Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV về vấn đề thực trạng xã hội hóa y tế, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Tuấn, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, Việt Nam đã chuyển tiếp thành công từ mô hình kinh tế tập trung, đóng cửa sang một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa năng động, hội nhập và kết nối với nền kinh tế toàn cầu.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn dẫn chứng, năm 2019 Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình. Theo Ngân hàng Thế giới năm 2018, khoảng 70% dân số Việt Nam được xếp vào nhóm an toàn về kinh tế, trong đó 13% thuộc tầng lớp trung lưu toàn cầu. Việt Nam đã đạt được những thành quả rõ rệt về sức khỏe, đặc biệt là nâng cao tuổi thọ của người dân. Tuy nhiên, những thay đổi về nhân khẩu học, dịch tễ học và xã hội đặt ra những thách thức, đổi mới đối với ngành Y tế. Việt Nam hiện tại là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, với nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên, dự kiến sẽ tăng 2,5 lần vào năm 2050. Điều này khiến gánh nặng bệnh tật cho bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam tăng mạnh, từ 46% tổng gánh nặng bệnh tật vào năm 1990 lên tới 74% vào năm 2017. Nhu cầu về nguồn lực để sàng lọc điều trị ung thư và các bệnh tim mạch cùng với các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường cũng tăng lên.
Ngoài gánh nặng bệnh tật đang thay đổi, Việt Nam cũng phải đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu đang tăng lên, có đòi hỏi cao hơn về chất lượng và hàm lượng công nghệ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Vì vậy, giống như các lĩnh vực khác, ngành y tế phải đối mặt với bài toán cân đối giữa nhu cầu đầu tư và dư địa tài chính có sẵn để đáp ứng những nhu cầu này. Chính phủ đã xem nguồn lực tư nhân là rất quan trọng để bù đắp sự thiếu hụt về vốn. Trong đó, Bộ Y tế và các bệnh viện có trách nhiệm huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Đại biểu cho rằng đây là một chính sách lớn nằm trong chương trình cải cách vĩ mô, tổng thể về y tế từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội, cho các dịch vụ công quan trọng. Về lý thuyết, chủ trương xã hội hóa nhằm chia sẻ chi phí và trách nhiệm giữa nhà nước và xã hội cho việc cung cấp và chi trả dịch vụ. Thực tế, Chính phủ đã giảm dần trợ cấp, cho phép các tổ chức công lập thu phí dịch vụ người sử dụng, đồng thời huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân và các tổ chức xã hội. Những năm gần đây, chính sách xã hội hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong các lĩnh vực xã hội, giúp bù đắp thiếu hụt về tài chính, mở rộng cung ứng dịch vụ cho người dân. Chính sách xã hội hóa y tế bao gồm 2 biện pháp chính, nhằm tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong cung ứng dịch vụ y tế. Thứ nhất là, phát triển các nhà cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Thứ hai là, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính của các tổ chức sự nghiệp y tế, công lập. Chính sách xã hội hóa y tế đã mang lại nhiều kết quả tích cực, làm thay đổi sâu sắc và toàn diện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam nhờ kỹ thuật mới, hiện đại được áp dụng cho nâng cao chất lượng về chuyên môn, đưa trình độ y tế Việt Nam ngang tầm các nước trong khu vực. Nhờ vậy, bệnh phức tạp đã được điều trị tại Việt Nam với chi phí thấp hơn nhiều lần khi điều trị tại nước ngoài. Tuy nhiên, chính sách xã hội hóa y tế cũng phát sinh những mặt trái còn hạn chế.
Thứ nhất là, các hoạt động xã hội hóa thường tập trung vào các lĩnh vực có khả năng mang lại nhiều doanh thu, dẫn đến tăng chi trả tiền túi của người bệnh. Đồng thời, chủ trương này chưa mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân sinh sống ở các khu vực có điều kiện khó khăn hơn những người không có khả năng chi trả cho dịch vụ y tế đắt tiền. Các bệnh viện trung ương, các bệnh viện ở thành phố lớn cũng như người bệnh ở các bệnh viện này được hưởng lợi nhiều hơn so với những bệnh nhân nghèo ở khu vực nông thôn.
Thứ hai, các dự án xã hội hóa thường tập trung vào các dự án có quy mô nhỏ với thời gian hoàn vốn ngắn thay vì các dự án quy mô lớn, đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài.
Thứ ba, vấn đề gây tranh cãi nhất hiện nay liên quan đến xã hội hóa y tế là việc tăng cường lắp đặt các thiết bị chẩn đoán công nghệ cao, mở rộng các dịch vụ theo yêu cầu có tới hơn 62% liên doanh đã đầu tư các thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm, dấy lên quan ngại về việc chỉ định quá mức trách nhiệm và lạm dụng các thiết bị chuẩn đoán công nghệ cao, chi phí lớn. Một số dịch vụ chăm sóc không phù hợp trên góc độ y khoa nhưng được cung cấp theo yêu cầu của người bệnh như là bằng chứng của chất lượng cao. Việc cung cấp dịch vụ đắt tiền cho nhóm người bệnh có thu nhập trung bình hoặc cao dấy lên quan ngại về sự công bằng và tính hiệu quả của các dịch vụ công cũng như nghi vấn về sự phù hợp của mô hình liên doanh chia sẻ lợi nhuận với các mục tiêu của chính sách xã hội hóa.
Thứ tư, việc quản lý chưa hiệu quả các đề án liên doanh cấu tạo ra một số các thách thức như các nhà đầu tư không cần phải nộp hồ sơ dự thầu cho các dự án đầu tư liên doanh đề xuất, dấy lên quan ngại về tính minh bạch trong quá trình lựa chọn đối tác tư nhân, tính cạnh tranh trong đấu thầu tài sản và tính hiệu quả khi thẩm định kế hoạch tài chính. Khi vào hoạt động liên doanh không phải tiến hành giám sát hiệu quả hoạt động hoặc thực hiện các quy trình kế toán chuẩn mực. Nhân viên bệnh viện đóng góp một phần vốn đầu tư thiết bị và được hưởng lợi từ việc chi phí thu phí sử dụng các thiết bị đó. Do vậy, có cơ sở để cho rằng điều này sẽ làm lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật. Chính vì vậy Bộ Y tế đã nhiều lần phải điều chỉnh chính sách về liên doanh đầu tư thiết bị và các dịch vụ theo cầu trong hệ thống công lập, để giảm thiểu những mặt còn hạn chế của chính sách xã hội hóa y tế.
Để giải quyết những vấn đề, khắc phục những hạn chế trên, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn đề xuất 6 kiến nghị như sau:
Thứ nhất, Chính phủ cần xây dựng các quy định và hướng dẫn liên quan đến các hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế.
Thứ hai, xây dựng và tổ chức các khóa đào tạo cho cán bộ quản lý dự án hợp tác công tư trong ngành y tế. Đồng thời, thúc đẩy và phổ biến các thực hành tốt về quản lý các dự án hợp tác công tư.
Thứ ba, xây dựng các danh mục, các lĩnh vực được phép hợp tác công tư.
Thứ tư, các cơ quan quản lý tham gia thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư và đàm phán các hợp đồng hợp tác công tư thuộc lĩnh vực mình quản lý.
Thứ năm, kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án hợp tác công tư trong lĩnh vực y tế.
Thứ sáu, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án hợp tác công tư nhằm công khai, minh bạch các dự án xã hội hóa để các cơ quan chức năng và người dân tiện theo dõi, giám sát./.