Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 5f7d64a1-9909-90f0-dd35-dfbce9de2636.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH: TÍN DỤNG TRONG NÔNG NGHIỆP CÒN NHIỀU RÀO CẢN

31/07/2019

Nguồn vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn được quan tâm nhưng vệc tiếp cận với nguồn vốn vẫn còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, đã có ý kiến chất vấn đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng về những giải pháp để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng nhằm phát triển nông nghiệp.

Tín dụng trong nông nghiệp còn nhiều rào cản

Tiếp cận với nguồn vốn phát triển nông nghiệp còn khó khăn

Năm 2014, nhờ nguồn vay vốn tín dụng từ ngân hàng 50 triệu đồng, cùng với nguồn vốn vay mượn của bà con chòm xóm, gia đình bà Nguyễn Thị Liên ở xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đã trồng được hàng trăm gốc bưởi trên diện tích 2.000 mét vuông. Năm 2018 hàng trăm cây bưởi đã cho ra những trái quả đầu tiên. Bà Liên hi vọng, năm nay vườn bưởi sẽ cho thu hoạch tốt hơn, dần dần sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, đời sống được nâng cao.

Với ông Nguyễn Hữu Huyên, dù rất muốn mở rộng quy mô chăn nuôi gà theo mô hình trang trại nhưng không khỏi băn khoăn, lo lắng vì ngân hàng yêu cầu ông tín chấp sổ đỏ nếu vay dưới 100 triệu đồng và thế chấp nếu anh vay trên 100 triệu đồng. Theo ông Huyên, nếu vay dưới 100 triệu đồng thì không đảm bảo được đầu tư, nếu vay trên 100 triệu đồng thì yêu cầu phải thế chấp và rất nhiều thủ tục rườm rà trong quá trình thẩm định, kiểm tra, chứng thực. Mà thế chấp cũng không được bao nhiêu, vì giả sử nếu 1 sào đất của gia đình bán ra ngoài thị trường được 300 triệu đồng nhưng khi ngân hàng về thẩm định thì giá lại thấp hơn rất nhiều, trong khi đó nếu có được vay thì cũng chỉ được vay 70% giá thẩm định nên thực tế số tiền được vay cho sản xuất nông nghiệp rất ít do bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực.

Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) năm 2017 cho thấy, có tới 70,1% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, trong đó 49,4% cho biết rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng.

Ông Trương Công Nhàn - Phụ trách Nông nghiệp xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn: Khi vay vốn tín dụng đều phải tín chấp hoặc thế chấp

Ông Trương Công Nhàn, Phụ trách Nông nghiệp xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội cho biết, nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng, nhưng trên thực tế việc tiếp cận vốn vay vẫn khá khó khăn, còn khoảng cách khá xa. Cụ thể Nghị định 116 năm 2018 quy định tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình khi không có tài sản bảo đảm được vay tối đa 200 triệu đồng. Tuy nhiên, bất cứ cá nhân, hộ gia đình nào khi vay vốn tín dụng cũng đều phải tín chấp hoặc thế chấp tài sản bằng sổ đỏ. Song, trên thực tế, nhiều hộ gia đình chưa được cấp "sổ đỏ" hoặc nhiều hộ có con cháu trưởng thành đã tách hộ nhưng chưa tách "sổ đỏ", hoặc “sổ đỏ” đã được 1 thành viên khác trong gia đình tín chấp do vậy khi vay vốn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính.

Trên thực tế, thời gian qua, nhờ nguồn vốn tín dụng, nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, trang trại có điều kiện mở rộng sản xuất, chăn nuôi; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, khu chăn nuôi tập trung… từng bước hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng hỗ trợ khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất cho vay tuy nhiên do các tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh mà hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương vẫn chịu nhiều rủi ro, không ít cá nhân, hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn, chồng chất khó khăn. Đặc biệt khó khăn nữa là việc nợ nần của người dân đối với các ngân hàng không có tiền trả nợ dẫn đến vay tín dụng đen do người dân tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi nên đời sống càng thêm khó khăn…

Hiện có hơn 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn. Dư nợ đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc đầu tư tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn gặp không ít khó khăn thách thức do sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, quy định về hạn điền trong nông nghiệp thấp. Ngoài ra, vấn đề quy hoạch, kế hoạch và dự báo cung cầu đối với sản phẩm nông nghiệp trên thị trường cũng còn nhiều khó khăn. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về việc người dân, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận với nguồn vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, ngày 09/11/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có công văn số 8533 trả lời chất vấn đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Công văn nêu rõ: Phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn được Chính phủ và ngành ngân hàng xác định là lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, trong đó đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 1,5-2 lần so với Nghị định 41/2010 để đáp ứng nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn của các đối tượng khách hàng. Ngay khi Nghị định 55 ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10 ngày 22 /07/2015 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định 55 và có văn bản 7892 chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai.

Về chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 05 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn từ 1-2% so với lãi suất cho vay thương mại thông thường; mở rộng quy định về mục đích vay vốn và phương thức cho vay phù hợp với thực tế hoạt động tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm cho khách hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chỉ đạo tổ chức tín dụng, Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phối hợp với các tổ chức Hội nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ từ Trung ương đến địa phương, tạo điều kiện đưa vốn vay ngân hàng đến các hội viên để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Đến cuối tháng 09/2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 1.663 nghìn tỷ đồng với 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55 và ban hành Thông tư 25 năm 2018 hướng dẫn các tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, trong đó có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách liên quan đến cho vay tín chấp và tài sản thế chấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tiến cận vốn ngân hàng.

Công văn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng chỉ rõ nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với cá nhân hộ gia đình lên gấp 2 lần (từ 100 triệu đồng lên tối đa 200 triệu đồng). Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, các chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã góp phần thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. Các hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách khi vay vốn không phải thế chấp tài sản, chỉ các tổ chức kinh tế khi vay vốn (trên 50 triệu đồng) thì mới phải thế chấp tài sản theo quy định.

Cần tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên vốn vay cho lĩnh vực nông nghiệp 

Chính sách tín dụng cho ngành nông nghiệp được đánh giá có nhiều đột phá trong những năm gần đây, nhất là từ khi Nghị định 116 ra đời, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015. Tuy nhiên trên thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của phần lớn người nông dân bởi việc cho vay vẫn chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nông dân và doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn này. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần ưu tiên tập trung vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có văn bản chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đại biểu có thể cho biết nội dung chất vấn tập trung ở khía cạnh nào?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Tại kỳ họp thứ 6, tôi đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiếp cận vốn nông nghiệp của người dân theo Nghị định 55 mà hiện nay thay thế sửa đổi bổ sung là Nghị định 116 năm 2018. Khía cạnh tôi tập trung là thời gian qua vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn được quan tâm. Tuy nhiên, người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp cận với nguồn vốn này vẫn còn khó khăn đòi hỏi phải tháo gỡ. Chính vì vậy tôi chất vấn nội dung này đối với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng này.

Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, đại biểu có ý kiến như thế nào về nội dung trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xung quanh những vấn đề đại biểu đã chất vấn?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Cơ bản tôi đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong phần trả lời Thống đốc đã khái quát tình hình cho vay tín dụng đối với phát triển nông nghiệp nông thôn và đặc biệt có những giải pháp cụ thể để trong thời gian tới để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng được thuận lợi hơn.

Phóng viên: Bên cạnh những thuận lợi, việc tiếp cận với nguồn vốn của người dân, doanh nghiệp còn gặp khó khăn, thách thức. Vậy những rào cản này là gì thưa đại  biểu?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Thời gian qua nguồn vốn tín dụng trong nông nghiệp có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 09/2018, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc đạt 1.663 nghìn tỷ đồng với 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ. Như vậy cho thấy quy mô cho vay, quy mô tiếp cận nguồn vốn trong thời gian qua tương đối đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên khó khăn, thách thức hiện nay tập trung vào việc người dân doanh nghiệp khi tiếp cận với nguồn vốn phải thế chấp tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, tài sản bị định giá ở mức độ thấp so với giá trị thị trường và cho vay với tỷ lệ 70% định giá khiến nhiều người dân, doanh nghiệp không có đủ tài sản tích lũy để thế chấp. Khó khăn nữa là thủ tục hành chính còn có một số bất cập...

Phóng viên: Ngoài những giải pháp Thống đốc Ngân hàng nhà nước đưa ra, đại biểu có đề xuất gì để góp phần thực hiện chính sách tín dụng nông nghiệp đạt hiệu quả cao?

Đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Trong trả lời của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những giải pháp hết sức cụ thể. Về góc độ cá nhân, tôi mong muốn Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn cho người dân cũng như doanh nghiệp. Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách quy định về cho vay, cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu vay vốn của người dân. Bên cạnh đó đề nghị Ngân hàng ưu tiên mở các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ở vùng sâu, vùng xa, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn được biết những ưu đãi chính sách của ngân hàng để thu hút người dân, doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn này.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Trong khi dân cư tập trung tại khu vực nông thôn chiếm trên 70% dân số nhưng tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng chưa đạt đến 25% vào năm 2017, điều này cho thấy thị trường tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa được chú trọng đúng mức. Và để nguồn vốn chảy mạnh hơn nữa, các bộ, ngành cần phối hợp với các địa phương chỉ đạo thực hiện tốt các mô hình liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ; ổn định và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân. Thực hiện tái cơ cấu kinh tế phải gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Có như vậy kinh tế nông nghiệp, nông thôn mới thực sự có bước phát triển mạnh mẽ và bền vững./.

Lê Phương