Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, năm 2014 Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước. Tuy nhiên, cho đến nay nước ta vẫn chưa thể sản xuất ô tô, trong khi đó lộ trình thực hiện AFTA đang đến gần, càng gây bất lợi cho sản xuất ô tô trong nước. Với trách nhiệm của bộ chủ quản, đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp để thực hiện hiệu quả chiến lược của Chính phủ trước thách thức hội nhập?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương thống nhất với nhận định của Đại biểu về việc đến nay chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu của chiến lược phát triển công nghiệp ô tô, trong khi đó tình hình sắp tới sẽ tiếp tục đặt ra thêm nhiều thách thức hơn nữa cho việc thực thi chiến lược này của Việt Nam.
Để có thể triển khai thực hiện có hiệu quả chiến lược này trong thời gian tới, Bộ Công Thương xác định sẽ cùng các Bộ, ngành liên quan tập trung vào thực hiện một số nhóm giải pháp lớn:
Hình thành các doanh nghiệp qui mô lớn để đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Theo đó, thu hút và tập trung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp có Dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động.
Tập trung cho phát triển các sản phấm ưu tiên: Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi: Tập trung vào phát triên các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới (xe thân thiện môi trường: eco car, hybrid...) gồm: Xe cá nhân, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng, thân thiện với môi trường và giá cả phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Đối với xe tải và xe khách: Tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng (gồm có: xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, nông thôn); xe khách tầm trung và tầm ngắn; xe chở bê tông, xi téc và đặc chủng an ninh - quốc phòng; xe nông dụng đa chức năng.
Về công nghiệp hỗ trợ: Định hướng cho thời gian tới được xác định là tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp lớn nước ngoài trong việc sản xuất linh kiện và phụ tùng, trong đó tập trung vào các bộ phận quan trọng, hàm lượng công lượng công nghệ cao để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước, thay thế nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu
Thực hiện tốt các chính sách tại Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đổi với các sản phẩm ưu tiên, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách chủ yếu như:
Chính sách về thị trường: Xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ chất lượng xe nhập khẩu để bảo vệ quyền lợi ngưới tiêu dùng, tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất, lắp ráp trong nước; Tăng cường kiểm tra việc khai báo trị giá hải quan đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và linh kiện nhập khẩu; Tăng cường công tác quản iý thị trường, quản lý hoạt động xuất nhập khẩu động cơ, xe ô tô; chống buôn lậu, gian lận thương mại.
Chính sách hỗ trợ tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu; Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực.
Chính sách ưu đãi về: Thuế nhập khẩu; Thuế thu nhập doanh nghiệp; Đất đai.
Các chính sách khác về phát triển công nghiệp hỗ trợ.