Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 106f64a1-99c3-90f0-dd35-daf3821c22be.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH HOÀNG THỊ HOA: TIẾP TỤC ĐƯA HÁT XOAN VÀO TRONG TRƯỜNG HỌC

27/05/2019

Trong dòng chảy văn hoá của dân tộc, những làn điệu dân ca luôn thể hiện một tính chất rất riêng, mang đặc trưng của mỗi vùng, miền. Với Bắc Ninh có dân ca Quan họ, Thái Bình có hát Chèo, Nam Trung Bộ có hát Bài Chòi hay Miền Tây Nam Bộ có Đờn ca Tài tử… Còn nói đến Phú Thọ, vùng đất tổ Vua Hùng, nổi lên với di sản hát Xoan - loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố.

Trình  diễn hát Xoan Phú Thọ

Hát Xoan gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Là một hình thức âm nhạc phong tục phát sinh từ thời kỳ nhà Lê, hát Xoan gồm có 3 chặng: Hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên. Hát nghi lễ để tưởng nhớ các Vua Hùng, các vị thần, những người có công với dân, với nước và tổ tiên của các dòng họ. Hát quả cách nhằm ca ngợi thiên nhiên, con người, đời sống sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng. Hát hội hay còn gọi là hát giao duyên bày tỏ khát vọng trong cuộc sống, tình yêu nam nữ được thể hiện qua hình thức hát đối đáp giữa trai, gái làng và các đào, kép của phường Xoan.

Nguồn gốc của Hát Xoan có nhiều cách giải thích bằng huyền thoại được đặt vào thời các Vua Hùng dựng nước. Trải qua tiến trình phát triển của lịch sử, từ thời đại dựng nước Văn Lang đến nay hát Xoan vẫn tồn tại và đang hiện diện với nghệ thuật đặc sắc riêng biệt: Hát thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh và các nhân vật tiêu biểu thời đại Hùng Vương; hát trước cửa đình và hát vào mùa xuân; hát lễ và hát đám. Nét đặc sắc hơn cả của Hát Xoan là khi múa có hát và ngược lại khi hát có múa và trong âm vang tiếng nhạc cụ chỉ là một chiếc trống da… nên hát Xoan còn bảo lưu được nhiều yếu tố cổ thuộc tầng sâu của văn hóa dân gian thời đại bình minh lịch sử dựng nước của dân tộc.

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Hát Xoan là loại hình diễn xướng dân gian của người Việt ở Phú Thọ, các làng Xoan gốc đều là những ngôi làng cổ nằm trên địa bàn trung tâm nước Văn Lang như: Kim Đái, Phù Đức, Thét (xã Kim Đức), An Thái (xã Phượng Lâu), thành phố Việt Trì. Hát Xoan còn được gọi là khúc môn đình, tức là hát trong cửa đình là những đình thờ Hùng Vương cho nên lời ca của hát Xoan gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Suốt chiều dài lịch sử, hát Xoan đã được các thế hệ nghệ nhân nối tiếp nhau gìn giữ, hoàn thiện và truyền dạy, trở thành nghệ thuật dân gian hát múa phong phú với hình thức biểu diễn nghệ thuật vừa chặt chẽ vừa cởi mở. Chặt chẽ trong chặng hát nghi lễ, cởi mở trong chặng hát quả cách và hát giao duyên. Chính nhờ hình thức nghệ thuật độc đáo này mà Hát Xoan được cộng đồng đón nhận và trở thành định lệ trong nghi thức thờ thần trong khắp các không gian thờ cúng Vua Hùng ở Phú Thọ.

Bảo tồn và phát huy giá trị của hát Xoan

Với những giá trị nổi bật, năm 2011, UNESCO đã đưa hát xoan vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Ngày 8/12/2017, UNESCO đã chính thức đưa hát Xoan Phú Thọ ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là trường hợp đầu tiên và duy nhất trên thế giới từ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp được ghi nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể đai diện của nhân loại. Sự kiện này cũng đánh dấu thành công bước đầu của tỉnh Phú Thọ và của cộng đồng đã nỗ lực, quyết tâm triển khai nhiều hoạt động nhằm khôi phục và phát triển loại hình văn hóa riêng độc đáo này.

Sau khi hát xoan trở thành văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Phú Thọ tiếp tục có những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị hát xoan. Chủ trương bồi dưỡng các lớp nghệ nhân kế cận, mở các lớp Xoan trong cộng đồng, thành lập các câu lạc bộ hát Xoan và đưa hát Xoan vào trường học luôn được chính quyền và cộng đồng quan tâm. Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Tỉnh Phú Thọ đã tiến hành đào tạo, bồi dưỡng các nghệ nhân. Đối với hát xoan, từ chỗ chỉ có 7 nghệ nhân thì đến nay đã có gần 300 nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát Xoan. Số lượng nghệ nhân sinh hoạt trong các câu lạc bộ Xoan gốc đã không ngừng được nâng lên. Đến nay đã có hàng chục câu lạc bộ với hàng nghìn thành viên. Ngoài các câu lạc bộ được tỉnh công nhận thì các xã, phường cũng đã thành lập hơn 100 câu lạc bộ với hơn 1000 thành viên.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, trong xu thế hội nhập hiện nay và trước sự quay lưng của phần lớn giới trẻ chạy đua theo thị hiếu thì loại hình hát Xoan cần được bảo tồn, lưu giữ như thế nào, phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về vấn đề này:

Đại biểu Hoàng Thị Hoa:Tiếp tục đưa hát Xoan vào trong trường học

Phóng viên: Sau 6 năm bảo vệ khẩn, đến năm 2017 hát Xoan mới được Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chính thức đưa ra khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự chuyển đổi này có ý nghĩa như thế nào thưa đại biểu?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Những tiêu chí đưa ra đối với hát Xoan của Phú Thọ từ việc phải bảo vệ khẩn cấp đến công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là cả một quá trình, trong đó có nhiều tiêu chí như kế thừa, truyền dạy và thực hiện theo cam kết khi chúng ta đề xuất.

Ngay sau khi hát Xoan được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Phú thọ đã rất tích cực và có những cơ chế để các nghệ nhân dành hết tâm huyết của mình để truyền dậy hát Xoan cho thế hệ trẻ trong trường học, khu dân cư và trong các sinh hoạt cộng đồng. Sau 6 năm, những nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ đã được UNESCO công nhận hát Xoan là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần tôn vinh các giá trị, đạo lý của Việt Nam, khẳng định vị thế dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Đây cũng là một thành công rất lớn đối với Việt Nam nói chung và đối với tỉnh Phú Thọ nói riêng, thể hiện những nỗ lực lớn của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục khả năng trường tồn của hát Xoan.

Phóng viên: Ngay sau khi hát Xoan chính thức thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và được Unesco công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Phú Thọ đã đưa loại hình nghệ thuật này trở thành một sản phẩm du lịch và trở nên gần gũi hơn với cộng đồng. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Những nước phát triển trên thế giới và các công trình nghiên cứu đã khẳng định văn hóa là tài nguyên của du lịch. Người đi du lịch phải tìm đến loại hình du lịch văn hóa và hát xoan cũng là một trong những nội dung đó. Nếu nói du lịch nói chung thì có du lịch tài nguyên thiên nhiên, những cảnh quan, môi trường đẹp, hang động đẹp…nhưng văn hóa là một trong những tài nguyên để phát triển du lịch. Do vậy khi hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì việc đưa hát Xoan trở thành sản phẩm du lịch là chủ trương đúng đắn và đúng hướng trong hội nhập quốc tế hiện nay. Bởi tất cả những di sản được UNESCO công nhận đều là bản đồ du lịch. Những người đi du lịch xem bản đồ di sản ấy để tìm đến vùng có di sản tham quan.

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã và đang tích cực bảo tồn di sản hát Xoan gắn với phát triển du lịch. Hàng trăm điểm di tích liên quan đến Hát Xoan, gắn với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được tôn tạo, trở thành không gian diễn xướng Xoan độc đáo, nhờ đó mà hàng triệu du khách trong và ngoài nước tới tham quan và thưởng ngoạn.

Phóng viên: Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Di sản hát Xoan cần phải gắn bó chặt chẽ với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan có từ thời vua Hùng của Việt Nam và đều đã được UNESCO công nhận là những di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hát Xoan từ tên gọi, nguồn gốc ra đời đều gắn chặt và hòa quyện với các truyền thuyết liên quan tới thời Hùng Vương, trong hát Xoan có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có hát Xoan. Hát Xoan vốn gắn liền với các di tích có liên quan đến thờ cùng vua Hùng, ngược lại tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gốc hình thành nên làn điệu Xoan. Do vậy bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa hát Xoan cần gắn bó chặt chẽ với không gian văn hóa tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng là cần thiết, qua đó tạo điều kiện cho các nghệ nhân, câu lạc bộ hát xoan có không gian trình diễn, đồng thời tạo nên sức sống mãnh liệt để hai di sản cùng song song tồn tại, phát triển.

Phóng viên: Theo đại biểu, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp như thế nào để hát Xoan tỉnh Phú Thọ được bảo tồn và phát huy giá trị cao quý của loại hình nghệ thuật độc đáo này?

Đại biểu Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng: Để bảo tồn và phát huy loại hình dân ca này chúng ta tiếp tục đưa hát Xoan vào trong trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc để thế hệ trẻ sau này đều biết và thực hành được loại hình dân ca này. Bên cạnh tôn vinh những con người hát Xoan, những nghệ nhân hát xoan thì cũng có hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc nghiên cứu, bảo tồn hát Xoan. Ngoài ra cũng cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho phường Xoan, câu lạc bộ mở các lớp truyền dạy hát Xoan. Bên cạnh đó cần xây dựng các điểm du lịch cộng đồng, đưa dân ca hát Xoan gắn với các di sản văn hóa tiêu biểu của từng địa phương./.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Phương