Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: ae7766a1-a90d-90f0-19a0-5e5bb6e81294.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỂ DU LỊCH ÂM NHẠC TRỞ THÀNH MỘT NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA PHÁT TRIỂN TẠI VIỆT NAM

10/07/2024

Cho rằng sự kết hợp giữa âm nhạc và du lịch không chỉ làm phong phú hoạt động văn hóa, giải trí của con người, mà còn thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa của một quốc gia, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp để thúc đẩy du lịch âm nhạc Việt Nam phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: THÚC ĐẨY SỨC SÁNG TẠO CỦA GIỚI TRẺ TRONG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA

ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HÀ NỘI VƯƠN TẦM PHÁT TRIỂN, XỨNG ĐÁNG LÀ ĐÔ THỊ ĐẶC BIỆT, TRUNG TÂM KINH TẾ, VĂN HÓA, GIÁO DỤC, HỘI NHẬP QUỐC TẾ CỦA CẢ NƯỚC

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Phóng viên: Đại biểu đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển du lịch âm nhạc của nước ta?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Hiện nay, cộng đồng yêu thích âm nhạc không chỉ chi mạnh tay để tham gia buổi trình diễn của thần tượng ở một quốc gia khác, mà họ còn sẵn sàng dành thời gian để thăm thú những địa điểm du lịch của đất nước đăng cai tổ chức. Đây là hình thức tham dự các sự kiện nghệ thuật lớn, kết hợp với việc tham quan danh thắng và sử dụng dịch vụ lưu trú, ăn uống, đi lại… tại nơi diễn ra sự kiện. Hình thức du lịch này từ lâu đã phủ sóng khắp châu Âu, châu Mỹ và đang dần phổ biến hơn ở khu vực châu Á trong vài năm trở lại đây. Tôi cho rằng, xu hướng du lịch mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho đất nước ta. 

Việt Nam hiện cũng là một trong những nước có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến tổ chức các sự kiện âm nhạc, qua đó đã kéo theo một lượng khách đông đảo đến Việt Nam. Tôi cho rằng, hoạt động này mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực cho việc quảng bá và phát triển du lịch cũng như kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta. Dễ nhìn thấy nhất là gia tăng lượng khách du lịch. Sự kiện âm nhạc của các nghệ sĩ quốc tế thu hút lượng lớn người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới đến tham dự, kéo theo lượng du khách nước ngoài và cả trong nước tăng lên đáng kể. Nhờ đó, các sự kiện này giúp Việt Nam xuất hiện nhiều hơn trên bản đồ du lịch quốc tế cũng như truyền thông toàn cầu. Hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam được truyền tải rộng rãi. Hiệu ứng lan tỏa là, khi có sự kiện lớn, các ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, giao thông, và bán lẻ cũng được hưởng lợi rất nhiều, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Bên cạnh đó, việc Việt Nam tổ chức thành công các sự kiện lớn cho thấy đất nước ta đủ khả năng và cơ sở hạ tầng để đón tiếp những nghệ sĩ tầm cỡ, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trong ngành công nghiệp giải trí quốc tế.

Ngoài ra, những sự kiện này còn mở ra cơ hội hợp tác văn hóa, nghệ thuật giữa các nước, làm phong phú thêm đời sống văn hóa, nghệ thuật của người dân Việt Nam. Thành công của những sự kiện này tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho việc tổ chức nhiều sự kiện quốc tế khác trong tương lai, từ đó tiếp tục thu hút khách du lịch và mở rộng thị trường giải trí nước ngoài.

Không chỉ các đêm nhạc của nghệ sĩ quốc tế mà các liveshow âm nhạc của nghệ sĩ trong nước cũng thu hút một lượng khán giả lớn không kém, đặc biệt việc Đà Lạt được công nhận là Thành phố Sáng tạo của UNESCO về âm nhạc trong năm 2023 là một bước tiến quan trọng. Điều này không chỉ nâng cao vị thế của Đà Lạt trong ngành du lịch âm nhạc quốc tế mà còn tạo nền tảng cho các hoạt động và sự kiện âm nhạc sáng tạo, thu hút cả du khách trong và ngoài nước.

Thực tế, du lịch âm nhạc tại Việt Nam cũng đang được nhiều địa phương đẩy mạnh. Có thể kể tới một vài chương trình du lịch kết hợp với các show âm nhạc đã diễn ra khá thành công như minishow “Soul of the Forest - Đêm nhạc giữa rừng thông” được tổ chức tại Flamingo Đại Lải Resort; show Hoa Bay tại Khu du lịch Tam Đảo, các đêm diễn Mây Lang Thang tại Đà Lạt... Theo thống kê của ngành du lịch Đà Lạt, mỗi minishow của các ca sĩ luôn thu hút ít nhất 500 - 700 du khách, con số này tăng lên gấp nhiều lần đối với những ca sĩ thần tượng. Đơn cử, chỉ riêng hai đêm diễn của ca sĩ Hà Anh Tuấn đã mang đến cho thành phố Đà Lạt khoảng 10.000 du khách…

Rõ ràng, du lịch sự kiện nói chung, du lịch âm nhạc tại Việt Nam đang có tiềm năng phát triển rất lớn. Việc các liveshow âm nhạc của nghệ sĩ trong nước thu hút lượng khán giả đông đảo thời gian qua cho thấy sự yêu thích và ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng người tiêu dùng âm nhạc trong nước. Điều này không chỉ phản ánh sự lớn mạnh của thị trường âm nhạc Việt Nam mà còn mở ra cơ hội để phát triển ngành du lịch âm nhạc.

Nhìn chung, cùng với di sản văn hóa phong phú và ngành du lịch đang phát triển nhanh chóng, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển du lịch âm nhạc. Hơn nữa, cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục, các thành phố nhộn nhịp và lòng hiếu khách nồng hậu của con người Việt Nam cũng mang đến bối cảnh bổ sung cho các hoạt động du lịch âm nhạc. Qua hoạt động âm nhạc, Việt Nam có thể thu hút một làn sóng khách du lịch mới tìm kiếm sự hòa mình vào văn hóa và giải trí.

Sự cộng hưởng hoàn hảo giữa âm nhạc và du lịch không chỉ làm phong phú hoạt động văn hóa, giải trí của con người, mà còn thúc đẩy sự phát triển cho ngành công nghiệp văn hóa của một quốc gia. Tôi thấy rằng, du lịch âm nhạc có tiềm năng trở thành một ngành công nghiệp văn hóa phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế quốc gia và quảng bá văn hóa âm nhạc Việt Nam ra thế giới.

Phóng viên: Mô hình phát triển du lịch âm nhạc đã rất phát triển trên thế giới, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Đại biểu có đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn nếu Việt Nam đẩy mạnh loại hình du lịch này?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Tôi cho rằng, phát triển du lịch âm nhạc ở Việt Nam là một ý tưởng đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Trên thế giới, các quốc gia như Mỹ, Anh hay Đức đã rất thành công trong việc kết hợp âm nhạc với du lịch thông qua các lễ hội âm nhạc lớn, thu hút được hàng triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ và đối diện nhiều khó khăn.

Sở dĩ tôi nói vậy là bởi, Việt Nam chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế. Điều này đòi hỏi cơ sở hạ tầng tốt, đội ngũ tổ chức chuyên nghiệp và khả năng quản lý sự kiện ở quy mô lớn. Hơn nữa, việc xây dựng một thương hiệu lễ hội âm nhạc cũng cần thời gian và chiến lược lâu dài để tạo dựng lòng tin của du khách.

Bên cạnh đó, văn hóa âm nhạc ở Việt Nam đa dạng nhưng chưa đủ sức cạnh tranh trên đấu trường quốc tế. Để thu hút du khách quốc tế, Việt Nam cần đầu tư vào việc xây dựng các chương trình âm nhạc chất lượng cao, mời gọi các nghệ sĩ nổi tiếng từ khắp nơi trên thế giới và tạo ra những trải nghiệm âm nhạc độc đáo, gắn kết với văn hóa địa phương.

Tuy nhiên, không phải là không có cơ hội. Việt Nam chúng ta có một nền văn hóa phong phú và đa dạng, có thể kết hợp giữa âm nhạc và các yếu tố văn hóa, ẩm thực và du lịch tự nhiên để tạo ra các sản phẩm du lịch âm nhạc độc đáo. Các sự kiện như lễ hội âm nhạc mùa hè tại các bãi biển đẹp như Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu hay các khu đô thị hiện đại như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đều có tiềm năng phát triển.

Việc học hỏi từ các mô hình thành công trên thế giới, tìm kiếm hợp tác quốc tế và đầu tư vào việc đào tạo đội ngũ tổ chức là cần thiết. Nếu có chiến lược đúng đắn và cam kết lâu dài, tôi tin du lịch âm nhạc có thể trở thành một phần quan trọng trong ngành du lịch của Việt Nam, góp phần vào việc phát triển kinh tế và quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới.

Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ về những giải pháp cơ bản để phát triển du lịch âm nhạc Việt Nam trong thời gian tới?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Theo tôi, để phát triển du lịch âm nhạc trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp sau:

Thứ nhất, chúng ta cần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tổ chức các sự kiện âm nhạc và du lịch âm nhạc. Từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ này sẽ hình thành nên chính sách hỗ trợ từ Nhà nước trong khuyến khích đầu tư từ các doanh nghiệp và cá nhân vào phát triển du lịch âm nhạc và các hình thức hỗ trợ về pháp lý, giảm thuế cho các hoạt động liên quan đến tổ chức sự kiện âm nhạc.

Thứ hai là xây dựng hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ bằng cách nâng cấp các nhà hát, sân khấu ngoài trời, và các địa điểm tổ chức sự kiện âm nhạc, kể cả các khách sạn, nhà hàng, giao thông thuận tiện, phù hợp với nhu cầu của du khách tham gia các sự kiện âm nhạc.

Thứ ba là tăng cường quảng bá và marketing trên các kênh truyền thông trong nước và quốc tế để thu hút sự chú ý đến các sự kiện âm nhạc. Sử dụng mạng xã hội và các nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận giới trẻ và đối tượng yêu âm nhạc.

Thứ tư là đa dạng hóa sự kiện âm nhạc, bằng cách tổ chức thường xuyên các lễ hội âm nhạc với nhiều thể loại khác nhau từ dân gian, cổ điển đến hiện đại, để phục vụ đa dạng đối tượng. Mời các nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước tham gia biểu diễn để tăng sức hấp dẫn cho sự kiện.

Thứ năm là đào tạo và phát triển nhân lực như các chuyên gia quản lý sự kiện, nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, và hướng dẫn viên du lịch có hiểu biết về âm nhạc. Đồng thời khuyến khích các tài năng âm nhạc trẻ qua các cuộc thi và chương trình tài năng.

Thứ sáu là kết hợp với các lĩnh vực khác như liên kết du lịch âm nhạc với du lịch văn hóa, ẩm thực,... để tạo ra các tour du lịch phong phú. Phát triển các sản phẩm du lịch mang dấu ấn âm nhạc, như tour thăm quan nhà hát nổi tiếng, bảo tàng nghệ thuật, làng nghề làm nhạc cụ truyền thống...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Phương