Đại biểu Điểu Huỳnh Sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về chế độ, chính sách cho cán bộ không chuyên trách ở cơ sở
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Bộ Nội vụ đã nhận được Phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang với nội dung: “Sự phát triển kinh tế xã hội và sự ổn định của hệ thống chính trị ở cơ sở có phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ không chuyên trách. Họ thật sự là những viên gạch nền để xây dựng chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, thực tế do nhiều bất cập trong quy định mức hỗ trợ; việc bồi thường sắp xếp, bố trí công việc gặp nhiều khó khăn, bất cập. Vậy, giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới như thế nào để phát huy tốt đội ngũ cán bộ không chuyên trách có tâm huyết và trình độ để xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh”.
Ngày 15/11/2018, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5597 trả lời đại biểu Điểu Huỳnh Sang:
1. Về chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách
Về chế độ phụ cấp:
Ngày 8/04/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 29/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo đó, những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố được hưởng phụ cấp; đồng thời Chính phủ đã giao cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể về số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với từng chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố từ nguồn kinh phí khoán quỹ phụ cấp của ngân sách Trung ương và nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm tương quan hợp lý với hệ số lương của cán bộ công chức cấp xã, khuyến khích những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ.
Về chế độ đào tạo, bồi dưỡng:
Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 nêu trên đã quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện đảm nhiệm; khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, được hưởng chế độ như cán bộ, công chức cấp xã.
Về các chế độ khác:
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đã quy định người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc (chế độ hưu trí và tử tuất).
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn đại biểu Điểu Huỳnh Sang
2. Về sắp xếp, bố trí công việc đối với người hoạt động không chuyên trách.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Ban Chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ghi: “Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ trung ương tới cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức cấp xã”.
Ngày 29/12/2017, Bộ Nội vụ có Tờ trình số 6973/TTr-BNV trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố. Ngày 13/02/2018 Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 67/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về dự thảo Nghị định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 92/2009/NĐ-CP và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP nêu trên theo hướng khuyến khích việc kiêm nhiệm nhằm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, đồng thời tạo điều kiện động viên cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tổ dân phố trong thực thi nhiệm vụ./.