Là 1 trong 4 người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Khóa XIV, GS.TS. Hoàng Văn Cương cho biết, sự tin tưởng và ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử vừa qua cho thấy trọng trách, kỳ vọng rất lớn đối với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội Khóa XV. Ông tin tưởng, Quốc hội Khóa XV sẽ đi đầu về đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là trong lĩnh vực lập pháp, tạo đột phá về thể chế để tiếp tục kiến tạo sự phát triển của đất nước.
Hành động theo ý nguyện của Nhân dân
- Lần thứ hai ứng cử đại biểu Quốc hội và là một trong số ít đại biểu tự ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, cảm nhận của ông như thế nào?
- Tự ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, áp lực với tôi rất lớn so với ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV khi tôi được cơ quan giới thiệu. Lợi thế của ứng cử viên đại biểu Quốc hội được cơ quan, đơn vị, tổ chức giới thiệu là cử tri có xu hướng cảm thấy yên tâm hơn, tin tưởng hơn. Còn khi tự ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử viên phải tự chứng minh bản thân có đủ năng lực, phẩm chất, uy tín, sự nhiệt huyết với hoạt động dân cử để cử tri cân nhắc bỏ phiếu cho mình.
Áp lực càng lớn hơn khi tôi tái cử sau một nhiệm kỳ làm đại biểu Quốc hội. Nếu cử tri không bỏ phiếu cho tôi nữa thì điều đó chứng tỏ hoạt động của tôi trong nhiệm kỳ trước chưa đáp ứng sự mong đợi của cử tri. Tuy nhiên, qua các hội nghị lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, tôi vô cùng xúc động khi thấy nhiều cử tri ủng hộ, tin tưởng và mong muốn tôi tiếp tục làm đại biểu Quốc hội. Sự tin tưởng và ủng hộ đó đòi hỏi tôi phải nỗ lực hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai tới đây.
- Quốc hội được ví như "trường đại học tổng hợp". Sau một nhiệm kỳ nhìn lại, ông rút ra bài học gì cho chính mình?
- Một nhiệm kỳ tham gia Quốc hội đã cho tôi những bài học thấm thía, làm thay đổi nhận thức của tôi về vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội.
Bài học đầu tiên tôi rút ra được sau 5 năm làm người đại diện cho Nhân dân tại Quốc hội là phải biết lắng nghe cử tri, Nhân dân và đem tiếng nói của người dân đến nghị trường. Lắng nghe không phải để biết và lặp lại một cách máy móc trên nghị trường những vấn đề cử tri phản ánh, mà phải có sự tổng hợp, tư duy, chắt lọc. Đem tiếng nói của cử tri, người dân đến nghị trường không phải là đem tiếng nói của một cá nhân hay nhóm người mà là tiếng nói của đông đảo người dân. Chỉ khi tiếng nói của đông đảo cử tri được chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội, được thể hiện trong các quyết sách của Quốc hội thì Quốc hội mới thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại diện cao nhất hành động theo ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, vì lợi ích của Nhân dân.
Bài học thứ hai là, đại biểu Quốc hội phải có dũng khí để dám nói lên tiếng nói của người dân; mạnh dạn, thẳng thắn nói lên thực trạng, tồn tại, hạn chế trong xã hội. Người dân cũng mong muốn đại biểu phản ánh bức xúc của họ trên nghị trường không phải để phê phán, làm nhụt chí những người điều hành, quản lý mà tiếng nói phải mang tính xây dựng để tìm ra giải pháp khắc phục. Thực tế, tôi thấy rằng, khi đại biểu phát biểu thẳng thắn, trung thực, mang tính xây dựng thì các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là những người đứng đầu các cơ quan này, đều rất lắng nghe, hoan nghênh và tiếp thu. Đại biểu Quốc hội có thẩm quyền lớn và tính độc lập cao. Song cũng chính vì thế mà đại biểu càng phải tự ý thức về vai trò, trọng trách của mình để có phát ngôn, hành vi phù hợp; biết tự điều chỉnh lời nói, hành vi cho chuẩn mực và luôn phải cố gắng phấn đấu làm tốt hơn.
Kiểm điểm lại hoạt động của 5 năm làm đại biểu Quốc hội Khóa XIV, tôi tự thấy mặc dù mình đã tích cực hoạt động trong vai trò đại biểu Quốc hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết sự mong mỏi của cử tri, Nhân dân. Còn rất nhiều việc mà tôi phải làm tốt hơn, hoặc nếu tôi theo đuổi quyết liệt hơn thì đóng góp được nhiều hơn cho đất nước. Chính điều đó đã thôi thúc tôi ứng cử đại biểu Quốc hội thêm một nhiệm kỳ nữa.
Tập hợp, phát huy trí tuệ của các nhà khoa học
- Với những trăn trở như vậy, trong nhiệm kỳ Khóa XV, ông sẽ dành ưu tiên hành động cho những nội dung nào?
- Với vị trí công tác của mình, tôi sẽ đóng vai trò cầu nối hiệu quả giữa Nhà nước và các nhà khoa học, góp phần tập hợp các trí thức, nhà khoa học đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Hiện nay, tôi là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tôi có nhiều thuận lợi để làm điều này vì những nơi tôi công tác, sinh hoạt đều quy tụ rất đông nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Qua các phiên thảo luận kinh tế, xã hội, các phiên chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, tôi cảm nhận rất rõ sự cầu thị, lắng nghe của "tư lệnh" các ngành, lãnh đạo Chính phủ đối với những phát biểu thuyết phục, có căn cứ, cơ sở khoa học của các đại biểu Quốc hội. Tôi mong muốn, bằng việc tập hợp, phát huy tri thức sẽ tạo ra sự đóng góp của tập thể các nhà khoa học, các nhà kinh tế vào sự phát triển chung của đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Trong chương trình hành động, tôi cũng đề ra mục tiêu theo đuổi quyết liệt các dự án luật thuộc lĩnh vực mà tôi có am hiểu chuyên môn sâu về kinh tế, xã hội, quản trị kinh doanh, quản lý đất đai… Trước mắt, tôi dự định sẽ tích cực thúc đẩy Quốc hội sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai. Đây là yêu cầu rất cấp bách vì những bức xúc, khiếu kiện của người dân hiện nay phần lớn liên quan đến vấn đề đất đai. Các công cụ luật pháp để quản lý đất đai chưa điều chỉnh hiệu quả các hành vi, quan hệ trong lĩnh vực này. Sửa đổi Luật Đất đai nhằm giải quyết những bức xúc trong xã hội, làm an lòng dân; đồng thời, giải phóng nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế, xã hội, nhất là khi nước ta đang trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế để phát triển.
Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả giúp tạo ra nguồn lực rất lớn cho phát triển kinh tế, xã hội. Điều quan trọng là nguồn lực ấy phải tập trung đầu tư cho sự phát triển của xã hội, thay vì làm giàu cho cá nhân hoặc cho một nhóm lợi ích nào. Bản thân tôi đã, đang đầu tư rất nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu những nội dung quan trọng cần sửa đổi trong Luật Đất đai và hy vọng Quốc hội Khóa XV sẽ tiến hành càng sớm càng tốt.
- Chỉ khoảng 1 tháng nữa, Quốc hội Khóa XV sẽ khai mạc kỳ họp đầu tiên. Ông kỳ vọng gì ở nhiệm kỳ mới của Quốc hội?
- Chúng ta đã có nhiều bài học thành công để Quốc hội Khóa XV tiếp nối, phát huy hơn nữa trong nhiệm kỳ tới. Đặc biệt, trong xu hướng xã hội phát triển ngày càng dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội cần tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn dân chủ quan trọng bậc nhất của đất nước.
Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV cho thấy, lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trúng cử đạt 38,6% tổng số đại biểu Quốc hội. Mặc dù con số này chưa đạt so với yêu cầu về tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách tối thiểu 40% trong Luật Tổ chức Quốc hội, nhưng việc tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách và giảm tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm trong các cơ quan hành pháp, tư pháp là xu hướng tất yếu và sẽ làm tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định mục tiêu đưa đất nước trở thành nước phát triển có thu nhập cao và đề ra định hướng phát triển dựa vào đổi mới, sáng tạo. Trong ba đột phá chiến lược, Nghị quyết Đại hội đã tiếp tục khẳng định vai trò, ý nghĩa của đột phá chiến lược về thể chế. Vì vậy, tôi tin tưởng, Quốc hội Khóa XV sẽ đi đầu về đổi mới, sáng tạo trong thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác xây dựng pháp luật, tạo đột phá về thể chế để tiếp tục kiến tạo sự phát triển của đất nước.
- Xin cảm ơn ông!