Trong phần chất gửi tới Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí là quyền con người, quyền công dân, phương tiện thực hành dân chủ, chống tham nhũng, công cụ làm việc và học tập phổ biến của đại đa số nhân dân, nhưng cũng là phương tiện và công cụ phạm tội, vu khống, bịa đặt của các thế lực xấu.
Với những lợi thế và hạn chế như trên, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về năng lực quản lý hiện nay và giải pháp cụ thể của ngành để hoạt động thông tin, truyền thông đóng góp tích cực, theo kịp nhu cầu phát triển, đồng thời phòng, chống tội phạm, hạn chế tiêu cực có hiệu quả.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, ngày 20/12/2017, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Chức năng của báo chí, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2016. Đồng thời, Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí, Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân cũng như cơ chế để các bên thực hiện quyền và trách nhiệm của mình.
Với khung pháp lý rộng nhưng nghiêm khắc, ngoài việc đảm bảo để công dân thực hiện quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, các cơ quan báo chí và nhà báo có thể tự do tác nghiệp trong khuôn khổ luật định... Cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động theo quy định pháp luật, trong đó có các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí mà cơ quan báo chí, nhà báo phải tuân thủ theo. Bộ Thông tin và Truyền thông còn thực hiện xử lý, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng quyền tự do báo chí, tự do dân chủ gây phương hại đến lợi ích của Nhà nước, xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhằm đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế xã hội; đồng thời phòng chống tội phạm, tiêu cực.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Bên cạnh những tiện ích do Internet mang lại thì mặt trái của nó là không hề nhỏ. Thời gian gần đây, với sự bùng nổ của Facebook và Youtube tại Việt Nam (đến đầu tháng 10/2017, đã có khoảng 53 triệu người dùng tại Việt Nam sử dụng Facebook. Trong 5 tháng cuối của năm 2017, trung bình mỗi tháng có thêm 1 triệu người dùng tại Việt Nam gia nhập mạng Facebook. Việt Nam hiện đúng trong top 10 nước có lượng người sử dụng Youtube lớn nhất thế giới), Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận nhiều vụ việc lợi dụng mạng để phát tán thông tin vị phạm pháp luật, xuyên tạc, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, hình thức phát tán thông tin ngày càng tinh vi hơn.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng, đấu tranh ngăn chặn các thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật như: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các hành vi vi phạm; kiên quyết yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài như Facebook, Youtube gỡ bỏ thông tin vi phạm; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xác định hành vi, đối tượng và ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm ẩn danh tính hoặc đối tượng chống phá Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên đối với công tác quản lý thông tin trên mạng trong giai đoạn hiện nay, vẫn còn một số bất cập, khó khăn. Đó là còn hạn chế về giải pháp kỹ thuật: Hiện nay, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và Youtube để chặn, mà chỉ có thể chặn hoàn toàn toàn bộ website vi phạm.
Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin, cụ thể như: Sử dụng các dịch vụ miễn phí của các công ty đa quốc gia lớn, có phạm vi hoạt động trên toàn cầu như Google, Facebook, Microsoft; Lợi dụng mạng xã hội bằng việc kết hợp các hình thức tiếp thị trực tuyến dụng mạng xã hội như Facebook, Twitter, LinkedIn nên thông tin được lan truyền với tốc độ rất nhanh, khó kiểm soát; Lợi dụng mạng viễn thông di động để thực hiện phát tán, quảng bá thông tin dưới dạng các tin nhắn sms trên mạng viễn thông di động tới nhiều thuê bao điện thoại di động; Lợi dụng tiền ảo để thanh toán: sử dụng thư điện tử để điều hành, trả tiền qua các dịch vụ thanh toán điện tử như Bitcoin, Paypal, Moneybooker để thuê các cá nhân tại Việt Nam thực hiện các công việc như biên soạn, đăng tin, phát tán tin. Người dân ngày càng phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là Facebook và Youtube, trong bối cảnh nước ta chưa có các dịch vụ tương tự phục vụ nhu cầu sử dụng của nhân dân; Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, Youtube; Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý Internet và thông tin trên mạng còn bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tế.
Do đặc thù phát triển quá nhanh của công nghệ, của các dịch vụ, nội dung thông tin trên mạng nên hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, chưa cụ thể hóa, bao quát hết các đối tượng và hoạt động cần quản lý, hành vi sai phạm, chế tài xử lý chưa bảo đảm tính răn đe. Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực này theo quy định hiện hành mất khá nhiều thời gian, dẫn đến việc quy định vừa sửa đổi, bổ sung xong đã bắt đầu lạc hậu, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Với những bất cập như trên, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục thực hiện các giải pháp sau để hoạt động thông tin, truyền thông trên mạng thực hiện đúng pháp luật; hạn chế và kiểm soát những thông tin xấu, độc một cách hiệu quả nhất.
Giải pháp về cơ chế chính sách:
- Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, kịp thời bổ sung, xây dựng các văn bản mới và xây dựng cơ chế chính sách về thông tin điện tử cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng hiệu quả quản lý, bổ sung các chế tài xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
- Xây dựng chính sách quản lý nội dung thông tin trên mạng theo kịp với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của các công nghệ mới.
- Tổ chức họp định kỳ, đột xuất nhằm định hướng, chấn chỉnh kịp thời hoạt động của các trang mạng xã hội trong nước.
- Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển, tạo ra những “đơn vị tiên phong” đủ mạnh để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường.
- Nâng cao năng lực quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, kiên quyết xử lý thông tin sai phạm trên mạng. Đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, mức độ nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép; tăng cường hướng dẫn, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương và các đơn vị chức năng có liên quan xử lý hoạt động sai phạm về thông tin điện tử trên mạng.
- Hiện nay, Bộ Công an đang chủ trì xây dựng Luật An ninh mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông ủng hộ những nỗ lực của Bộ Công an và mong muốn Luật này sớm được ban hành.
Các giải pháp kỹ thuật:
- Nghiên cứu phương án xây dựng công cụ quản lý, thu thập, phòng ngừa và cảnh báo; công cụ đánh giá truy cập website để làm căn cứ thực hiện các chính sách quản lý nhà nước về thông tin trên Internet.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý và doanh nghiệp; nghiên cứu, định hướng trong việc xây dựng bộ lọc và có cơ chế cập nhật khi có yêu cầu để các doanh nghiệp thực hiện; kịp thời ngăn chặn truy cập, chia sẻ, tạm ngừng hiển thị nội dung trên mạng Internet khi phát hiện thông tin vi phạm.
- Chuẩn bị các phương án kỹ thuật phù hợp để có thể chủ động ngăn chặn các thông tin vi phạm trong trường hợp khẩn cấp với quyết tâm, thống nhất cao và sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet.
Giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức:
- Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người sử dụng về các quy định của pháp luật có liên quan nội dung thông tin trên mạng.
- Tăng cường việc tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về những mặt tích cực và tiêu cực của Internet.
- Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể; giữa gia đình và nhà trường; giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.
- Khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội chủ động tổ chức các phong trào, chiến dịch cổ động nhằm phát triển các hoạt động mang tính nhân văn, hỗ trợ cộng đồng, đồng thời cũng hợp tác với các cơ quan nhà nước, đặc biệt các tổ chức về tuyên truyền để cùng đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phục vụ định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Đối với các cơ quan nhà nước, đặc biệt là các cơ quan hoạt động trong tuyên truyền, cần coi mạng xã hội cũng là một kênh truyền thông tương tư như báo, đài truyền hình để tiến hành các hoạt động tuyên truyền.
- Đối với các ban, ngành hoạt động tiếp xúc với người dân nhiều thì càng cần coi mạng xã hội cũng như Internet là một kênh quan trọng và cần có kế hoạch truyền thông của riêng mình. Cần khuyến khích các cơ quan nhà nước bên cạnh website của mình cần mở thêm một kênh thông tin giới thiệu về chuyên ngành và lĩnh vực mình quản lý qua đó tiếp cận và đưa thông tin dễ dàng đến người dân.
Giải pháp thúc đẩy mạng xã hội do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ: Hiện nay tại Việt Nam, một số mạng xã hội của nước ngoài như Facebook, Youtube vẫn đang chiếm phần lớn thị trường, chính vì vậy trong ngắn hạn, các giải pháp quản lý và tuyên truyền vẫn cần tiến hành đối với mạng xã hội này. Tuy nhiên về dài hạn, Việt Nam cần có những mạng xã hội tương đương, có khả năng thay thế hoặc cạnh tranh được với Facebook tại Việt Nam và do doanh nghiệp tại Việt Nam cung cấp dịch vụ. Do đó, cần có các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy mạng xã hội trong nước phát triển.
Hợp tác quốc tế: Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, thiết lập các đầu mối và cơ chế phối hợp giữa Bộ với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam trong việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Bộ đã thiết lập được đầu mối với Google và Facebook. Đây là hai dịch vụ của nước ngoài có khá đông người Việt Nam sử dụng. Tới đây, Bộ sẽ thiết lập đầu mối, cơ chế hợp tác với một số doanh nghiệp khác như Apple (quản lý AppStore), Twitter, Microsoft...
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong khu vực và trên thế giới để tăng cường trao đổi, hợp tác quốc tế trong việc quản lý nội dung thông tin trên mạng nói chung và đối với việc xử lý thông tin vi phạm trên mạng nói riêng. Tham khảo thông lệ quốc tế trong việc phối hợp, xử lý thông tin vi phạm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Tham gia phối hợp của các Bộ, ngành: Hiện nay, lĩnh vực quản lý của hầu hết các bộ, ngành đều được cung cấp trên mạng thông qua ứng dụng chuyên ngành, như mua bán trực tuyến, thanh toán trực tuyến, khám chữa bệnh trực tuyến, giáo dục - đào tạo trực tuyến, xem phim trực tuyến... Do đó, việc quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng thông tin, dịch vụ trên mạng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Vì vậy, để việc quản lý nội dung, dịch vụ trên mạng một cách hiệu quả cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan. Theo đó, phân cấp trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan như sau:
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Là cơ quan chịu trách nhiệm đầu mối quản lý, xử lý thông tin vi phạm nói chung theo quy định về quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng.
- Bộ Công an: Điều tra, phối hợp để xác định hành vi, nhân thân vi phạm, chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý vi phạm hành chính đối với những trường hợp xác định không xử lý hình sự.
- Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố: Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Sở chức năng tại địa phương để xử lý với các vi phạm xuất phát tại địa phương hoặc cá nhân vi phạm ở địa phương.
- Các Bộ, ngành khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý các thông tin vi phạm chuyên ngành liên quan đến thuê, thanh toán trực tuyến, thương mại điện tử./.