Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội
Theo đại biểu, ở thời điểm đầu của nhiệm kỳ, từ những khó khăn mà tưởng chừng như rất khó để có thể nhanh chóng vực dậy thì với sự phối kết hợp từ Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ, cả một hệ thống chính trị đã khẳng định được vị thế của Quốc gia, của Việt Nam và vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như của Quốc hội, Chính phủ và của các cơ quan. Từ các đánh giá, tổng hợp ở những báo cáo, đại biểu khẳng định Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ đã có một nhiệm kỳ hoạt động thành công, để lại nhiều dấu ấn và đổi mới sâu sắc. Riêng đối với những vấn đề hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới, đại biểu bày tỏ kỳ vọng việc thực hiện Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2020 sẽ có được những chuyển biến về chất lượng của đại biểu Quốc hội và qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Quốc hội, nhất là trong công tác lập pháp. Theo đại biểu, toàn bộ hệ thống chính trị điều hành, quản trị đất nước cũng phụ thuộc vào hệ thống pháp luật của chúng ta được hoàn thiện. Do đó, chất lượng công tác làm luật là vô cùng quan trọng. Đại biểu cho biết, một số những đạo luật vừa qua, có những vấn đề mà còn bất cập; khi mà đưa ra, các đại biểu thảo luận, rồi ý kiến phản biện của người dân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí thì Quốc hội cũng đã xem xét rất thận trọng và đã lắng nghe. Đặc biệt là đối các luật và những vấn đề liên quan đến đặc khu thì đã được đánh giá rất cao là đã dừng lại. Qua đó, đại biểu khẳng định, cần phải có sự đổi mới ở nhiệm kỳ trước, đó là những đạo luật thì cần những người chuyên gia vừa có thực tiễn vừa có chuyên môn để đánh giá, nhưng đồng thời cũng cần thiết phải có những ý kiến của các bộ phận hoặc các nhóm đối tượng chịu sự tác động bởi các đạo luật đó, để cuối cùng các cơ quan soạn thảo tiếp thu, là trên cơ sở cân nhắc thì mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rồi đưa ra Quốc hội để thảo luận và biểu quyết thông qua. Như vậy, chất lượng công tác lập pháp mới được nâng lên, góp phần thực hiện tốt hơn nữa chức năng của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới.
Đối với báo cáo của các cơ quan tư pháp, đại biểu cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trọng tâm của báo cáo. Nếu các kỳ họp trước báo cáo công tác kiểm sát, công tác xét xử của Tòa án cũng còn có những vấn đề tồn tại nhưng với sự lãnh đạo quyết liệt, đổi mới trong phương pháp điều hành thì ngành tư pháp đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Đặc biệt, trong báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cuối nhiệm kỳ nói không có việc xét xử oan người vô tội. Theo đại biểu vấn đề này đã được chú trọng, thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Hiến pháp về bảo đảm quyền con người, quyền công dân thông qua hoạt động của các cơ quan tư pháp. Đại biểu hy vọng qua những kỳ sau, qua công tác giám sát, xem xét về vấn đề giám đốc thẩm, .... không có những trường hợp phát hiệu oan sai như những vụ án đã xảy ra từ lâu đến nay mới phát hiện.
Đánh giá vào những giải pháp đổi mới của công tác tư pháp của Tòa án, đại biểu thấy rất đúng, rất trúng và phù hợp với cả thực tiễn hiện nay. Người dân rất quan tâm đến việc làm sao đến cửa Tòa án phải rất thuận tiện, nhanh chóng giúp cho họ giải quyết những tồn tại, vướng mắc, khắc phục được những bất cập hoặc thậm chí trì trệ trong công tác tiếp nhận, nhất là những vụ án phi hình sự. Đại biểu cho biết, người dân rất băn khoăn đến cuối năm muốn thụ lý không được? Từ tháng 10 phải lo để tổng kết, thành ra một vụ dân sự, thậm chí là ly hôn muốn để đưa ra nhanh chóng nhưng cũng khó khăn về vấn đề thụ lý. Tòa án trong nhiệm kỳ này cũng đã đưa ra về vấn đề cải cách hành chính trong công tác tư pháp, đó là một cửa và đưa điện tử vào thì giải quyết được khâu gây trì trệ, phiền hà cũng như sách nhiễu ở đâu đó của bộ phận ban đầu. Đây là vấn đề người dân rất phấn khởi mà đối với cả đội ngũ luật sư cũng đánh giá rất cao. Do đó, những cải cách này đại biểu cho rằng cần phải tổ chức cũng như đầu tư về cơ sở vật chất để làm tốt hơn nữa, để đáp ứng được nhu cầu mong mỏi của người dân.
Về vấn đề tuyên truyền về phổ biến giáo dục pháp luật. Theo đại biểu, thông qua hoạt động xét xử giúp cho người dân tiếp cận được những quy định mới của pháp luật. Những quy định thông qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đã được khẳng định là công tác làm luật chuẩn xác. Từ người dân cho đến những chuyên gia, những người tiến hành tố tụng đều hiểu điều luật một cách thông suốt, chính xác để từ đó bảo đảm việc áp dụng pháp luật được đồng bộ, thống nhất.
Đại biểu nhấn mạnh, qua tổng kết thấy rằng việc vận dụng án lệ vào các bản án đã được đề cao và phát huy hiệu quả tích cực. Vì vậy, đại biểu cho rằng, vận dụng án lệ là hoàn toàn phù hợp với xu thế của quốc tế và khắc phục được tình trạng là một bản án có những hành vi, có sự việc tương tự nhưng ở Tòa án này thì xử một kiểu nhưng Tòa án khác thì hình phạt khác. Qua việc áp dụng án lệ thì ở đâu đó nếu hành vi tương tự thì xử nó bảo đảm sự công bằng.
Một trong những đổi mới quan trọng của ngành tư pháp, theo đại biểu là trong khâu công tác tranh tụng, việc này Chánh án tối cao cũng như là các Chánh án của Tòa địa phương cũng đã quán triệt các thẩm phán. Đại biểu đánh giá đã có một sự chuyển biến là thực hiện cải cách tư pháp, thực hiện tranh tụng tại Tòa án được quán triệt. Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn còn có chỗ cá biệt nếu mà luật sư chưa tranh tụng, chưa phát biểu thì cần phải rút kinh nghiệm và tổng kết nhưng về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra về cải cách tư pháp.
Trong công tác tư pháp, đại biểu đề nghị thời gian tới phải quan tâm, chú trọng hơn nữa hoạt động xét xử, cần phải có tổng kết, không những để rút kinh nghiệm được ở các cơ quan tố tụng từ điều tra, truy tố và thông qua hoạt động xét xử để mà khắc phục các vi phạm tố tụng. Nhưng đồng thời cũng làm sao để thông qua hoạt động xét xử là cơ quan Tòa án phải kiến nghị để giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình thông qua những việc Tòa án xét xử, những vụ hành chính hoặc những các vụ án hình sự có liên quan đến hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước./.