Trước đó, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, đã có văn bản chất vấn Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân. Theo ĐBQH Trần Anh Tuấn, hiện nay ở các đơn vị sự nghiệp công lập, việc quy định người đang làm việc ở đơn vị này phải làm đơn nghỉ việc trước khi chuyển sang đơn vị sự nghiệp khác để được xét tuyển (mặc dù họ có kinh nghiệm làm việc và đã được xét tuyển hoặc tuyển dụng ở đơn vị cũ) gây tâm lý bất an cho những cán bộ, viên chức khi chuyển công tác từ địa bàn này sang địa bàn khác (từ quận/huyện này sang quận/huyện khác). Bởi vì, khi chuyển công tác và làm đơn nghỉ việc thì vì một lý do nào đó, chưa chắc được xét tuyển vào đơn vị mới; bên cạnh đó việc chuyển công tác mà phải làm đơn nghỉ việc, sau đó lại làm đơn xin việc thì không hợp lý cho người chuyên công tác. Vấn đề trên theo ý kiến của Bộ trưởng sẽ được giải quyết như thế nào, để giảm thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho những người chuyển công tác từ đơn vị sự nghiệp này sang đơn vị sự nghiệp khác?
Bên cạnh đó, việc giao biên chế quá cứng chưa tạo chủ động, chưa xem xét đến tính đặc thù của địa phương. Hàng năm ở Thành phố Hồ Chí Minh, số học sinh tăng từ 60-80 ngàn học sinh, do đó để đáp ứng nhu cầu giảng dạy, số lượng giáo viên phải tăng từ 4.000 đến 5.000 giáo viên. Do đó, để tạo tính chủ động cho địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nội vụ cần phân cấp cho các địa phương tự cân đối được ngân sách (đặc biệt là 2 thành phố lớn: Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) để các địa phương này chủ động bổ sung nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, kể cả ngành y tế. Vì vậy, theo Bộ trưởng thì vấn đề này cần giải quyết như thế nào trong thời gian tới cho địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh?
Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh
Trả lời chất vấn ĐBQH Trần Anh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định của Luật Viên chức thì viên chức được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hợp đồng làm việc (Điều 2). Hợp đồng làm việc được ký kết bằng văn bản giữa người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập với người được tuyển dụng làm viên chức (Khoản 2 Điều 26). Như vậy, khi được tuyển dụng viên chức, người được tuyển dụng ký hợp đồng làm việc với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tuyển dụng.
Khoản 4 Điều 28 Luật Viên chức quy định: Khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, tổ chức, đơn vị khác thì chấm dứt hợp đồng làm việc và được giải quyết các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Luật Viên chức năm 2010, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức không có điều khoản nào hướng dẫn và quy định cụ thể việc viên chức phải viết đơn nghỉ việc khi chuyển công tác sang đơn vị sự nghiệp công lập khác.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho viên chức khi chuyển công tác từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác, cũng như nội dung kiến nghị của Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn nêu trên, Bộ Nội vụ tổng hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Luật Viên chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn các ĐBQH
Về vấn đề bổ sung nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 39-NQ/TW); Quyết định sổ 2218/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW đã chỉ đạo: “Bảo đảm đến năm 2021, về cơ bản không tăng tổng biên chế của Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với biên chế được giao của năm 2015. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc giao nhiệm vụ mới thì Bộ, ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối, điều chỉnh trong tổng biên chế hiện có.
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh..., có thể bổ sung biên chế, nhưng phải quản lý chặt chẽ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp”.
2Quyết định số 253-QĐ/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy định về quản lý biên chế thống nhất của hệ thống chính trị, đã chỉ đạo: “Bộ Nội vụ giúp Chính phủ quản lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức của các Bộ; cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập; chính quyền địa phương (ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân ở địa phương), các đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ, công chức cấp xã”.
Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó, đã quy định: Bộ Nội vụ quyết định vị trí việc làm, số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các Bộ, ngành; quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm định số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập trước khi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê duyệt.
Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước nêu trên, đồng thời để đẩy mạnh phân cấp quản lý về số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 10/10/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 89/NQ-CP phiên họp thường kỳ tháng 9/2016, trong đó đề ra chủ trương: “Chính phủ thống nhất nguyên tắc phân cấp thẩm quyền quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đây mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Việc phân cấp thẩm quyền quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phải được thực hiện theo điều kiện, quy trình, thủ tục rõ ràng và gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm không tư nhân hóa.
Trước mắt, đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ (đơn vi sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp bảo đảm chi thường xuyên) được quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc phù họp với chức năng, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở bảo đảm việc làm ổn định và thu nhập cho số lượng người làm việc tăng thêm.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ (đon vị sự nghiệp do Nhà nước bảo đảm toàn bộ hoặc một phần chi thường xuyên) thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao theo quy định của pháp luật, bảo đảm thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trường hợp tăng thêm số lượng người làm việc so với tổng số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao, các Bộ, ngành, địa phương gửi Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”.
Hiện nay, Bộ Nội vụ đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08/5/2012 quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập để cụ thể hóa Nghị quyết số 89/NQ-CP nêu trên của Chính phủ, đẩy mạnh phân cấp quản lý về số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đối với Bộ, ngành và địa phương; đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian tới, đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo./.