia ở khu vực này với một quốc gia ở khu vực khác không chỉ can hệ đến hai quốc gia đó, mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cả hai khu vực. Đúng như Chủ tịch QH Hungary, bà Szili Katalin đã nói: Quan hệ Hungary - Việt Nam không chỉ là mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia, mà còn là quan hệ chiến lược giữa hai khu vực EU và ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam và cả bốn nước nói trên đều là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế khác. Và việc tăng cường quan hệ song phương không thể tách rời sự phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương.

Ngay sau chuyến thăm, Chủ tịch QH đã yêu cầu Ủy ban Đối ngoại và Văn phòng Quốc hội khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch với lộ trình cụ thể để triển khai các thỏa thuận hợp tác. “Hợp tác phải có hiệu quả thiết thực, chứ không thể chung chung hình thức” - Chủ tịch QH nhấn mạnh. Việc ký kết và triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác này là bước đi cụ thể trong nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nước ta, đồng thời tạo động lực mới, đưa quan hệ hợp tác giữa nước ta với các nước bạn, giữa Quốc hội nước ta với Quốc hội các nước phát triển lên một tầm cao mới. Một chuyến thăm, bốn thỏa thuận hợp tác được ký kết còn cho thấy kênh ngoại giao nghị viện ngày càng phát huy hiệu quả và đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng, Nhà nước ta.

Trở về từ châu Âu, nơi cách xa hàng chục ngàn km, có rất nhiều điều đáng nhớ, nhưng hình ảnh những cánh đồng lúa mì vàng óng ả trải dài tít tắp tận chân trời bỗng trở nên gần gũi và thật khó quên.

Nguyễn Thị Sự

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)

Các bài viết khác