Thị trường bán lẻ nhiều tiềm năng
Từ năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị trường bán lẻ đã mở cửa, những thay đổi tích cực của thị trường đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất, cung cấp.
Thị trường bán lẻ Việt Nam tăng trưởng theo từng năm
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam đang tăng trưởng nhanh chóng. Nếu như năm 2010, giá trị thị trường đạt 88 tỷ USD thì năm 2017 là 130 tỷ USD; Năm 2019 doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước đạt 3.751,3 nghìn tỉ đồng (tương đương 161,7 tỉ đô la Mỹ), tăng gần 18,9 tỉ đô la so với kết quả của năm 2018. Dự báo năm nay tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của Việt Nam sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 180 tỷ USD.
Các nhà bán lẻ cung ứng hàng đến người tiêu dùng qua nhiều kênh phân phối khác nhau như: Chợ, cửa hàng tạp hóa (kênh phân phối truyền thống); siêu thị, cửa hàng tiện lợi (kênh phân phối hiện đại) và các kênh thương mại điện tử…
Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cả nước có gần 9.000 chợ truyền thống, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh với nhiều kênh bán hàng online, các chợ thương mại điện tử hay các website. Tuy nhiên, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng
Đánh giá về tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng với quy mô dân số trên 96 triệu dân, mức chi tiêu hộ gia đình ngày một tăng, tốc độ đô thị hóa lớn cùng nhiều hiệp định thương mại được ký kết như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)… trong khi đó kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% thị phần, thị trường bán lẻ nông thôn còn đang bỏ ngỏ nên thị trường bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, luôn thu hút các nhà đầu tư trong những năm gần đây và đang trở thành một trong 6 ngành nghề thu hút dòng vốn đầu tư lớn nhất hiện nay.
Bên cạnh các nhà đầu tư bán lẻ trong nước với chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, Hapro, SaigonCoop, Thế giới di động... thì nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam như Aeon (Nhật Bản), Lotte hay Emart (Hàn Quốc), Central Group (Thái Lan)…
Thị trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt
Những năm qua, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại khai thác thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập và các mô hình hợp tác khác nhằm khai thác tối đa quy mô thị trường. Nổi bật là Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị và Trung tâm Thương mại của Big C Việt Nam và mua lại 49% vốn cổ phần chuỗi điện máy Nguyễn Kim. Điện máy Trần Anh, Citimart và Fivimart cũng chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản…
Năm 2019, dòng vốn nước ngoài tiếp tục chảy vào thị trường bán lẻ Việt. Điển hình chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam và dự định mở thêm hàng trăm cửa hàng vào năm nay. Nhà bán lẻ Takashimaya (có lịch sử 180 năm tại Nhật Bản) cũng mở cửa hàng 15.000 m2 tại Saigon Center ở Thành phố Hồ Chí Minh. Các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thái Lan...cũng liên tục mở rộng hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam và luôn chú trọng mô hình bách hóa tổng hợp, hiện đại, tiện ích và bài bản.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hiện nay chiếm khoảng 3,5 - 4%. Đáng lưu ý, hầu hết doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam chủ yếu ở phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25-30% thị phần.
Khu vực thành thị sẽ là cạnh tranh giữa các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và thương mại điện tử. Trong đó, ở mảng siêu thị, doanh nghiệp ngoại hiện chiếm 17%, trong khi doanh nghiệp trong nước 83%. Với khu vực nông thôn, cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ chủ yếu đến từ các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống và chuỗi cửa hàng hiện đại.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, đối với các doanh nghiệp bán lẻ FDI có nhiều ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp Việt về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu. Ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam còn nhiều khiếm khuyết, thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ; yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp hơn so với doanh nghiệp ngoại.
Ông Tô Hoài Nam: Thách thức trên thị trường bán lẻ ngày một lớn
Đồng tình với quan điểm trên, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ ngày một gia tăng của các hãng phân phối nước ngoài đã gây sức ép rất lớn và là mối lo ngại cho các nhà bán lẻ nội địa. Thách thức sẽ ngày một lớn hơn bởi các doanh nghiêp ngoại thông thường khi vào Việt Nam không chỉ mang công nghệ, kinh nghiệm, cách thức quản lý mà còn mang theo cả hàng hóa ngoại đến nước ta. Bởi khi chúng ta hội nhập, nhiều mặt hàng có thuế suất bằng 0, khi đó các mặt hàng nước ngoài có chất lượng, có sức cạnh tranh lớn sẽ được đưa về nước ta. Khi đó mặt bằng, lợi nhuận và các lợi ích liên quan sẽ chuyển đổi dần vào tay doanh nghiệp nước ngoài. Vô hình trung sẽ gián tiếp đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống bán lẻ hiện đại và nhường chỗ cho hàng hoá nước ngoài.
Đại biểu Phạm Trọng Nhân: Hàng Việt đang có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà
Lo ngại trước nguy cơ hàng Việt bị đẩy ra khỏi hệ thống bán lẻ ngoại, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã dẫn chứng việc đầu tháng 7/2019 Big C thông báo tạm dừng thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp nội địa. Tiếp sau đó là hàng loạt các nhãn hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ, nhường lại cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng động thái trên của họ không chỉ cho thấy sự phụ thuộc của các nhà sản xuất nối vào kênh phân phối ngoại mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trong nền kinh tế thị trường gắn liền với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong nền kinh tế nói chung, lĩnh vực phân phối hàng hóa nói riêng là điều bình thường. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thức rõ để có định hướng và có giải pháp phù hợp trước tác động tiêu cực tiềm ẩn tới sự phát triển của thị trường bán lẻ trong nước, nhất là khi các doanh nghiệp FDI tăng cường mở rộng đầu tư, đặc biệt là sự xuất hiện của các nhà đầu tư thông qua hình thức mua lại doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp bán lẻ trong nước
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn
Với dân số trên 96 triệu người, kinh tế tăng trưởng ổn định, thị trường bán lẻ của Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Việc đổ bộ của các doanh nghiệp FDI vào hệ thống bán lẻ khiến nhiều ý kiến lo ngại rằng hệ thống bán lẻ trong nước đang có nguy cơ bị các doanh nghiệp nước ngoài thao túng và chiếm lĩnh thị trường. Trước thực trạng này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về giải pháp khắc phục thực trạng này?
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn
Trước Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Hoạt động phát triển thị trường thương mại nội địa của chúng ta phải đối mặt với áp lực cạnh tranh mạnh mẽ của doanh nghiệp nước ngoài thông qua hội nhập. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: Chúng ta có điều kiện bảo lưu với Tổ chức Thương mại thế giới là có quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), quy định này vẫn đang được triển khai và được xem là một công cụ vô cùng hữu ích nhằm hỗ trợ cho ngành bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, nguyên tắc của chúng ta là vẫn phải mở cửa thị trường nội địa để cho doanh nghiệp nước ngoài cùng tham gia khi những cam kết hội nhập được thực thi.
Bên cạnh quy chế kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), Bộ Công thương cũng xây dựng hàng loạt chiến lược về phát triển hệ thống thương mại nội địa trong nước và đặc biệt mới đây xây dựng Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 nhằm xác định các quan điểm, định hướng và giải pháp đẩy mạnh thương mại nội địa một cách nhanh và bền vững. Đề án hướng đến mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phù hợp với trình độ phát triển từng giai đoạn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh, môi trường, bảo vệ lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sản xuất, phân phối và người tiêu dùng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp, phù hợp với quy luật của lưu thông hàng hoá. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử. Bên cạnh đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao năng lực nguồn nhân lực và các sản phẩm hàng hóa nội địa…
Doanh nghiệp bán lẻ Việt nâng cao sức cạnh tranh
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và hấp dẫn trong khu vực châu Á và trên thế giới. Xu hướng mở cửa thị trường theo các cam kết hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương sẽ ngày càng có nhiều nhà bán lẻ nước ngoài muốn gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này đã và đang tạo ra những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với doanh nghiệp trong nước. Nếu không được kiểm soát, định hướng tốt trong trung và dài hạn, mức độ và khả năng tác động chi phối của khối doanh nghiệp FDI đến thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng và tác động trực tiếp tới sự phát triển của sản xuất, phân phối trong nước. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề này.
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang
Phóng viên: Xuất phát từ thực tiễn nào tại kỳ Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương về vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Với dân số 96 triệu dân, đây là thị trường mà các doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài mong đợi đầu tư, khai thác. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, làn sóng các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam ngày càng lớn mạnh hơn, họ không chỉ mang công nghệ kinh nghiệm quản lý bán hàng mà còn mang theo hàng hóa đến thị trường nước ta kinh doanh. Đáng quan ngại là phần lớn doanh nghiệp bán lẻ của chúng ta là doanh nghiệp nhỏ và vừa, quy mô còn non yếu, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp đã buộc phải giải thế hoặc nhường lại thị phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính vì những áp lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bán lẻ Việt còn có những hạn chế tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, mong rằng doanh nghiệp bán lẻ Việt có thể đứng vững và phát triển trước xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Phóng viên: Quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương trước Quốc hội như thế nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Trong phần trả lời chất vấn tôi thấy Bộ trưởng Bộ Công thương thể hiện vai trò là người đứng đầu bộ, điều hành, quản lý đối với lĩnh vực mình phụ trách. Bên cạnh những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ nội địa có thể cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại và phát triển bền vững, Bộ trưởng Bộ Công thương cũng chỉ rõ những thách thức của doanh nghiệp bán lẻ Việt sẽ phải đối mặt khi chúng ta phải tuân thủ thực hiện các cam kết trong hiệp định thương mại thế giới.
Tuy nhiên, trước xu thế hội nhập, trước cuộc cách mạng công nghệ số, chưa kể đến lĩnh vực bán lẻ lại mang tính đặc thù của từng vùng miền, từng địa bàn, các doanh nghiệp bán lẻ Việt sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức. Do vậy, tôi thiết nghĩ Bộ Công thương cần có những giải pháp tổng thể, hữu hiệu hơn nữa để thực sự hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ Việt phát triển bền vững, chiếm lĩnh thị trường trong nước.
Phóng viên: Sau hơn 1 năm chất vấn, đại biểu đánh giá như thế nào về các doanh nghiệp bán lẻ nội tại thị trường nước ta?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Dù các doanh nghiệp ngoại liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng tôi thấy năm 2019 doanh nghiệp nội đã có những tín hiệu khá tích cực khi một số doanh nghiệp Việt đã nỗ lực giành lại thị phần trên thị trường bán lẻ. Cụ thể Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce, đơn vị quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart + đã nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng tiện lợi mang thương hiệu Shop&Go (Singapore). Tiếp đó, đơn vị này cũng tiếp nhận 8 siêu thị thuộc hệ thống Queenland Mart. Trước đó, Saigon Co.op cũng đã tiếp quản hệ thống 18 siêu thị mang thương hiệu Auchan của một nhà bán lẻ Pháp sau khi đơn vị này tuyên bố rút khỏi thị trường Việt Nam.
Dù đã có những điểm sáng khi doanh nghiệp bán lẻ Việt đã nỗ lực giành thị phần làm chủ sân nhà, một số doanh nghiệp ngoại thu hẹp hoạt động, thậm chí rời khỏi thị trường nước ta cho thấy cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt dù có nhiều tiềm năng nhưng cũng thực sự khốc liệt. Và doanh nghiệp bán lẻ Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn, thác thức khi chứng kiến sự đào thải khốc liệt trong ngành bán lẻ thời gian qua.
Phóng viên: Trước bối cảnh hội nhập, doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam phải đối diện với những khó khăn, thách thức nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, tham gia ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương, đặc biệt các FTA thế hệ mới gắn với việc dỡ bỏ hàng rào mậu dịch (thuế quan và phi thuế quan), điều này tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài không ngừng mở rộng tại thị trường nước ta, hàng hóa nội địa dần dần bị lấn át bởi hàng hóa nhập khẩu, qua đó tạo sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Khi các hiệp định FTA thế hệ mới có hiệu lực, Việt Nam sẽ phải thực thi các cam kết chung và điều này tác động trực tiếp, tạo sức ép cạnh tranh lớn lên các nhà bán lẻ nội. Đặc biệt, doanh nghiệp bán lẻ Việt phải đối mặt với rủi ro từ việc dỡ bỏ quy định kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trong thời gian tới. ENT được coi như một công cụ để hạn chế nhà đầu tư nước ngoài thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam, tuy nhiên, khi quy định này được dỡ bỏ, sự xâm nhập và mở rộng quy mô của các nhà bán lẻ nước ngoài trên thị trường Việt Nam sẽ trở nên dễ dàng, bởi khi đó các nhà bán lẻ nước ngoài có thể mở rộng các cơ sở bán lẻ ở bất cứ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mà không cần phải qua kiểm tra ENT.
Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước hiện còn gặp phải nhiều vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của Nhà nước, điển hình như các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thường được ưu ái hơn khi cần mặt bằng kinh doanh. Trong khi đó doanh nghiệp bán lẻ Việt còn gặp nhiều rào cản khi năng lực cạnh tranh còn yếu, doanh nghiệp nhỏ, chi phí đầu vào cao, thiếu sự liên kết, thiếu tư duy về quản lý hiện đại, tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn, công nghệ lạc hậu…Ngoài ra, nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp bản lẻ vừa và nhỏ của Việt Nam phần lớn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về thị trường hiện đại, thiếu khả năng sử dụng ngoại ngữ, thiếu tính cộng đồng. Thống kê cho thấy chỉ có 4 -5% nhân lực trong các doanh nghiệp phân phối bán lẻ được đào tạo chuyên ngành.
Phóng viên: Cần có những giải pháp gì để hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển trước sức ép cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài, thưa đại biểu?
Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Để tận dụng tốt các cơ hội từ việc chúng ta hội nhập sâu rộng với các nước trên thế giới cũng như vượt qua thách thức, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải kiểm soát được chất lượng hàng hóa. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như chăm sóc khách hàng, tăng cường hình thức bán hàng kể cả trực tiếp hay online. Bản thân doanh nghiệp bán lẻ Việt cần đẩy mạnh việc tiếp cận với cách mạng công nghệ số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách hàng, cải thiện chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm.
Trong việc tạo môi trường kinh doanh, chúng ta cũng nên có sự công bằng, bình đẳng, nhất là việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh, đất đai. Bởi lẽ hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam đều có vị trí kinh doanh rất thuận lợi, còn doanh nghiệp trong nước lại rất khó khăn để có được những mặt bằng kinh doanh tốt. Do vậy theo tôi để tạo tính minh bạch, công bằng thì các doanh nghiệp trong và ngoài nước nên đấu thầu vị trí kinh doanh. Bên cạnh đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bán lẻ khi tiếp cận với nguồn vốn.
Ngoài ra vai trò của nhà nước trong xúc tiến thương mại là hết sức quan trọng, định hướng phát triển, thiết lập hành lang pháp lý, bảo đảm môi trường kinh doanh ổn định, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp liên doanh liên kết, mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu bán lẻ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt ngay ở thị trường nội địa. Có như vậy, doanh nghiệp bán lẻ Việt mới đủ sức bứt phá, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Cũng theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, với sự xuất hiện thêm về số lượng đơn vị, cơ sở bán lẻ, đặc biệt sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam, do vậy cuộc cạnh tranh giành thị phần ở thị trường bán lẻ là hết sức khốc liệt và cam go trong thời gian tới. Tuy nhiên, thách thức cũng chính là thời cơ để các nhà bán lẻ nội phải thay đổi tư duy, tăng sức cạnh tranh và đưa ra được chiến lược đầu tư đúng đắn. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp Việt không ngừng vươn lên, xây dựng những chiến lược dài hơi liên kết chặt chẽ, tận dụng tốt thế mạnh của nhau để tạo thành sức mạnh tổng hòa, làm chủ thị trường bán lẻ ngay chính trên sân nhà./.