Theo Đại biểu Nguyễn Quang Dũng, số người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh ở nước ta khá lớn (trên 3 triệu người) nhưng việc giải quyết chính sách còn chậm, thủ tục khó khăn làm cho cử tri bức xúc. Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp khắc phục tình trạng này.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam
Thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 02/4/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam. Cụ thể:
Cùng với những thành quả đạt được về kinh tế - xã hội của đất nước sau nhiều năm đổi mới và hội nhập, Nhà nước không ngừng xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin cả về đối tượng thụ hưởng và điều kiện thực hiện, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thời gian qua thường xuyên được hoàn thiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012, Pháp lệnh cơ bản khắc phục được những bất hợp lý so với trước đây, tạo được sự phấn khởi chung của đối tượng thụ hưởng và nhân dân, chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng từng bước được điều chỉnh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước; Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thông qua đó, số lượng đối tượng người có công được công nhận và thực hiện chế độ người có công ngày càng gia tăng; các mức trợ cấp thường xuyên được điều chỉnh để hỗ trợ đời sống cho gia đình người có công.
Năm 2002, cả nước xác nhận được trên 6 triệu người có công với cách mạng, đến năm 2017, cả nước đã xác nhận trên 9 triệu lượt người có công, trong đó người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học gần 312.000 người (năm 2002 đối tượng này chưa phải là đối tượng người có công theo quy định của Pháp lệnh, năm 2012 là khoảng 186.000 người). Hiện nay, theo thống kê của Trung ương Hội nạn nhân chất độc da cam/Dioxin Việt Nam, hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, nuôi dưỡng, chăm sóc không ngừng phát triển.
Cùng với chính sách ưu đãi người có công và hệ thống chăm sóc sức khỏe rộng khắp, Đảng và Nhà nước ta đã phát triển thực hiện đồng bộ các chương trình quốc gia về kinh tế - xã hội; đã huy động toàn xã hội chăm lo cho các đối tượng người có công, người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo trong đó có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin thông qua: Chương trình xóa đói, giảm nghèo; Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dạy nghề; Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em; Chương trình 135; Chương trình 30a; Chương trình xây nhà tình nghĩa, nhờ đồng đội; Hệ thống các quỹ: Quỹ nạn nhân chất độc da cam, Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Kết quả thực hiện các Chương trình và hoạt động của các Quỹ đã tạo ra phong trào xã hội rộng lớn, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các nhóm đối tượng này, trong đó có nạn nhân chất độc da cam/Dioxin.
Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định rõ về thời gian và vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc trong chiến tranh ở Việt Nam làm căn cứ để xác nhận đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Đồng thời, việc giải quyết chế độ phải căn cứ danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học do Bộ Y tế quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ
Để tiếp tục tăng cường năng lực, củng cố phát triển mạng lưới các cơ sở bảo trợ xã hội ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, ngày 20 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn với mục tiêu phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội cùng với chính sách an sinh xã hội khác đáp ứng tốt hơn nhu cầu của đối tượng bảo trợ xã hội góp phần phát triển bền vững, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội cho các công tác trợ giúp xã hội; phát huy sự quan tâm và chăm sóc của xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Đối với kiến nghị mở rộng việc xác nhận và giải quyết chế độ đối với số người bị phơi nhiễm chất độc da cam (không phải người hoạt động kháng chiến) cần tiếp tục được các cơ quan chức năng (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế) nghiên cứu, đánh giá cụ thể và xây dựng chính sách khi có đầy đủ cơ sở thực tiễn, khoa học và trong kiện kinh tế - xã hội cho phép.
Đồng thời, thực hiện chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng trong đó có nội dung chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu bổ sung chính sách đối với một số đối tượng, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện các nội dung yêu cầu của Chỉ thị.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo: Bộ Y tế thực hiện chăm sóc sức khỏe, phụ hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phòng ngừa dị tật bẩm sinh có liên quan đến chất độc hóa học; nghiên cứu chỉnh sửa bổ sung danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ; tăng cường mạng lưới giám định y khoa và nâng cao năng lực giám định bệnh tật, dị tật có liên quan với chất độc hóa học; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách cho các nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin, đề xuất các điều kiện để xác định nạn nhân da cam/Dioxin, làm cơ sở tiến hành tổng điều tra số lượng nạn nhân chất độc hóa học/Dioxin.