Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân chất vấn một số nội dung
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân cho rằng ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp là rất quan trọng và chúng ta cần tổ chức lại sản xuất để ứng dụng (ví dụ: các hợp tác xã). Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong điều kiện hiện nay chúng ta có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ (theo Bộ trưởng thì có hơn 5 triệu hộ), nên không thể chờ cho việc tổ chức lại sản xuất, mà cần phải có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ cho hộ sản xuất ngay, thúc đẩy nhanh tiến trình ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông nghiệp ở nông thôn trong thời gian tới để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ ra rằng, trong nông nghiệp, với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, Đảng và Nhà nước chủ trương tích cực ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống lúa, hoa màu, giống cây trồng mới được đưa vào sản xuất có chất lượng, khả năng chống chịu sâu bệnh, thiên tai tốt, đem lại năng suất cao. Hiện nay, nước ta đã hình thành được những vùng nông nghiệp trọng điểm, chuyên canh, với những mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, tôm, cá tra, cà phê, chè, hồ tiêu, rau, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm... Giai đoạn 2015-2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa vào ứng dụng trong sản xuất: 162 giống mới, 132 tiến bộ kỹ thuật: 1001 tiêu chuẩn, 217 quy chuẩn kỹ thuật đã được công bố, ban hành và áp dụng hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, ứng dụng khoa học công nghệ đã đem lại hiệu quả cao trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp, một số ví dụ điển hình như: Công tác giống lúa do Việt Nam chọn tạo đã được chuyển giao và ứng dụng với diện tích là 4,6 triệu ha chiếm 59% diện cũ, tạo ra sản lượng thóc tăng thêm là 1,65 triệu tấn, làm lợi cho sản xuất trên 8000 tỷ đồng/năm. 100% diện tích cà phê trồng mới là giống do các nhà khoa học của Việt Nam tạo ra với năng suất trung bình cao gấp hơn 3 lần so với năng suất cà phê trung bình của thế giới. Giá trị gia tăng do khoa học công nghệ đóng góp cho ngành thủy sản rất nổi bật, điển hình là công nghệ chọn tạo, sản xuất giống cá tra, góp phần đưa sản lượng cá tra đạt trên 1 triệu tấn/năm và kim ngạch xuất khẩu đạt 2,26 tỷ USD năm 2018, năm 2019 dự kiến đạt 2,4 tỷ USD... Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ đã làm tăng sản lượng và đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của chăn nuôi, thuỷ sản giúp tăng hiệu quả kinh tế từ 10-30%; góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế của ngành.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng việc có quá nhiều hộ sản xuất nhỏ (hơn 5 triệu hộ) đã gây khó khăn trong áp dụng hiệu quả các ứng dụng khoa học công nghệ, để giải quyết vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện những giải pháp cụ thể như sau:
Đối với những giải pháp đã và sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, cần tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp, tập trung vào khâu giống, quy trình sản xuất, chế biến, quản lý chuỗi giá trị. Có chính sách ưu đãi ứng dụng khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, hữu cơ, thông minh. Xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ hợp tác xã, nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chứng nhận, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Hỗ trợ các hộ sản xuất nhỏ hợp tác, liên kết thông qua các Hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để tăng quy mô sản xuất; thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai để tăng quy mô sản xuất, trong đó chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Đồng thời, tăng cường kiểm soát quản lý vùng trồng, vùng nuôi và vùng khai thác, đẩy mạnh thực hiện đánh mã số, ứng dụng công nghệ thông tin (IT) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm như mã QR, công nghệ blockchain. Xây dựng hệ thống giám sát đánh giá vùng sản xuất, vùng nuôi nhằm luôn đảm bảo các yêu cầu của thị trường, nhất là các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu ngày càng cao. Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia liên kết. Hỗ trợ doanh nghiệp, Hợp tác xã có dự án phương án liên kết chuỗi xây dựng và khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm như: chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm. Hỗ trợ khai thác thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm; ưu tiên sản phẩm của doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân tham gia liên kết tham gia các chương trình thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm.
Đối với giải pháp lâu dài, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp cùng với các Bộ ngành khác hoàn thiện các quy định pháp luật như: Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình sửa đổi Luật Đất đai, xây dựng Nghị định về tích tụ, tập trung đất đai; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để có chính sách tín dụng thúc đẩy hộ nông dân, Hợp tác xã thực hiện liên kết chuỗi... đặc biệt là phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển thị trường khoa học công nghệ, ban hành các chính sách cụ thể ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nông sản./.