Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Việc các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra còn chậm và cần có giải pháp khắc phục.
Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT, đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới nêu rõ: Khoản 4, Điều 5 Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 quy định, các cơ quan Nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.
Thế nhưng, thời gian qua, việc cung cấp thông tin (về điện thoại, trang thông tin cá nhân, Facebook, Viber, Zalo...) của các nhà cung cấp thông tin (Vinaphone, MobiFone, Viettel...) cho cơ quan điều tra (theo yêu cầu của công tác điều tra) còn chậm và còn nhiều trường hợp không cung cấp được (ví dụ như mạng Viettel). Từ đó, công tác điều tra, phòng chống tội phạm gặp không ít khó khăn. Với thực tế trên, đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới chất vấn Bộ trưởng Bộ TTTT về những giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Lê Tấn Tới - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Liêu, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Tại khoản 3, 4 Điều 6 Luật Viễn thông có quy định, thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng của mọi tổ chức, cá nhân được đảm bảo bí mật. Việc kiểm soát thông tin trên mạng viễn thông do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm tên, địa chỉ, số máy gọi, số máy được gọi, vị trí máy gọi, vị trí máy được gọi, thời gian gọi và thông tin riêng khác mà người sử dụng dịch vụ cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp, trừ các trường hợp sau đây:
- Người sử dụng dịch vụ viễn thông đồng ý cung cấp thông tin.
- Các doanh nghiệp viễn thông có thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc trao đổi cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông để phục vụ cho việc tính giá cước, lập hóa đơn và ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng.
- Khi có yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Do đó, để phục vụ công tác điều tra, phòng chống tội phạm, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải đúng với thẩm quyền, trình tự và thủ tục quy định tại Luật Tố tụng Hình sự. Nội dung, khối lượng, phạm vi thông tin yêu cầu cung cấp phải phù hợp với quy định, khả năng lưu trữ và phải đảm bảo an toàn (không gây sự cố) cho mạng viễn thông đang vận hành...
Việc các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra còn chậm hoặc không cung cấp được, Bộ trưởng Bộ TTTT cho biết sẽ nhắc nhở các doanh nghiệp viễn thông cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra đúng quy định của Luật Tố tụng Hình sự./.