Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hiện thế giới có khoảng 152 triệu lao động trẻ em. Ở Việt Nam, dự tính có hơn một triệu trẻ em từ 5-17 tuổi đang tham gia lao động. Mặc dù vấn đề này đã được quy định tại Bộ Luật lao động 2019, Luật trẻ em 2016 tuy nhiên việc thực thi luật trong thực tế cũng gặp nhiều hạn chế.
Trên thực tế, không khó bắt gặp hình ảnh những em bé này chỉ khoảng chừng 12, 13 tuổi, nhưng đã phải bỏ học, rời xa bố mẹ, gia đình để hàng ngày làm công việc bán hàng rong trên khắp các con phố. Điều đáng nói là hiện nay, nhận thức của người dân về độ tuổi lao động tối thiểu và thời gian tối đa được phép sử dụng lao động là trẻ em cũng còn nhiều hạn chế.
Theo Điều 146 Bộ luật lao động 2019, thời giờ làm việc (các công việc theo danh mục được quy định) của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Thế nhưng, thực tế vấn đề lao động trẻ em ở nước ta vẫn là vấn đề rất nhức nhối. Ông Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ở nước ta có sự lẫn lộn giữa lao động sớm, lao động trẻ em, lao động giúp việc gia đình, lao động kiếm sống vì kinh tế. Có những loại hình trá hình và trẻ em vẫn bị bóc lột như ở các gameshow, ở các loại hình nghệ thuật thì các em bé vẫn còn bị bóc lột để đạt được những giải này giải kia, đạt được mục đích kiếm tiền…
Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
Theo cuộc điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai tại Việt Nam, xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5-17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó có trên 520.000 trẻ phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc độc hại nguy hiểm. Đặc biệt, với 40,6% trẻ trong nhóm này phải làm việc nhiều hơn 40 giờ một tuần.
Có thể thấy, những con số trên thực sự đáng báo động về thực trạng rất nhiều trẻ em đang phải tham gia lao động từ rất sớm và lao động quá sức của các em. Thế nhưng, càng đau lòng hơn, khi nhiều vụ việc lạm dụng, thậm chí là bạo hành đánh đập lao động trẻ em đã xảy ra trong thời gian qua. Dư luận vẫn chưa thể quên được câu chuyện bạo hành trẻ em hết sức đau lòng xảy ra tại quán bánh xèo Miền Trung (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh).
Cụ thể, em T.Q.D - 14 tuổi làm công việc chính là bưng bê đồ ăn, rửa bát và lau dọn quán, trong hơn 1 tháng liên tiếp đã bị chủ quán đánh đập, hành hạ bằng đòn roi, chày đập đá, thậm chí có lần, còn bị bà chủ dùng dĩa nấu bánh xèo còn nóng đập thẳng vào cánh tay khiến phồng rộp, chảy máu. Ngay sau khi vụ việc bị phát hiện, Công an huyện Yên Phong đã ra lệnh bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp đối với chủ quán bánh xèo là Nguyễn Thị Ánh Tuyết (quê Quảng Ngãi) về tội Hành hạ người khác.
Đây chỉ là vụ việc điển hình trong số nhiều vụ việc về bạo hành, lạm dụng lao động trẻ em. Điều đáng nói, các vụ việc như thế này chỉ bị phát hiện, đưa ra ánh sáng khi nạn nhân bỏ trốn, hay được người trong cộng đồng, xã hội giúp đỡ.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, nhiều vụ việc lạm dụng thậm chí là bóc lột, bạo hành sức lao động trẻ em thậm tệ đã xảy ra gây hoag mang và là hồi chuông cảnh báo cho cả dư luận, đối với những vụ việc này, chúng ta thấy nạn nhân đều là các em nhỏ nên thường không dám nói ra, ko đủ khả năng phản kháng…
Cơ quan tố tụng lấy lời khai Nguyễn Thị Ánh Tuyết ( Ảnh: Công an Bắc Ninh)
Đối với các vụ việc lạm dụng, bạo hành lao động trẻ em các chuyên gia tâm lý nhận định, hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập trẻ em sẽ để lại những vết thương sâu sắc cả về thể xác lẫn tinh thần, đặc biệt trong việc hình thành trí não của trẻ. Nhiều trường hợp vì bị bạo hành quá nhiều nên kéo theo sự thay đổi về tâm tính, thậm chí trở nên vô cảm, lãnh đạm với mọi thứ xung quanh. Chị Mai Phương, chuyên gia Tư vấn tâm lý – Trung tâm Chăm sóc tâm hồn cho rằng, thực sự việc trẻ em bị bạo hành ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và tâm lý của các em. Bởi vì khi trẻ em đang trong độ tuổi ăn tuổi học thì các em cần được yêu thương, mà các bạn phải lao động nặng nhọc, thậm chí bị bạo hành,..những hành vi, ký ức này sẽ khiến trẻ nhận thức lệch lạc về cuộc sống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sau này của trẻ.
Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, nhưng Việt Nam cũng như các nước đang phát triển khác vẫn còn hiện tượng lạm dụng lao động trẻ em trong khu vực kinh tế phi chính thức. Vậy cần những giải pháp gì để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn tình trạng lạm dụng sức lao động trẻ em một cách hiệu quả nhất? Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số vị đại biểu Quốc hội về về vấn đề này:
Đại biểu Phan Lương Cừ, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XII: Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ em phải đi kiếm sống sớm, nên nhiều khi là những người sử dụng lao động đang lạm dụng sức lao động trẻ em. Điều đáng lo ngại là việc lạm dụng sức lao động của các em là quá sức so với các em; gây hệ lụy khôn lường tới trẻ. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, chính sách, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em... từ đó để bảo đảm sự gắn kết và hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Bên cạnh đó, cần tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Đồng thời, khi phát hiện những hành vi lạm dụng, bóc lột sức lao động của trẻ em cần khuyến khích người dân kịp thời lên tiếng, thông báo ngay cho các cơ quan chức năng.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội: Có thể thấy, việc trẻ em phải lao động sớm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tiếp cận giáo dục của trẻ, khiến trẻ không có cơ hội học hành, phát triển nhân cách phù hợp. Thực trạng này khiến trẻ em dễ rơi vào nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng, thậm chí là bị bạo lực, bạo hành. Xét ở góc độ nào đó, trẻ em tham gia lao động sớm có thể tạo ra lợi ích vật chất cho xã hội, nhưng về lâu dài, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu. Hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn về nhận thức của gia đình, của người sử dụng lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, chính sách liên quan đến lao động trẻ em.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Bên cạnh đó, đời sống khó khăn, nghèo đói vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ em tham gia các hoạt động kinh tế và dễ dấn đến nguy cơ bị bóc lột, lạm dụng,… Do vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống lao động trẻ em, nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật về lao động trẻ em trong cộng đồng, gia đình và người sử dụng lao động.
Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng cần có những chương trình vận động, giúp đỡ những gia đình gặp khó khăn để các em không phải tham gia lao động kiếm sống; Tạo môi trường thân thiện, tạo điều kiện cho trẻ em và gia đình tiếp cận giáo dục, dạy nghề, y tế, và các dịch vụ hỗ trợ khác; Sử dụng và phát huy vai trò của hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em để hỗ trợ, can thiệp đối với lao động trẻ em.
Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định: Việt Nam là một trong những nước tích cực tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế và ban hành nhiều văn bản luật pháp, chính sách nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể, nhưng nước ta cũng như các nước khác vẫn còn hiện tượng lao động trẻ em trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định
Hiện nay, việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức còn nhiều bất cập. Do vậy, cần kiện toàn hệ thống bảo vệ trẻ em, mạng lưới dịch vụ bảo vệ trẻ em để phòng ngừa, phát hiện sớm và hỗ trợ kịp thời lao động trẻ em để bảo đảm các quyền của trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em của các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương; Tổ chức các đoàn kiểm tra của Ủy ban quốc gia về trẻ em tại các bộ, ngành, địa phương về bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật để người dân nâng cao nhận thức cũng vô cùng cần thiết.
Trẻ em là tương lai của đất nước do vậy, việc xóa bỏ vấn nạn lạm dụng sức lao động trẻ em cần nhận được sự quan tâm, vào cuộc của của toàn thể xã hội. Sự tham gia chủ động, tích cực của cả xã hội sẽ giúp cho việc xây dựng, thực hiện luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lạm dụng lao động trẻ em nói riêng và về quyền trẻ em nói chung được thực hiện hiệu quả hơn./.