Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: ec4464a1-b924-90f0-19a0-5d41df810b78.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

NÂNG CAO HIỆU QUẢ LẤY Ý KIẾN NGƯỜI DÂN TRONG XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT

06/10/2018

Lấy ý kiến người dân, đối tượng tác động là một trong những quy trình bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Việc lấy ý kiến người dân nhằm giúp cho các chính sách được đề xuất sau khi luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai hoạt động tổ chức lấy ý kiến người dân trong xây dựng chính sách, pháp luật thời gian qua vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Hội nghị Góp ý kiến dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

Mặc dù lấy ý kiến đối tượng tác động là một quy trình quan trọng đã được luật hóa nhưng dường như chưa được các cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức. Trên thực tế, việc thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thực sự đạt được kết quả như mong muốn. Ông Lưu Huy Vinh - cán bộ hưu trí cư trú tại khu tập thể H5, Phường Láng Hạ, Quận Đống Đa thành phố Hà Nội chia sẻ, khi nào có hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề hay văn bản xin ý kiến vào dự thảo luật, ông đều tích cực tham gia. Tuy nhiên, theo ông đánh giá, hoạt động xin ý kiến trực tiếp người dân vào quy trình ban hành văn bản diễn ra rất hiếm hoi. Ông thường phải chủ động tìm hiểu các dự thảo luật trên các website, Cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành. Cũng mong muốn tìm hiểu, tham gia góp ý vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật, nhưng ông Nguyễn Trọng Phúc, một cử tri tại quận Hoàn Kiếm cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến hiện nay còn mang tính hình thức khiến người dân chưa mặn mà. Bên cạnh đó, các hình thức tổ chức lấy ý kiến còn rất hạn chế, khiến người dân khó tiếp cận.

Thực tế, hiện nay việc lấy ý kiến chủ yếu được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước. Có những dự thảo đăng tải trên cổng thông tin điện tử nhưng số lượng truy cập thấp và hầu như không có ý kiến góp ý xây dựng luật. Việc tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan còn nặng về hình thức, nhiều cơ quan được lấy ý kiến chưa làm hết trách nhiệm, thường chỉ có ý kiến vào nội dung có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực mình phụ trách, làm giảm chất lượng dự thảo văn bản pháp luật. Theo đánh giá của nhà báo Nguyễn Minh Phong - Báo Nhân dân, dường như đang có xu hướng coi nhẹ và hình thức hóa việc lấy ý kiến tác động. Điều này đang trực tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng xây dựng luật cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của những đối tượng do luật tác động. Thời gian tới cần phải thực hiện nghiêm hơn động thái về lấy ý kiến, bao gồm thời gian đủ dài, đối tượng lấy đủ rộng và đặc biệt việc tiếp thu phải đủ nghiêm túc để đảm bảo chất lượng của văn bản trong quá trình xây dựng, ban hành luật.

Nhà báo Nguyễn Minh Phong

Một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hạn chế trong hoạt động lấy ý kiến là do hình thức lấy ý kiến chưa đa dạng, phong phú, chưa thu hút được sự tham gia của người dân, dẫn tới nhiều văn bản khi đã ban hành rồi hay chuẩn bị được ban hành vẫn còn nhận được nhiều ý trái chiều, thậm chí phản ứng gay gắt từ cộng đồng.

Có thể thấy, việc lấy ý kiến của các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật, của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây chính là kênh thông tin quan trọng để xây dựng chính sách, pháp luật. Vậy đâu là giải pháp để nâng cao hiệu quả lấy ý kiến và làm gì người dân có nhiều cơ hội hơn  tham gia vào quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; góp phần xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, hiệu quả và khả thi. Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội.

Phóng viên: Thưa đại biểu, lấy ý kiến người dân, đối tượng tác động là một trong những quy trình quan trọng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về thực tiễn quá trình lấy ý kiến thời gian qua?

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Trong thời gian vừa qua, khi áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong xây dựng các chính sách, pháp luật, về cơ bản được thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, có nhiều dự án luật, công tác đánh giá tác động và lấy ý kiến tham vấn của cộng đồng và đặc biệt lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động nhiều khi thực hiện chưa nghiêm túc. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng thời gian thực hiện lấy ý kiến quá ngắn và quá gấp nên chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của công chúng. Những bất cập này làm cho chất lượng công tác lấy ý kiến chưa cao, mang tính hình thức bởi vậy một số điều luật khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn không khả thi.

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Trong thực tiễn vừa qua, việc lấy ý kiến nhân dân trong khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn mang tính hình thức chưa tạo cho người dân thói quen mặn mà với việc đóng góp ý kiến. Chỉ có điều liên quan đến lợi ích của bộ phận nào thì bộ phận đó mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã quy định rất chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, pháp lệnh hay nghị định, các văn bản dưới luật. Theo đó, trong quy trình đều có yêu cầu bắt buộc phải đánh giá tác động và có tham vấn ý kiến của người dân khi đưa ra chính sách mới, quy phạm mới để đảm bảo tạo được sự đồng thuận và tính khả thi khi ban hành quy định pháp luật. Tuy nhiên, thời gian qua mặc dù các cơ quan có thẩm quyền dường như chưa quan tâm đúng mức đến việc lấy ý kiến người dân, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập trong công tác triển khai lấy ý kiến.

Phóng viên: Thưa đại biểu, để thu hút sự tham gia của công chúng cũng như nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến người dân trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cần thực hiện những giải pháp cơ bản như thế nào?

Đại biểu Phan Thái Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: Công tác lấy ý kiến cần phải sát với thực tiễn, bằng những biện pháp phù hợp với từng đối tượng tác động cụ thể. Cần lưu ý, việc lấy ý kiến của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa thì không thể lấy ý kiến qua Cổng thông tin mà phải lấy ý kiến tận khu dân cư, cộng đồng để mọi đối tượng tiếp cận được văn bản khi còn là dự thảo. Điều quan trọng hơn là phải tuyên truyền, giải thích cho người dân, đối tượng bị tác động hiểu được quy định tại dự thảo để người dân tham gia ý kiến. Đồng thời, phải dành khoảng thời gian hợp lý để người dân có thể nghiên cứu, trao đổi, phản biện. Thực hiện tốt quy trình lấy ý kiến thì luật ban hành mới đảm bảo tính khả thi, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: Tôi cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến muốn hiệu quả, có chất lượng thì phải có sự tương tác. Thực tế, khi nhân dân nhiều nơi trong cả nước có ý kiến phản đối Luật đặc khu kinh tế, Luật an ninh mạng thì Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tiếp xúc cử tri mang tính chuyên đề, để có sự đối thoại, phản biện. Từ đó, giúp người dân hiểu rõ bản chất, nội dung của quy định tại dự thảo. Do đó, nên chú trọng việc lấy ý kiến bằng tọa đàm, hội thảo thì chất lượng cao sẽ hơn. Bên cạnh đó, các cơ quan, bộ ngành khi được xin ý kiến cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc đưa ra ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Cách thức mà chúng ta lấy ý kiến của nhân dân là điều đáng phải bàn. Cần nghiên cứu việc tổ chức lấy ý kiến như thế nào? đối tượng ra sao? mức độ như thế nào?. Đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Ví dụ, chúng ta có thể lấy thông qua các trang thông tin điện tử, qua các cuộc điều tra xã hội học hoặc là thông qua các cuộc tọa đàm, sinh hoạt cộng đồng. Như vậy, cần căn cứ tùy theo tính chất và mức độ của quy phạm pháp luật có thể tác động đến đối tượng nào để việc lấy ý kiến được hiệu quả. Đồng thời, cần mở rộng, phát huy trí tuệ toàn dân, đặc biệt là đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia, cơ quan chuyên môn có trách nhiệm, tránh hình thức.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các Đại biểu!

 

 

Lê Anh