Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021, trong 5 năm, các tòa án đã thụ lý 2,4 triệu vụ việc, giải quyết được 2,37 vụ việc (đạt 97,6%), so với nhiệm kỳ trước, thụ lý tăng hơn 624.500 vụ việc. Tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan hàng năm đều dưới 1,5%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội.
Đánh giá về hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021 của Tòa án nhân dân tối cao, một số đại biểu cho rằng ngành Tòa án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ Quốc hội giao, đặc biệt trong bối cảnh số lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm khoảng 8%) và phải tinh giản biên chế. Đặc biệt, ngành Tòa án đã có nhiều đổi mới đẩy mạnh cải cách tư pháp, nhất là hoạt động xét xử tại tòa. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi lại ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về nội dung này:
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi cho rằng 5 năm qua, khối lượng, số lượng các vụ án của ngành Tòa án ngày càng tăng, đặc biệt trong lĩnh vực hình sự, tội phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi cơ quan điều tra phải đấu tranh với tội phạm che dấu chứng cứ, xóa dấu vết, xóa tang vật, thậm chí là bắt ép người làm chứng không khai. Đây là áp lực lớn đối với cơ quan tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ủy ban Tư pháp, các đại biểu Quốc hội đã giám sát chặt chẽ hoạt động của 3 cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Tòa án, thể hiện bản lĩnh hoạt động của đại biểu Quốc hội cũng như của cơ quan Tư pháp trong thời gian qua.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho rằng, nhờ đẩy mạnh hoạt động tranh tụng tại phiên tòa giúp giảm tình trạng oan sai trong nhiệm kỳ 2016-2021 của ngành Tòa án.
Đóng góp vào thành công của ngành Tòa án nhờ thực hiện các quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ nguyên tắc suy đoán vô tội - đây là nguyên lý quan trọng cho các thẩm phán, điều tra viên trong quá trình hoạt động của mình. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng quy định về việc tổ chức phiên tòa theo nguyên tắc của tranh tụng, không phải theo nguyên tắc xét hỏi. Chính vì vậy, sự can dự của thẩm phán, hội đồng xét xử trong việc xét hỏi, truy bức đối với người bị xét hỏi giảm đi rất nhiều. Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa được diễn ra từ khi bắt đầu xét hỏi cho đến khi kết thúc tranh luận để Hội đồng xét xử nghị án. Trong đó, vai trò của Tòa án là vai trò trung tâm, bên buộc tội là Viện Kiểm sát và bên gỡ tội là người bị buộc tội và luật sư bào chữa đã thực hiện được tất cả các quyền, đó là quyền cung cấp chứng cứ, quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng cung cấp chứng cứ, quyền đánh giá về các chứng cứ mà các bên đưa ra và quan trọng là quyền được thể hiện chính kiến. Chính những quyền ấy đã tạo cho hoạt động ở phiên tòa công khai hơn và dẫn tới kết quả là trong nhiệm kỳ vừa rồi không có oan sai.
Trong nhiệm kỳ tới, tôi cho rằng ngành Tòa án cần tiếp tục, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, phổ biến, bổ túc các kiến thức cho thẩm phán. Bởi Quốc hội ban hành bao nhiêu luật thì sẽ có bấy nhiêu xung đột liên quan đến các luật. Do vậy, thẩm phán phải nghiên cứu và nắm các luật đó trong quá trình xét xử, nên đây là áp lực rất lớn. Tôi rất mừng, thời gian qua, hàng tháng Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đều dành 1-2 ngày để tổ chức hội nghị trực tuyến tới các Tòa án nhân dân cấp huyện nhằm trao đổi, hướng dẫn, thống nhất nhận thức pháp luật, góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ thẩm phán.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho thấy kết quả đáng khích lệ của ngành. Cử tri và nhân dân, đại biểu phấn khởi về kết quả này, việc giải quyết các vụ án hình sự đạt 99,5%, đặc biệt chưa phát hiện án oan sai, đây là thành tích nổi bật. Thông qua công tác tư pháp, đặc biệt là hoạt động xét xử của ngành Tòa án, tinh thần cải cách tư pháp đã được thực hiện nghiêm túc.
Qua theo hoạt động bào chữa của luật sư tại tòa, tôi thấy rằng phần tranh tụng trong các phiên xét xử cũng được đề cao và bảo đảm cho hoạt động của người bào chữa được thực hiện tốt hơn; quyền của bị can, bị cáo tại phiên tòa được bảo đảm. Với sự chủ trương nâng cao năng lực của thẩm phán và nâng cao chất lượng công tác xét xử, ngành Tòa án cũng đạt được thành tích, như đã báo cáo là vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Ngành Tòa án cũng có nhiều giải pháp đổi mới, như công tác công khai bản án, quyết định có hiệu lực của tòa án trên Cổng thông tin điện tử của ngành được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả. Tính đến nay có 23 triệu lượt người truy cập, góp phần vào việc công khai hóa các phán quyết của tòa; đồng thời góp phần tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, để người dân hiểu được hoạt động xét xử thông qua các bản án được vận dụng pháp luật như thế nào.
Bên cạnh đó, sau khi Quốc hội thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ngành Tòa án cũng đang đẩy mạnh công tác hòa giải để giảm các vụ án cần thụ lý và đưa ra xét xử, bước đầu đạt được kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, về Báo cáo của ngành Tòa án, tôi cho rằng vẫn còn một số tồn tại cần chỉ đạo quyết liệt để có cơ chế khắc phục triệt để tồn tại hiện nay, nhằm đảm bảo thẩm phán và hội thẩm nhân dân có quyền độc lập trong quá trình xét xử. Bên cạnh đó, trong quá trình xem xét, đánh giá các tài liệu, chứng cứ, nguyên tắc pháp chế phải tuân thủ tuyệt đối quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự./.