Công nghệ cao - tạo động lực chung cho toàn xã hội

29/05/2008

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình): Luật Công nghệ cao phải tạo được động lực chung cho toàn xã hội mới tạo được sự chuyển biến trong lĩnh vực này. Vì vậy cần thiết lập thị trường công nghệ cao, từ đó Nhà nước hỗ trợ vào đâu, khâu nào cần được xác định rõ ràng mạch lạc.

(VOV)_ Sáng nay (28/5), các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Công nghệ cao (CNC).

Xây dựng thị trường công nghệ cao

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) đưa ra đề nghị: Luật CNC phải tạo được động lực chung cho toàn xã hội mới tạo được sự chuyển biến trong lĩnh vực này. Vì vậy, cần thiết lập thị trường công nghệ cao, từ đó Nhà nước hỗ trợ vào đâu, khâu nào cần được xác định rõ ràng mạch lạc.

Theo đại biểu Lê Quốc Dung, việc khai thông đổi mới tạo động lực cho phát triển CNC vẫn chưa được quy định rõ trong dự thảo luật. Hiện nay, lực lượng tham gia vào công nghệ cao của nước ta còn chưa lớn, nhưng điều đại biểu băn khoăn là nếu theo như quy định trong dự thảo luật, thì hoạt động ở đây vẫn mang tính hành chính. Đại biểu cho rằng, nếu không đổi mới, xóa bỏ cơ chế hành chính sẽ khó tạo động lực cho phát triển công nghệ cao. Vì vậy, cần có một chương chuyển các trung tâm nghiên cứu này sang các doanh nghiệp công nghệ cao, lúc đó các viện nghiên cứu mới gắn với thị trường và biết được cần phải lựa chọn lĩnh vực nào là công nghệ cao. Hơn nữa, thủ tục, trình tự nên được xây dựng thẳng trong luật để công khai, minh bạch, thoát khỏi tình trạng cồng kềnh, hành chính hiện nay.

Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương), cũng cho rằng phát triển thị trường CNC sẽ điều kiện tốt nhất cho phát triển CNC. Vì vậy Luật ra đời cần có những quy định tạo điều kiện và hành lang pháp lý để Việt Nam từng bước nhân giống, tham gia thị trường công nghệ cao thế giới, tạo ra nhiều sản phẩm công nghệ cao.

Có nên quy định cụ thể các lĩnh vực ưu tiên?

Tại Khoản 2, Điều 6, Chương 1 của dự thảo Luật CNC có đưa ra 8 lĩnh vực CNC được ưu tiên đầu tư phát triển gồm: Thông tin và truyền thông; Sinh học, y học; Tự động hoá; Vật liệu mới; Hàng không - vũ trụ; Khai thác biển; Năng lượng mới, năng lượng nguyên tử; Môi trường.

Thảo luận tại Hội trường, đa số các đại biểu cho rằng, việc xác định lĩnh vực công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư phát triển là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chỉ đạo cho việc xác định sản phẩm công nghệ cao cũng như xác định đối tượng được hưởng chế độ khuyến khích ưu đãi, phân bổ nguồn lực đầu tư và áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi một cách tập trung. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể 8 lĩnh vực ưu tiên như trong dự thảo là không nên. Đại biểu Lê Văn Học (đoàn Lâm Đồng) phân tích: Chúng ta không nên quy định cụ thể về những lĩnh vực ưu tiên công nghệ cao. Bởi vì có những công nghệ ở nước ta chưa có như xây dựng đường hầm metro có thể đưa vào công nghệ cao được không? Đại biểu đề nghị nên để ngỏ các lĩnh vực ưu tiên để Chính phủ quy định sau.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, đến nay Việt Nam đã hình thành 12 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Nguyên, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ và Bạc Liêu.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Xuyên (đoàn Bình Định) lại cho rằng, cần quy định rõ các lĩnh vực công nghệ cao cần được ưu tiên đầu tư phát triển và khuyến khích phát triển. Đối với ngành sản xuất nông nghiệp, khâu quản lý chế biến sau thu hoạch có nhu cầu rất lớn, ảnh hưởng tới đời sống của người nông dân. Do đó, đại biểu đề nghị cần đưa vấn đề này vào lĩnh vực ưu tiên phát triển.

Báo cáo thẩm tra dự án luật CNC của Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đồng tình với quan điểm cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên tập trung đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào các ngành kinh tế - kỹ thuật, đồng thời quan tâm đúng mức đến 4 lĩnh vực công nghệ cao cơ bản (gồm công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và tự động hóa), vì hai mảng hoạt động công nghệ cao này có quan hệ phụ thuộc và thúc đẩy lẫn nhau (Ví dụ ngành hàng không, đóng tàu hiện tại đang ứng dụng nhiều thành tựu công nghệ cao trong lĩnh vực thông tin, vật liệu mới, chế tạo máy…).

Về khoản 3 của Điều 6, một số thành viên Ủy ban đề nghị nên giao cho Chính phủ công bố danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định để đảm bảo sự linh hoạt trước những biến đổi nhanh của thực tiễn.

Tránh phát triển CNC theo kiểu phong trào

Trong phiên thảo luận chiều qua (27/5), đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) nêu một thực tế, các địa phương hiện đang phát triển công nghệ theo kiểu phong trào, chủ yếu kêu gọi được đầu tư CNC chỉ để hưởng ưu tiên, ưu đãi của nhà nước. Đại biểu đề nghị, Nhà nước nên tập trung ưu tiên đầu tư nâng cao chất lượng công nghệ cao ở 21 khu công nghệ cao thuộc 9 tỉnh, thành phố thực sự có hiệu quả, áp dụng cho được vào cuộc sống. Sau năm 2010 tổ chức tổng kết đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm, từ đó nhân rộng ở các địa phương khác. Không nên đầu tư tràn lan nhưng rồi hiệu quả kinh tế không cao

Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ) cũng cho rằng, phải xây dựng các dự án với các tiêu chuẩn, định mức rõ ràng để có thể được xem xét đánh giá chính xác, khả thi, tránh tình trạng giống như đề án 112./.

Hiện Việt Nam có khoảng 100 viện nghiên cứu và 80 trường đại học, cao đẳng có hoạt động liên quan đến các lĩnh vực công nghệ cao. Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu trên đã giúp giảm chi phí nhập khẩu nhiều trang thiết bị giá trị cao và góp phần mang lại lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

 

Cẩm Thuỷ - Thanh Hà

(http://www.vovnews.vn/)

Các bài viết khác