Đưa hộ kinh doanh cá thể vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Nhiều ý kiến trái chiều
Theo Niên giám thống kê năm 2018, khu vực kinh tế cá thể của nước ta đóng góp 29,24% GDP cả nước. Còn theo Kết quả tổng điều tra kinh tế của Tổng cục Thống kê, cả nước có khoảng 4,59 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp và thủy sản có địa điểm hoạt động ổn định; trong đó, có khoảng 1,33 triệu cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể đã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, khoảng 3,02 triệu cơ sở chưa đăng ký kinh doanh, còn lại khoảng 0,24 triệu cơ sở đã đăng ký kinh doanh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc không phải đăng ký kinh doanh.
Đóng góp của hộ kinh doanh vào GDP và giải quyết việc làm là rất lớn, nhiều ý kiến cho rằng, cần có quy định pháp luật ở tầm luật để điều chỉnh đối tượng này nhằm khẳng định địa vị pháp lý, nâng cao năng lực quản trị của chủ thể này khi tham gia thị trường, tạo điều kiện hỗ trợ hộ kinh doanh tiếp cận và thực hiện đầy đủ chính sách của Nhà nước. Mặt khác, khi chế định hộ kinh doanh vào luật còn làm rõ quyền, nghĩa vụ của hộ kinh doanh để bảo đảm tính pháp lý của hộ kinh doanh và bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp, hình thức kinh doanh khác trong nền kinh tế. Tuy nhiên, quy định trong luật hay quy định trong nghị định hoặc quy định trong một luật riêng về hộ kinh doanh cá thể vẫn đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ phía doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các chuyên gia kinh tế.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, dự thảo Luật Doanh nghiệp đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh đang nhận được những ý kiến khác nhau. Có ý kiến ủng hộ vì cho rằng đã đến lúc ghi nhận khu vực này, tuy nhiên cũng có ý kiến lo ngại về những tác động không mong muốn. Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân tôi, xu hướng khẳng định quyền kinh doanh của hộ kinh doanh là cần được thống nhất. Dù sao, để kinh doanh thuận lợi, dễ dàng thì cần được luật quy định và được luật bảo hộ.
Thể hiện quan điểm cần nghiên cứu và thận trọng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu ý kiến: “Tôi nghĩ, Luật Doanh nghiệp chung bao phủ được tất cả các loại hình kinh doanh của Việt Nam thì cũng là ý tưởng tốt. Tuy nhiên, cách thiết kế luật như thế nào, cách đưa số lượng rất lớn các hộ kinh doanh gia đình (chiếm tới 5 triệu hộ), lớn hơn hẳn so với số lượng doanh nghiệp, gấp 8 lần số doanh nghiệp chính thức hoạt động. Như vậy cần nghiên cứu xem phương án đưa vào như thế nào thì cần tính toán lại. Nếu đưa số lượng quá lớn hộ kinh doanh vào thì luật có đủ thiết kể để bao trùm và thực hiện quản lý được tất cả đối tượng hộ kinh doanh cũng như doanh nghiệp hay không?”
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Ông Vương Đình Mạnh, chủ hộ kinh doanh cá thể, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cho biết, do đặc thù cơ sở thuê lao động ở cơ sở sản xuất theo thời vụ có thời điểm trên 10 lao động nhưng cũng có thời gian ít lao động nên chưa cần thiết chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Mạnh cũng băn khoăn nếu chuyển đổi thành doanh nghiệp có thể có nhiều yêu cầu về điều kiện kinh doanh cũng như các thủ tục liên quan đến thuế phức tạp.
Ông Vương Đình Mạnh, chủ hộ kinh doanh cá thể, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội
Còn với mô hình hộ kinh doanh cá thể, ông Nguyễn Ngọc Mạnh, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội nhận thấy chưa cần thiết phải thành lập doanh nghiệp, vì ông Mạnh cho rằng khi thành lập doanh nghiệp sẽ kéo theo rất nhiều chi phí phát sinh.
Trái ngược với quan điểm trên, ông Mai Đức Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần giải pháp nghe nhìn miền Bắc, lại cho biết, công ty vừa chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh cá thể thành công ty với mục tiêu có tư cách pháp nhân khi giao dịch với khách hàng. Bên cạnh đó, khi mở rộng kinh doanh sẽ có cơ sở để vay vốn ngân hàng và mở rộng đối tác kinh doanh.
Một trong những lý do đưa hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi nhằm quản lý tốt hơn, bởi trong số gần 5 triệu hộ kinh doanh nhưng mới chỉ có khoảng 1,7 triệu hộ nộp thuế. Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện nay chưa phải là thời điểm chín muồi để đưa tất cả các hộ kinh doanh cá thể vào Luật Doanh nghiệp, vì như vậy vừa vượt quá trình độ của cơ quan quản lí cũng như của hộ kinh doanh. Do vậy, trước mắt nên tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 78 năm 2015 về đăng ký doanh nghiệp; có cơ chế khuyến khích họ phát triển vào thành doanh nghiệp chứ không nên đưa các hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: “Theo tôi, ở thời điểm này đưa hộ kinh doanh vào Luật là quá sớm, vì cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động nhưng gần 5 triệu doanh nghiệp và giao quận huyện quản lý, như vậy khó khăn và quản lý ra sao? Hơn nữa cũng cần có bước đi, trước hết nên làm thí điểm xem quản lý hộ như thế nào? Ở các nước họ đều quản lý hộ gia đình cả nhưng quản lý rất thích hợp, như giúp đỡ, hỗ trợ, đào tạo cho người chủ và cung cấp máy tính, thông qua đó chủ hộ kinh doanh có thể nộp thuế qua mạng. Chúng ta cần xem xét, nên có bước đi thích hợp. Thử hỏi một cửa hàng đòi hỏi tuân thủ Luật Kế toán, thống kê, phải có chứng từ thì rất khó khăn”.
Cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Lý giải tại sao đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Ban soạn thảo, cho rằng hộ kinh doanh hiện nay được đăng ký và tổ chức hoạt động theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 212 Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, đánh giá các quy định này cho thấy một số khiếm khuyết khiến hộ kinh doanh không tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh. Do đó, không phát huy hết được lợi ích và tiềm năng phát triển khu vực hộ kinh doanh. Vì vậy, Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định rõ địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự (hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên gia đình đăng ký); bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh (như: chỉ được sử dụng dưới 10 lao động); bổ sung quy định về chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Thảo luận về nội dung này tại hội trường Kỳ họp thứ 8, nhiều đại biểu cho rằng, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Bởi hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước. Nhưng đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật này là không phù hợp vì Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu xây dựng một luật hoặc nghị định riêng về hộ kinh doanh, vì hộ kinh doanh không phải là một loại hình doanh nghiệp. Nếu điều chỉnh phạm vi, đưa đối tượng này vào dự thảo Luật thì tên gọi của luật nên sửa thành Luật Doanh nghiệp và hộ kinh doanh; hoặc công nhận hộ kinh doanh là một loại hình doanh nghiệp như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện. Vì các quy định về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chưa cụ thể, rõ ràng nên còn nhiều ý kiến trái chiều:
Tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, bổ sung quy định về hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, đại biểu Vũ Tiến Lộc, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình, cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp là phù hợp với bản chất kinh tế và pháp lý của hộ kinh doanh, cũng như bảo đảm quyền bình đẳng của hộ kinh doanh với các loại hình doanh nghiệp khác.
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật sẽ giúp hộ kinh doanh có thêm nhiều điều kiện thuận lợi, được quy định rõ ràng về vị trí pháp lý, được đứng tên trong các giao dịch kinh doanh, xin giấy phép, được bảo hộ theo quy định của pháp luật, gỡ bỏ những hạn chế về phạm vi và quy mô hoạt động cũng như được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ và các chính sách có liên quan, quản trị của hộ kinh doanh được tăng cường. Cùng với đó, trong công tác quản lý nhà nước không phát sinh thêm chi phí, hệ thống đăng kí không thay đổi, thống nhất trong đăng kí doanh nghiệp, các nghĩa vụ thuế đối với hộ kinh doanh cũng không thanh đổi, công tác thanh tra, kiểm tra không nặng thêm. Khi hoạt động của hộ kinh doanh được bài bản, chuyên nghiệp hơn, minh bạch hơn thì thu ngân sách nhà nước sẽ được tăng thêm.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ cho ý kiến về Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, bày tỏ quan điểm, hầu hết các hộ kinh doanh đều không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp nhằm né nghĩa vụ nộp thuế, không kí hợp đồng với các lao động mặc dù biết chuyển đổi lên doanh nghiệp thì sẽ nhận được nhiều ưu đãi, hỗ trợ. Bên cạnh đó, cũng có những hộ kinh doanh quy mô lớn muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp để mở rộng kinh doanh và chuyên nghiệp hơn nhưng lại chưa được trang bị kiến thức về kĩ năng quản trị. Hộ kinh doanh lo ngại, nếu chuyển đổi thì nghĩa vụ pháp lý sẽ nặng nề hơn như các giấy phép liên quan như về môi trường, thủ tục kế toán kê khai, thanh tra kiểm tra…làm tăng chi phí gián tiếp.
Trong khi các quy định của dự thảo Luật về hộ kinh doanh mới dừng ở khái niệm hộ kinh doanh, đăng kí hộ kinh doanh, quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thu hồi giấy chứng nhận đăng kí hộ kinh doanh. Các quy định này chưa giải quyết được các vấn đề bất cập hiện nay, không khuyến khích được hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp cũng như chưa phản ánh được các nội dung quan trọng khác về thay đổi nội dung đăng kí hộ kinh doanh, cấp lại giấy chứng nhận trách nhiệm quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước.
Phát biểu tranh luận với đại biểu Vũ Tiến Lộc, đại biểu Trần Quang Chiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, cho rằng các quy định của dự thảo Luật còn đơn giản, chưa rõ ràng, không có gì khác so với các quy định hiện hành, do đó không thể là cứu cánh cho hộ kinh doanh cũng như mang lại những lợi ích kì vọng như đại biểu Vũ Tiến Lộc đã nêu. Trong khi đó, việc đưa hộ kinh doanh vào Luật lại chưa có đánh giá tác động cụ thể, những khó khăn đối với hộ kinh doanh gặp phải, vấn đề thống kê, kế toán, thanh tra kiểm tra của hộ kinh doanh sau khi đưa vào luật sẽ thực hiện như thế nào, lý giải tại sao hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Quang Chiểu cho rằng nếu đưa hộ kinh doanh vào trong luật thì phải viết lại toàn bộ nội dung của chương về hộ kinh doanh hoặc quy định trong Nghị định sau đó có tổng kết thí điểm để xem xét xây dựng luật.
Đại biểu Trần Quang Chiểu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định
Trong khi đó, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng phải hiểu chính xác về bản chất của hộ kinh doanh hay doanh nghiệp cũng đều là kinh doanh và đã là kinh doanh là doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu định nghĩa lại doanh nghiệp để có cách hiểu thống nhất, khi đó tùy vào quy mô loại hình doanh nghiệp sẽ có điều chỉnh.
Trước thực trạng các hộ kinh doanh dù quy mô hoạt động rất lớn nhưng không muốn thành lập công ty bởi thủ tục rườm rà, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, cắt giảm các thủ tục, cần có nghị định hướng dẫn chi tiết đầy đủ về việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Đồng thời có sự rà soát, hệ thống về 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, căn cứ theo quy mô hoạt động, chứ không thể bắt một người bán nước chè thành lập công ty. Đại biểu lưu ý vấn đề quản lý Nhà nước theo luật bảo đảm cân đối quyền lợi các bên vừa điều kiện cho người dân kinh doanh và nhà nước có được nguồn thu.
Thực tiễn trên thế giới hiện nay chỉ có hai nước có quy định pháp lý về hộ kinh doanh. Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, bảo đảm quản lý việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, bảo hiểm... của hộ kinh doanh, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần rà soát, bổ sung quy định chặt chẽ nghĩa vụ của hộ kinh doanh, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc hỗ trợ chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề xuất, trước mắt tiếp tục thực hiện thuế khoán, để các quận huyện quản lý với hình thức thích hợp. Với hộ nào đã đăng ký kinh doanh thì dễ dàng trong công tác quản lý, nhưng những hộ chưa đăng ký thì giúp đỡ, tạo điều kiện cho họ hoạt động. Không nên làm quá vội vã, không nên vì muốn quản lý mà triệt tiêu. Chính phủ muốn có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, mục tiêu này khó đạt được. Chúng ta muốn đạt được mục tiêu này thì cần có hỗ trợ về chính sách, về đạo tạo, có như vậy mới có nguồn thu thuế cho nhà nước.
Hộ kinh doanh là một bộ phận cấu thành không nhỏ của nền kinh tế, tuy nhiên dự thảo Luật chưa làm rõ các vấn đề về quyền của hộ kinh doanh trong khả năng tiếp cận vốn thuận lợi hơn, hệ thống kế toán đơn giản, thuận tiện hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cần làm rõ quy định nào trong dự thảo tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát triển hơn. Do vậy cơ quan soạn thảo cần thận trọng và cân nhắc kỹ việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.
Qua thực tế cho thấy việc đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp cần tiến hành tổng kết, đánh giá tác động, bởi việc điều chỉnh này sẽ không chỉ ảnh hưởng tới 4,59 triệu hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp; hơn 7,6 triệu lao động đang làm việc cho khu vực này, mà còn tác động tới hàng chục triệu người. Bài toán làm sao để quản lý hiệu quả hộ kinh doanh không phải là vấn đề mới, nhưng có nên đưa hộ kinh doanh vào đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu bên hàng lang Quốc hội:
Phóng viên: Thưa đại biểu, một trong những điểm mới của dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là bổ sung hộ kinh doanh vào dự thảo Luật. Quan điểm của đại biểu về quy định này như thế nào?
- Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh: Tôi nghĩ, việc hộ kinh doanh cá thể vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho một số hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp thì được luật định và có những cơ chế hỗ trợ cụ thể hơn cho các hộ kinh doanh cá thể chuyển thành doanh nghiệp như hỗ trợ về kê khai thuế, hệ thống kế toán, ngay cả quản trị doanh nghiệp. Bởi từ trước tới nay, quản trị tại các hộ kinh doanh cá thể theo dạng gia đình là chủ yếu. Sự thay đổi của sự phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế, cần quản lý bài bản hơn, giúp hoạt động tốt hơn.
Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh
- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu: Tôi cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động. Bởi hiện cả nước có gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nếu chưa được nghiên cứu kỹ sẽ ảnh hưởng lớn đến quyền và lợi ích của đối tượng này.
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Theo quan điểm của tôi, quản lý hộ kinh doanh là đúng, là nên và rất cần thiết, để tạo điều kiện và hỗ trợ cho hộ kinh kinh phát triển. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ, bởi hộ kinh doanh khác doanh nghiệp về quy mô, nhân lực, trình độ quản lý. Do vậy, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng cần được cân nhắc và nghiên cứu kỹ lưỡng.
Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
- Đại biểu Đỗ Thị Lan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Hộ kinh doanh là thành phần kinh tế quan trọng với 5 triệu hộ nhưng chỉ có 1,4 triệu hộ nộp thuế còn lại là đóng thuế khoán, dẫn tới sự thiếu minh bạch hoặc thậm chí là hộ kinh doanh phải bỏ tiền thuế khoán nhiều hơn mà nhà nước vẫn không thu được. Hơn nữa, các hộ kinh doanh hiện nay phải chi rất nhiều loại phí không chính thức, nhưng địa vị pháp lý lại không cao. Quan điểm của tôi là nên có luật riêng về hộ kinh doanh. Làm sao giải quyết tình trạng hộ kinh doanh không muốn "lớn lên" và trở thành doanh nghiệp, thậm chí có hiện tượng một số doanh nghiệp không muốn hoạt động theo Luật Doanh nghiệp để trở thành các hộ kinh doanh.
Một điều nữa là tại sao hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp vì chế tài cũng không bắt buộc. Vì vậy, điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp tại Chương 7 về Hộ kinh doanh thì tôi thấy vẫn chưa giải quyết được vấn đề còn đang bất cập trong thực tiễn.
Phóng viên: Theo đại biểu, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có phù hợp và cần quy định như thế nào để đảm bảo việc quản lý của cơ quan chức năng cũng như quyền và lợi ích của đối tượng này?
- Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Theo tôi, nếu đưa hộ kinh doanh cá thể vào Dự thảo luật nhằm khuyến khích chuyển từ các hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp thì cần có các quy định cụ thể, bài bản và có cơ chế khuyến khích thì quy mô nền kinh tế của Việt Nam mới có thể phát triển mạnh hơn. Khi nền kinh tế phát triển thì hoạt động của các hộ kinh doanh cá thể sẽ mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh chung của nền kinh tế.
Tôi nghĩ rằng, đưa hộ kinh doanh cá thể vào dự thảo Luật là cần thiết, nhằm hình thành các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, quản trị bài bản và có chiến lược phát triển rõ ràng.
- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu: Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc nghiên cứu xây dựng một nghị định riêng về hộ kinh doanh bảo đảm khuyến khích, quản lý hộ kinh doanh để họ phát triển sản xuất kinh doanh theo năng lực và tuân thủ pháp luật. Khi đủ điều kiện sẽ xây dựng một luật riêng về hộ kinh doanh, chứ không nên đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp.
Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định: Các quy định trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 còn mang tính hành chính, chưa làm rõ các quyền hộ kinh doanh, như tiếp cận vốn, hệ thống kế toán nên cần cơ chế chính sách để hộ thuận lợi hơn thay vì chế độ chính sách thanh kiểm tra cứng nhắc. Vì vậy, tôi cho rằng, từ nay đến Kỳ họp thứ 9, Ban soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu, chuyên gia kinh tế và nghiên cứu, đánh giá tác động khi đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!
Trên thế giới chỉ có hai quốc gia là Việt Nam và Trung Quốc còn hình thức hộ kinh doanh cá thể. Hầu hết các nước đều coi chủ thể này đều là doanh nghiệp. Vì vậy, việc hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với hộ kinh doanh là cần thiết. Bởi hộ kinh doanh là đối tượng cần có sự quản lý của nhà nước, cần có địa vị pháp lý để được tiếp cận chính sách của nhà nước để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế. Qua ý kiến của đại biểu Quốc hội cho thấy, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là một vấn đề lớn, phạm vi rất rộng, cần đánh giá kỹ tác động, lấy ý kiến rộng rãi của đối tượng chịu tác động. Do vậy, Ban soạn thảo cần tiếp tục tiếp thu ý kiến của đại biểu tại Kỳ họp 8, hoàn thiện, bổ sung đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp 9 tới đây./.