Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hộI

13/03/2007

Hà Nội ( TTXVN) - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nói rằng vấn đề cốt lõi quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII là nâng cao chất lượng đại biểu.

Ngày 9/3, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, Trưởng Tiểu ban tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã trả lời phỏng vấn TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Thưa Phó Chủ tịch, ngày 4/2, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã công bố ngày bầu cử cũng như thành lập Hội đồng bầu cử. Mọi việc dường như diễn ra đúng kế hoạch, đúng luật. Xin Phó Chủ tịch có vài nét đánh giá chung về việc chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội cho đến nay ?

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII vào ngày 20 tháng 5 năm 2007 là sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống xã hội của nước ta. Thông qua việc bầu cử đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước thực hiện quyền làm chủ của mình bằng cách lựa chọn những đại biểu đủ tiêu chuẩn, đủ đức, đủ tài, để đại diện cho nhân dân tham gia Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước ta.

Quyền bầu cử là một quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật quy định. Do đó, việc tổ chức và triển khai cuộc bầu cử phải bảo đảm cho cử tri thực hiện được đầy đủ quyền bầu cử và ứng cử của mình. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội phải được tiến hành thực sự dân chủ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục phải được thực hiện đúng quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, các văn bản hướng dẫn của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ...Cuộc bầu cử phải đảm bảo an toàn và tiết kiệm, thể hiện đây là ngày hội của toàn dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc trực tiếp tham gia xây dựng chính quyền nhà nước.

Cho đến nay, quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã được triển khai khẩn trương, suôn sẻ, theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 1077/2007/NQ/UBTVQH11 ngày 29/01/2007 công bố ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII vào ngày Chủ nhật 20/5/2007; thành lập Hội đồng bầu cử đại biểu Quốc hội. Theo thẩm quyền do Luật bầu cử đại biểu Quốc hội quy định, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đã dự kiến về cơ cấu thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương và ở địa phương. Các Uỷ ban bầu cử đã được thành lập và Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được tiến hành.

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cũng đã tích cực được triển khai. Hội nghị triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII đã diễn ra ngày 10/02/2007 với sự tham gia đưa tin của gần 50 đại diện của các cơ quan thông tấn, báo chí. Ngay sau Hội nghị này, Tiểu ban tuyên truyền đã triển khai xây dựng và ban hành Kế hoach tuyên truyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII để hướng dẫn triển khai thống nhất công tác tuyên truyền cuộc bầu cử trong cả nước, bảo đảm bầu không khí sôi nổi và phấn khởi cho cuộc bầu cử.

Thưa đồng chí, cử tri cả nước đang hướng tới cuộc bầu cử, có nhiều nguyện vọng về một Quốc hội khoá XII. Xin đồng chí cho biết những điểm cần quan tâm trong cuộc bầu cử lần này ?

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII này sẽ bầu 500 đại biểu Quốc hội đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo trong cả nước. Để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, dự kiến, số đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tăng từ khoảng 25% hiện nay lên 30% tổng số đại biểu, trong đó, ngoài các đại biểu chuyên trách công tác tại các cơ quan của Quốc hội, mỗi tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ có một đại biểu chuyên trách, riêng ở bốn địa phương: thành phố Hà nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Nghệ an thì mỗi địa phương có 2 đại biểu chuyên trách. Trong cuộc bầu cử lần này, chúng ta cố gắng phấn đấu tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội là nữ, bảo đảm khoảng 30% tổng số đại biểu là nữ. Một mặt, chúng ta chú ý đến cơ cấu đại biểu hợp lý nhưng vấn đề hết sức cốt lõi, quan trọng là nâng cao chất lượng đại biểu.

Theo quy định của pháp luật, cử tri đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử làm đại biểu Quốc hội. Hiện nay, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân đang triển khai việc giới thiệu những người đủ đức, tài làm đại biểu Quốc hội. Nhiều người tự xét thấy có đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội cũng đã làm hồ sơ tự ứng cử. Đây là những điểm cần quan tâm trong cuộc bầu cử lần này. Chúng ta cố gắng bảo đảm thực sự dân chủ, bảo đảm quyền tự ứng cử của công dân được thực hiện thật tốt trên thực tế. Người được giới thiệu ứng cử hoặc tự ứng cử phải được sự tín nhiệm của cử tri nơi làm việc, nơi cư trú và tiến hành đăng ký, vận động bầu cử theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử. Những người đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương giới thiệu và Hội đồng bầu cử trung ương công bố là ứng cử viên đều bình đẳng trong vận động bầu cử. Việc trả lời phỏng vấn, đưa tin trên báo chí phải bảo đảm bình đẳng. Ví dụ, mỗi ứng cử viên đều có thời lượng như nhau là trình bày kế hoạch hành động của mình. Hoặc nếu đăng bài phát biểu, hình ảnh của các ứng cử viên thì phải xếp theo thứ tự chữ cái A,B, C ... Đồng thời, pháp luật bầu cử cũng có các điều khoản quy định nghiêm cấm việc lợi dụng vận động bầu cử để làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác.

Từ nay đến ngày bầu cử 20/5 không còn dài mà công việc chuẩn bị theo luật định cũng còn nhiều, với tư cách là Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng tiểu ban tuyên truyền, đồng chí cho biết những điều gì cần nhấn mạnh trong công tác tuyên truyền về bầu cử?

Mục đích công tác tuyên truyền trong cuộc bầu cử là nhằm động viên mọi tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần làm chủ, tự giác tham gia bầu cử để lựa chọn các đại biểu có đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân tham gia Quốc hội, đồng thời, tạo không khí dân chủ, cởi mở, ý thức trách nhiệm công dân, thái độ tích cực tham gia xây dựng Nhà nước.

Công tác tuyên truyền về cuộc bầu cử cần phải góp phần làm cho mọi tầng lớp nhân dân thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XII, thông qua đó, bảo đảm sự ủng hộ và tích cực tham gia cuộc bầu cử của cử tri; tuyên truyền về các nội dung chủ yếu của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, nhất là những nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân trong cuộc bầu cử, về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Quốc hội.

Tuyên truyền về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị-xã hội, của các cấp, các ngành, nhất là yêu cầu bảo đảm cuộc bầu cử dân chủ, đúng pháp luật và phải bám sát vào tiến trình bầu cử. Chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền cần phải bảo đảm định hướng thể hiện bản chất dân chủ của cuộc bầu cử, đúng pháp luật. Các cơ quan báo chí có vai trò rất quan trọng trong việc tuyên truyền về bản chất dân chủ của Nhà nước ta, quyền dân chủ của nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước, thành tựu của Quốc hội; quá trình chuẩn bị, các bước triển khai và hoạt động bầu cử. Cần đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền như phỏng vấn, tọa đàm, phóng sự, phát biểu ý kiến của cử tri, của những người ứng cử

 

(http://www.vnanet.vn/)