Đại biểu Quốc hội Y Khút Niê - Đắk Lắk trong phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt
Tham gia góp ý dự án Luật Trồng trọt , đại biểu Y Khút Niê có một số ý kiến sau:
Thứ nhất về sự cần thiết phải ban hành Luật Trồng trọt, đại biểu nhất trí và tán thành với tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt. Tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của dự thảo luật với hệ thống pháp luật và tính tương thích của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định phạm vi điều chỉnh bao gồm: giống, cây trồng, phân bón, trình độ canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, mua, bán, xuất nhập khẩu sản phẩm trồng trọt và quản lý nhà nước về trồng trọt v.v... Theo đại biểu, phạm vi điều chỉnh của dự án luật quy định như trên chưa hợp lý, vừa thiếu lại vừa đủ.
Thiếu trong lĩnh vực trồng trọt, ông cha ta xưa có câu "nhất nước nhì phân, tam cần tứ giống". Như vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này mới chỉ đề cập đến 3 yếu tố quan trọng trong quá trình sản xuất để tạo ra sản phẩm ngành trồng trọt có chất lượng, đó là giống, phân bón và trình độ canh tác của tổ chức và người nông dân. Ba yếu tố này theo tôi cơ bản nhưng chưa đủ, đại biểu đề nghị phạm vi điều chỉnh của luật này cần bổ sung về điều kiện đất đai, nước và thuốc bảo vệ thực vật. Bởi vì, các yếu tố đất đai, nước và bảo vệ thực vật là những yếu tố không thể tách rời trong quá trình sản xuất đối với ngành trồng trọt. Trên cơ sở đó cần có chế định cụ thể, chi tiết về nội dung liên quan đến đất, nước và thuốc bảo vệ thực vật sao cho phù hợp với từng loại cây trồng trong dự thảo luật.
Thừa phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật này quy định bao gồm việc mua, bán sản phẩm trồng trọt, theo đại biểu nội dung này chưa hợp lý, bởi lẽ sản phẩm trồng trọt có chất lượng cao hay không. Theo tôi, do quy trình sản xuất có tốt, khép kín bắt đầu từ khâu làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo vệ sản phẩm sau thu hoạch có tốt hay không.
Còn quá trình giao thương, vận chuyển sản phẩm trồng trọt từ nơi này đến nơi khác phục vụ người tiêu dùng lại phụ thuộc lĩnh vực ở ngành khác, không hoàn toàn phụ thuộc vào trong quá trình công tác của ngành trồng trọt. Với những phân tích trên, đại biểu đề nghị không cần thiết quy định việc mua, bán sản phẩm ngành trồng trọt vào trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung thảo luận
Những vấn đề cụ thể của dự thảo luật, đại biểu xin tham gia một số nội dung như sau:
Một, về chiến lược phát triển ngành trồng trọt quy định tại Điều 5. Tại khoản 1 Điều 5 quy định chiến lược phát triển ngành trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp, bởi lẽ với một số loại cây trồng như ca cao, cà phê, cao su, điều v.v... thông thường có chu kỳ sinh trưởng và phát triển lên đến 20 năm, 30 năm v.v... Như vậy, chiến lược phát triển đối với loại cây trồng này sẽ được quy hoạch như thế nào cho phù hợp. Theo đại biểu, nội dung này nên quy định theo hướng chiến lược phát triển ngành trồng trọt được xây dựng chu kỳ cho 10 năm, 20 năm, 30 năm và định hướng 40 năm. Quy định như vậy sẽ mở rộng tùy theo tình hình cụ thể của từng địa phương có loại cây trồng nào, địa phương đó sẽ cụ thể hóa chiến lược phát triển ngành trồng trọt của địa phương mình một cách linh hoạt, phù hợp hơn với quy định của pháp luật.
Hai, về chính sách của nhà nước đối với trồng trọt quy định tại Điều 6. Đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung quy định như trong dự thảo luật. Tuy nhiên, trong thực tế, sảm phẩm trồng trọt luôn thường bị tác động bởi các yếu tố về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, sự chi phối và ép giá của thị trường rất gay gắt khi được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, v.v... Theo đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của nhà nước trong việc quy hoạch tổng thể về quy mô sản xuất cho từng vùng, miền, địa phương cho phù hợp với từng loại cây trồng cụ thể. Quan trọng hơn, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bình ổn giá đối với một số mặt hàng nông sản chủ lực có tính chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức, cá nhân, người nông dân sản xuất, trồng trọt yên tâm sản xuất và phát triển cây trồng một cách bền vững.
Ba, những hành vi bị cấm, đại biểu cơ bản đồng tình với quy định tại Điều 8. Trong 12 nội dung được quy định về những hành vi bị cấm trong dự thảo luật. Tuy nhiên, một số nội dung giữa các khoản, điều trong dự thảo luật được thể hiện tương đối trùng nhau. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, biên tập lại sao cho ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Mặt khác, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung một khoản về hành tại Điều 8, đó là: "việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục thuốc không được phép lưu hành và sử dụng. Thuốc bảo vệ thực vật có tính chất lưu truyền lâu trong sản phẩm trồng trọt".
Tại điểm d khoản 1 Điều 9 quy định về quyền của tổ chức, cá nhân trong nghiên cứu, chọn, tạo giống mới. Nội dung tại điểm d dự thảo luật quy định như sau: được sử dụng các giống cây trồng không thuộc danh mục các giống cây trồng bị cấm theo quy định của pháp luật về vật liệu chọn, tạo giống cây trồng mới. Theo đại biểu, các loại giống cây trồng không thuộc danh mục bị cấm sử dụng là đương nhiên mọi tổ chức cá nhân được phép sử dụng và như vậy, nội dung này không nhất thiết phải được quy định vào trong dự thảo luật này.