Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về tình trạng thiếu đồng bộ, mất cân đối trong đầu tư cơ sở hạ tầng (nhất là đường giao thông), giữa các vùng, miền đang làm hạn chế, kìm hãm sự phát triển về kinh tế xã hội của các địa phương, trong đó có các tỉnh Tây Nguyên.
Trước thực trạng đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo đã chất vấn Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những giải pháp để giải quyết vấn đề trên trong xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2011- 2026. Trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua và giải pháp trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn trái phiếu Chính phủ rất hạn hẹp, vùng Tây Nguyên đã được Trung ương ưu tiên tập trung một lượng nguồn lực tương đối để đầu tư, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng tại địa bàn khó khăn, vùng dân tộc và thiểu số, hỗ trợ định canh định cư và các lĩnh vực quan trọng như: phát triển nông nghiệp nông thôn, thủy lợi, giao thông thôn bản, các lĩnh vực về văn hóa xã hội trên địa bàn.
Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn đầu tư công đầu tư cho các địa phương vùng Tây Nguyên là 56.360 tỷ đồng, gấp 1,44 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ này cao hơn bình quân cả nước và cao hơn 03 vùng Miền núi phía Bắc, vùng Miền Trung và Vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương chiếm 44% cơ cấu đầu tư của vùng. Điều này cho thấy, vùng Tây Nguyên đã được tập trung nguồn lực đầu tư cao hơn so với các vùng trong cả nước và so với giai đoạn 2011 - 2015.
Thực hiện kết luận số 12-KL/TW ngày 24/10/2011 của về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/01/2002 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011 - 2020 đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với an ninh, quốc phòng, phát huy tiềm năng và nguồn lực của các địa phương trong vùng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên từ năm 2014, đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an toàn giao thông và quốc phòng an ninh, đồng thời mang lại diện mạo mới về giao thông đường bộ cho các khu vực trên địa bàn cả nước, trong đó có vùng Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đầu tư công là thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025. Trong đó, vốn đầu tư công được ưu tiên tập trung bố trí vốn để đầu tư hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Tiếp tục ưu tiên, tập trung hơn các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác trong đó có khu vực Tây Nguyên.
Với vị trí là cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ, Quốc hội xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế về quản lý đầu tư công, trong đó chú trọng tăng cường phân cấp cho các bộ, ngành, cơ quan trung ương và các địa phương chủ động lựa chọn dự án quyết định đầu tư, phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm cho từng dự án...
Trước tình hình giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2019 rất chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ thành lập các đoàn công tác liên ngành đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án, tổ chức hội nghị giao ban Chính phủ trực tuyến... Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham Chính phủ ban hành Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29/10/2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019, trong đó đã đưa ra 06 nhóm nhiệm vụ giải pháp như sau:
Một là: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân và nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư công.
Hai là: Khẩn trương hoàn thành việc giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019; giao, điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và riăm 2019.
Ba là: Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công năm 2019.
Bốn là: Đổi mới công tác lập, theo dõi, đánh giá và thực hiện kế hoạch đầu tư công nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Năm là: Tổ chức triển khai xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Sáu là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của công chức và đạo đức công vụ; tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch.
Với những biện pháp quyết liệt trong năm 2019 về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và Luật Đầu tư công năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2020, tình hình giải ngân chậm vốn đầu tư công sẽ cơ bản được khắc phục trong thời gian tới./.