Đảm bảo đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 bám sát chương trình tinh giản
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã chính thức khép lại với các môn thi thuộc tổ hợp khoa học xã hội. Với học sinh lớp 12, đây là khoảnh khắc hoàn thành hành trình 12 năm học tập của mình để bước vào một chặng đường mới. Số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ thi năm 2019, tổng số thí sinh tham dự bài thi các môn toán, văn, ngoại ngữ đều đạt trên 99%. Số thí sinh bị đình chỉ thi là 48, số cán bộ coi thi bị đình chỉ là 2.
Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019
Mặc dù kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng đã khép lại, nhưng những dư âm về kỳ thi buồn vẫn còn đọng lại và sự ám ảnh trong xã hội về việc gian lận điểm thi tại kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tại ba tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hoà Bình trong công tác tổ chức, chấm thi vẫn chưa hết. Vụ việc liên quan đến hàng trăm bài thi của thí sinh được nâng điểm. Và ngay sau đó, những học sinh gian lận điểm đã bị buộc thôi học tại các trường Đại học, Cao đẳng.
Năm 2020 dù là một năm khó khăn với ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mỗi giáo viên, học sinh đã thể hiện sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, khắc phục khó khăn để cùng cả nước vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa tổ chức dạy và học, thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng một số “kịch bản” khác nhau về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19. Theo đó, nếu học sinh trở lại trường trước 15/6 thì vẫn tiếp tục tổ chức thi.
Phương án tổ chức kỳ thi: Không thay đổi nhiều so với năm 2019
Sau 5 năm tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, để khắc phục những bất cập, khó khăn của các kỳ thi trước, năm nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục được giao về cho địa phương tổ chức. Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh đảm bảo chỉ đạo, giám sát chặt chẽ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp các phần mềm chấm thi, các thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương mình. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần “học gì thi nấy”. Các trường đại học, cao đẳng vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.
Chị Lê Thị Khuyên, giáo viên trường Trung học phổ thông Tây Hồ, Quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội chia sẻ: Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định kỳ thi này không phải là kỳ thi 2 trong 1, mà được gọi là kỳ thi xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, điểm xét tốt nghiệp đó vẫn được các trường đại học, cao đẳng có thể lấy làm điểm xét tuyển vào các trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các con. Thêm một điểm nữa là nhìn chung phụ huynh rất lo lắng dịch bệnh xảy ra đúng học kỳ 2, có thuận lợi nữa là Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo việc giảm tải theo quy định và bây giờ lại giảm tải những phần của học kỳ 2. Đặc biệt là chỉ đạo việc ra đề cơ bản và như vậy sẽ giảm căng thẳng, không gây áp lực cho học sinh cũng như giáo viên.
Trước việc phải nghỉ học dài ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố chương trình tinh giản của các bậc học phổ thông trong học kỳ 2 năm học 2019-2020. Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kịp thời xây dựng các đề thi tham khảo của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020. Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2020 sẽ diễn ra vào khoảng từ ngày 08 đến ngày 11/ 8/2020. Do điều kiện dạy học bị ảnh hưởng bởi dịch Covid 19, các trường học trong cả nước phải tạm nghỉ học trong thời gian kéo dài nên chương trình học đã được tinh giản. Vì vậy, đề thi của kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm nay cũng được điều chỉnh. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 sẽ không có kiến thức của những phần nội dung đã giảm tải trong chương trình học.
Ông Mai Văn Trình, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: Cùng với tinh giản chương trình thì Bộ cũng tổ chức làm đề thi tham khảo để phù hợp với điều kiện dạy học và điều kiện tinh giản đảm bảo học sinh không bị sốc khi tinh giản chương trình, làm sao vừa đảm bảo mục tiêu dạy học, vừa đảm bảo điều kiện của kỳ thi và đảm bảo với điều kiện của học sinh. Đây cũng chính là điểm mới khác biệt của kỳ thi năm nay. Độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp trung học phổ thông; đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước; thời gian thi rút ngắn.
Nội dung kiến thức được tinh giản chủ yếu là lớp 12. Dựa vào đề thi minh họa, các thầy cô cũng đưa ra lời khuyên cho học sinh trong việc ôn tập nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phần tinh giản chủ yếu nằm ở học kỳ 2 của lớp 12, đồng thời khẳng định những nội dung tinh giản chắc chắn sẽ không nằm trong nội dung của đề thi. Các trường cần nghiên cứu kỹ bộ đề tham khảo để có định hướng ôn tập tốt nhất cho học sinh, đặc biệt không được cắt xén chương trình.
Trọng tâm ôn tập cho học sinh lớp 12
Trước kỳ nghỉ học kéo dài, nhiều học sinh lớp 12 lo lắng vì sắp bước vào những kỳ thi quan trọng nhưng ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bộ đề tham khảo thì các trường đã lên phương án triển khai ôn tập cho học sinh. Dù nhiều nội dung kiến thức của học kỳ 2 lớp 12 được tinh giản nhưng việc ôn tập cho học sinh vẫn cần được tăng cường và có chiến lược cụ thể mới đạt được hiệu quả tối đa, nhất là khi việc học vẫn qua truyền hình và online.
Vì dịch Covid- 19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phải lùi thời gian kết thúc năm học tới lần thứ 2, vì thế, các em học sinh lớp 12 có thêm một tháng để ôn tập. Song song đó, các trường cũng cho bài ôn tập theo nội dung bám sát chương trình học và thi tốt nghiệp trung học phổ thông để học sinh củng cố kiến thức. Vui mừng, giảm bớt áp lực là tâm trạng chung của giáo viên và học sinh khi Bộ công bố bộ đề thi tham khảo, nhất là nội dung đề thi được tinh giản khá.
Cô giáo Hoàng Thị Lan Hương, giáo viên trường trung học phổ thông Chu Văn An, thành phố Hà Nội cho rằng: Chú trọng đến việc ôn tập, củng cố kiến thức ở giai đoạn trước đã học, ở giai đoạn 2 giáo viên không nên tham cung cấp kiến thức mới vì việc truyền tải kiến thức qua internet cho học sinh có hạn mà phải thường xuyên củng cố, đưa ra các dạng bài tập thuận lợi cho việc ôn tập hơn bám sát chủ trương, điều chỉnh của Bộ hướng dẫn đơn vị kiến thức học kỳ 2. Đề thi cần có tính phân loại mới chọn lọc được học sinh có tư duy tốt vào các trường đại học, đảm bảo việc ôn thi có sự phân hoá rõ rệt.
Học sinh lớp 12 tới trường với khẩu trang y tế phòng dịch Covid -19
Tại lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Newton, không khí buổi học online có phần sôi nổi hơn bởi các em cùng với thầy giáo cùng bàn luận và giảng giải về đề thi minh hoạ. Điểm khác biệt lớn nhất của đề tham khảo so với năm trước là phần kiến thức vận dụng cao chủ yếu tập trung lớp 12 nên chiến lược ôn tập có sự thay đổi, nhất là việc học và ôn tập vẫn đang duy trì qua internet và truyền hình như hiện nay.
Thầy giáo Phạm Văn Thường, giáo viên trường trung học phổ thông Newton, thành phố Hà Nội, cho biết: Chương trình kỳ 2 lớp 12 giảm đi, câu còn lại ở dạng nhận biết và thông hiểu có thể làm nhanh, số lượng học kỳ 1 tăng lên và câu hỏi vận dụng cao rơi vào phần này. Học sinh nên có cách định hướng, không cần đầu tư vào bài tập khó mà nắm bắt kiến thức cơ bản, khai thác biểu đồ, đồ thị, hiện tượng vật lý có thể được 6 tới 7 điểm, còn em học tốt hơn có thể tìm hiểu nâng cao ở học kỳ 1 lớp 12 để có kết quả tốt nhất.
Theo Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các câu hỏi của đề tham khảo được chia thành bốn cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đối với cấp độ nhận biết thì mỗi đề thi đều dao động từ 35-40%, cấp độ thông hiểu cũng dao động từ 35-40% tuỳ vào mỗi môn học, còn khoảng 20% là cấp độ vận dụng, 10% là cấp độ vận dụng cao. Vì thế khi phân tích kỹ các câu hỏi thì thầy, cô sẽ phân tích được ma trận đề. Từ đó vận dụng để hướng dẫn, ôn tập cho các em được kết quả tốt hơn.
Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý: Các em hãy phân tích kỹ những câu hỏi thuộc bài nào, chủ đề nào để ôn tập theo tính chất sâu chuỗi các chủ đề lại với nhau, sắp xếp lại theo bản đồ tư duy để ôn tập được tốt hơn. Đặc biệt, các em phải ôn tập những kiến thức hết sức cơ bản, vì lượng kiến thức cở bản chiếm tới 70% trong đề thi. Như vậy, điều đầu tiên các em cần lưu ý là cần ôn tập kiến thức hết sức cơ bản theo sách giáo khoa.
Ông Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khuyến cáo dù việc học đang thực hiện qua internet và qua truyền hình chủ yếu nhưng giáo viên vẫn có thể được kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong qua trình này. Tuy nhiên, đánh giá thường xuyên (kiểm tra miệng và kiểm tra 15 phút) thì những phần nào không dạy, thầy cô không kiểm tra vào phần đó.
Đảm bảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nghiêm túc, trung thực
Mới đây, hội nghị trực tuyến diễn ra giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và 19 Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương có điều kiện khó khăn về tổ chức dạy và học online cũng như qua truyền hình, nhằm đánh giá và tìm ra các giải pháp để dạy và học hiệu quả trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 cần tổ chức đảm bảo không bị xáo trộn trong công tác tuyển sinh đại học. Cùng với đó, việc tổ chức kỳ thi cũng đảm bảo sự công bằng cho các em học sinh khi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, bày tỏ: Bộ đã tinh giản chương trình rồi thì cũng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp sao cho gọn nhẹ. Gọn nhẹ ở đây không phải là không nghiêm túc, không đảm bảo quy chế mà trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xem xét nên giảm bớt số môn thi tốt nghiệp.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: Thi trung học phổ thông quốc gia như hiện tại được mấy điểm nổi bật: Thứ nhất là ổn định. Thứ hai là có cơ sở cho một số các trường đại học, cao đẳng chọn học sinh, sinh viên. Và như vậy, nếu không tổ chức kỳ thi thì các em học sinh đỡ được lúc này nhưng khổ lúc sau. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cũng khẳng định, trước diễn biến của dịch Covid-19 còn phức tạp, các địa phương cần phải đặt an toàn của học sinh lên hàng đầu. Trường học phải an toàn thì mới đưa học sinh đến trường. Hiện các đơn vị chức năng của Bộ tổ chức xây dựng đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và sẽ sớm công bố để giúp giáo viên, học sinh có định hướng trong dạy học, ôn tập, giúp các em yên tâm học tập.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Trường Trung học phổ thông Tây Hồ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội: Với chương trình và chỉ đạo sát sao của Bộ là giảm tải và ra đề thi vào phần giảm tải đó thì tôi nghĩ là đây là một điều rất thuận lợi và phụ huynh hoàn toàn là yên tâm với những chỉ đạo của Bộ đã đặt ra. Các em học sinh cũng vậy, nên xác định ngay từ ban đầu và có một tâm thế nghiêm túc trong việc học tập. Tôi nghĩ cũng không có gì đáng lo ngại lắm với tình hình dịch bệnh như vừa rồi.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện và sớm ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông, quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; đề cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch Covid-19.
Quan điểm của ĐBQH về đều chỉnh phương án thi, xét tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 của Bộ GD&ĐT
Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và ra đề thi, xây dựng, cung cấp các phần mềm chấm thi, các thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương mình. Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi để làm căn cứ tuyển sinh. Vậy phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra có phù hợp với tình hình thực tế hiện nay? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Nhiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Ngô Thị Minh về nội dung này:
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 5 lần tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, năm nay kỳ thi sẽ đổi tên thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và giao cho các địa phương tổ chức. Đánh giá của đại biểu về sự thay đổi này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Mặc dù đã xây dựng nhiều kịch bản khác nhau cho ngành giáo dục tuỳ vào tác động của dịch bệnh. Tuy nhiên, chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây là đề thi trung học phổ thông quốc gia sẽ bám sát nội dung đã được tinh giản.
Có thể nói, quyết định năm nay chúng ta tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thay thế cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia mà chúng ta vẫn tổ chức trong 5 năm vừa qua. Đây là lộ trình trong tiến trình đổi mới việc tổ chức thi trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cách đổi mới này, tôi cho rằng là cần thiết. Vừa rồi có dịch covid-19 ảnh hưởng rất lớn không chỉ trên tất cả mọi ngành nghề và đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng lớn tới giáo dục nước nhà. Cái thứ hai là kỳ thi đã được chậm lại đến tháng 8 mới tổ chức, Chính phủ cũng có quyết định theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cá nhân tôi thấy rất hợp lý. Các trường Cao đẳng, Đại học cũng có cơ sở làm căn cứ. Luật Giáo dục có hiệu lực từ 01/7/2020 thể hiện rất rõ điều đó.
Phóng viên: Với những điểm khác biệt của kỳ thi năm nay, theo đại biểu, trước những điều chỉnh như vậy, ngành giáo dục cần có những giải pháp cụ thể nào để đảm bảo tính nghiêm túc, trung thực của kỳ thi?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Có thể nói kỳ thi năm nay giao thẩm quyền rất mạnh cho các địa phương. Và như vậy các địa phương phải thể hiện rất rõ trách nhiệm của mình, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của từng mắc xích, quy trình tổ chức thi. Ngành giáo dục, một là vai tham mưu cho Hội đồng thi của các tỉnh thành.
Thứ hai nữa là trong các kỹ thuật, trong khâu coi thi, chấm thi và việc tổ chức kỳ thi thuộc trách nhiệm của các địa phương. Ngành giáo dục cũng phải thể hiện rất rõ nhiệm vụ của mình, từng mắc xích, ai chịu trách nhiệm đến đâu. Thực hiện được hay không thực hiện được, thực hiện như thế nào. Đối với thí sinh tự do, trong bối cảnh dịch bệnh, phải điều chỉnh chương trình, phương thức dạy, học; giới hạn nội dung và độ khó của các bài thi; theo nguyện vọng của học sinh (thí sinh tự do) và tiếp thu ý kiến của dự luận xã hội, các cơ quan chức năng, Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất cho thí sinh tự do được tham dự kỳ thi năm nay để lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Tôi cho rằng, trước sau thì trong quá trình đổi mới cũng phải giao thẩm quyền này về cho các địa phương. Cách đổi mới này theo tôi là rất phù hợp trong tình hình mới hiện nay.
Phóng viên: Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ điều một số lượng nhỏ cán bộ, giảng viên về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi. Ý kiến của đại biểu về sự thay đổi này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ vẫn phải chỉ đạo, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy. Do kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hoá phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh đầu vào. Chúng ta coi kỳ thi như mọi năm là hai trong một, nằm trong tiến trình sự đổi mới căn bản. Tuy nhiên, việc đưa nhiều giáo viên, giảng viên ở Trung ương, từ các trường Cao đẳng, Đại học về cũng không phải là một phương án hay bởi việc tổ chức coi, chấm thi ở các địa phương cũng có sự phức tạp. Khi đưa đội ngũ giáo viên, giảng viên ở các trường Cao đẳng, Đại học về cũng tạo áp lực rất lớn cho các địa phương. Cho nên, mục tiêu năm nay là chúng ta phải xác định nhiệm vụ chính là đánh giá chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông và đảm bảo mặt bằng chung trong cả nước. Bộ Giáo dục vẫn ra đề, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh như thế này, hạn chế sự đi lại của đội ngũ giảng viên, giáo viên tôi cho là phù hợp.
Phóng viên: Với những đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan điểm của đại biểu về sự thành công trong kỳ thi năm nay?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Được biết, để phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, ban đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương không tách và chấm các môn thành phần trong các bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội mà chỉ tính một đầu điểm của từng bài thi này. Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh đã học và ôn tập theo các môn để xét tuyển vào các trường. Để tạo thuận lợi cho học sinh, không gây tâm lý lo lắng cho các em và phụ huynh, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020, bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội tính một đầu điểm để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được chấm và công bố điểm các môn thi thành phần. Tôi thấy rõ ràng việc tinh giản nội dung trong chương trình là phù hợp. Cho nên trong khi ra đề, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khá quan tâm tới điều này. Thứ hai là cách ra đề, sẽ không quá khó. Thứ ba là thời gian thi.
Với cách điều hành, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp của Bộ với chính quyền các địa phương, tôi tin rằng chắc chắn công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay sẽ thành công như mong đợi.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!
Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tập tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan. Bộ đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương./.