Về sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, đại biểu Bùi Quốc Phòng cho rằng, những năm qua, lực lượng bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, thực sự là lực lượng nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, thường xuyên có sự gắn bó mật thiết với nhân dân. Trong tình hình hiện nay, trước đòi hỏi của công tác đảm bảo an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và yêu cầu xây dựng, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Quốc Phòng đánh giá, đây là vấn đề lớn, có tác động trực tiếp tới công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở và liên quan tới địa vị pháp lý cũng như việc bảo đảm chế độ, chính sách, trong đó có chế độ bảo hiểm y tế, chi trả phụ cấp bảo đảm trang phục cho lực lượng này với số lượng 1,5 triệu người, cùng với nhiều vấn đề khác có liên quan. Do vậy đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện thí điểm trong một thời gian nhất định và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện trước khi chính thức ban hành luật.
Theo đại biểu Bùi Quốc Phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng không chuyên trách, là lực lượng quần chúng tự nguyện, chức năng là tham gia phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm pháp luật và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn bảo vệ an ninh, trật tự ở các xã, phường, thị trấn. Nội dung này rất quan trọng, vì vậy đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định cụ thể hơn về vị trí của lực lượng này cho phù hợp với tính chất tự nguyện và xác định rõ chức năng tham gia phối hợp của họ để thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Ở khoản 2 Điều 3, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo bổ sung nội dung an ninh môi trường, an ninh nguồn nước vào cuối câu “vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự” và sửa lại như sau: “việc phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước”. Bởi từ thực trạng an ninh môi trường và an ninh nguồn nước ở nông thôn hiện nay đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần phải có nhiều giải pháp khắc phục, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ an ninh môi trường và an ninh nguồn nước.
Về nguyên tắc tổ chức hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại Khoản 2 Điều 4, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị bổ sung cụm từ “các đoàn thể chính trị xã hội” vào sau câu “giám sát của Mặt trận Tổ quốc” và sửa lại như sau: “hoạt động dưới sự quản lý của chính quyền cơ sở, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội và Nhân dân” cho phù hợp với quy định tại Điều 31 của dự thảo luật và phù hợp với Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị khóa XI, cùng các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Tại Điều 9, đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị bổ sung nội dung “cùng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận” vào sau câu “lực lượng chức năng phát động” ở khoản 2 và chuyển nội dung “tuyên truyền Nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc” lên sau cụm từ “bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách” ở cuối khoản 1. Sửa lại như sau: “tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng, cùng Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, nâng cao ý thức bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn phụ trách” cho phù hợp với tiêu đề của Điều 9 đã xác định, vì việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân phải được tiến hành trước khi tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng chỉ rõ, thực tế những năm qua, lực lượng công an nói chung, trong đó có công an ở địa phương đã thực hiện tốt hoạt động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong đó, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Riêng Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với công an tỉnh chỉ đạo 1.339 tổ đội cựu chiến binh tự quản về an ninh, trật tự, 626 tổ tự quản về an toàn giao thông hoạt động có hiệu quả đã góp phần giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn giao thông ở các địa phương trong tỉnh.
Tại Điều 11, phối hợp tổ chức thực hiện công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội trên địa bàn, theo đại biểu Bùi Quốc Phòng, quy định như vậy sẽ phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc kỹ hơn nội dung này, bởi lực lượng này được xác định là lực lượng không chuyên trách, chủ yếu tham gia hỗ trợ lực lượng chức năng. Quy định trên cho thấy nhiệm vụ phối hợp của họ rất rộng và gần như trùng với nhiệm vụ của công an xã. Như vậy, sẽ dễ bị hiểu nhầm và có thể dẫn tới vận dụng sai, thậm chí có tình trạng lạm quyền trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Bùi Quốc Phòng đề nghị Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát, điều chỉnh để đảm bảo thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan, cho phù hợp với địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.