Đại biểu Quốc hội Ngàn Phương Loan - Lạng Sơn phát biểu tại Hội trường
Trước yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng công an trong giai đoạn mới. Đặc biệt với nhiệm vụ tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Công an nhân dân là cần thiết. Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án luật, báo cáo của cơ quan thẩm tra, đại biểu có một số ý kiến sau:
Một, về cấp bậc hàm cao nhất của thiếu tướng đối với Giám đốc công an cấp tỉnh. Đại biểu tán thành với loại ý kiến thứ hai trong Báo cáo số 705 ngày 4 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Bộ Công an đang điều chỉnh bộ máy tinh gọn, tăng cường cho cơ sở. Chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, cơ cấu được thực hiện ở 4 cấp chính quy. Để bảo đảm thực hiện chủ trương giải quyết vụ việc ngay từ cơ sở nên bố trí lực lượng quân số ở địa phương là lớn. Bảo đảm điều kiện và tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, Giám đốc công an tỉnh là cấp dưới trực tiếp của chức danh thứ trưởng. Là nguồn cho công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược của Đảng, Nhà nước và lực lượng công an nhân dân. Hơn nữa, Bộ Công an đang xây dựng mô hình tổ chức mới, giảm số lượng tổng cục và đơn vị cấp cục, do đó việc đề xuất này sẽ không làm tăng số lượng cấp tướng trong lực lượng công an.
Toàn cảnh phiên họp sáng 14/6
Thứ ba, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về vị trí việc làm, cơ cấu hàm cấp sỹ quan và khung năng lực theo danh mục, vị trí việc làm thì Giám đốc công an cấp tỉnh có vị trí việc làm quan trọng trong lực lượng công an nhân dân và trong hệ thống chính trị ở địa phương. Nhất là trong bối cảnh sự chống phá của các thế lực thù địch, phản động ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn trong điều kiện phát triển bùng nổ của hệ thống thông tin truyền thông toàn cầu, chiến tranh mạng như phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu. Đại biểu đề nghị nghiên cứu xem xét lại quy định tại điểm d khoản 1 Điều 26 cho phù hợp thực tế.
Hai, tại Điều 174 đại biểu thống nhất việc thiết kế điều này. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu rà soát nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của luật này với các luật khác có liên quan nhất là quy định về thẩm quyền của chính quyền địa phương, đơn cử như điểm a,b,c khoản 1 Điều 14 chưa thống nhất với điểm b khoản 1 Điều 19, điểm b khoản 1 Điều 26, khoản 2 Điều 33 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Ba, khoản 17 Điều 17 dự thảo luật quy định: "Công an nhân dân có nhiệm vụ thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội khi có tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp hoặc khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp theo quy định". Theo đại biểu, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu là chỉ khi xảy ra một trong 3 tình huống trên công an nhân dân mới thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Trong khi đó, ngay Điều 16 dự thảo luật quy định đây là chức năng của công an nhân dân vì vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu viết lại khoản 17 Điều 17 của dự thảo luật để thống nhất trong cách hiểu về nhiệm vụ, quyền hạn và chức năng của lực lượng công an nhân dân.