Đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Dung - Long An tham gia cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Đại biểu bày tỏ sự thống nhất của mình đối với việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam thay thế cho Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008, vì sau hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành, Cảnh sát biển Việt Nam cơ bản đảm bảo thực hiện được chức năng và nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, hiện nay tình hình trên biển có những diễn biến mới, trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đã đặt ra những nội dung, nhiệm vụ mới cho Cảnh sát biển Việt Nam. Song song đó, Cảnh sát biển Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập do địa bàn hoạt động rộng, lực lượng trải dài trên cả nước, điều kiện công tác, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, trong khi chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam rất nặng nề, yêu cầu cao, đặc biệt lại thực hiện trong môi trường vùng biển nhạy cảm luôn tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, hoạt động cướp biển, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tội phạm ma túy, ô nhiễm môi trường trên biển có chiều hướng gia tăng, an ninh hàng hải, khí hậu thời tiết trên biển diễn biến ngày càng phức tạp, tất cả điều đó đã đặt ra yêu cầu cần phải có một hành lang pháp lý toàn diện để xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao để thực thi pháp luật trên biển.
Chính vì vậy, đại biểu rất quan tâm và có ý kiến về các quy định, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Cảnh sát biển Việt Nam trong dự thảo luật.
Vấn đề thứ nhất, đại biểu thống nhất với quy định về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 8 của dự thảo luật theo nội dung trình của Chính phủ. Tuy nhiên, từ quy định chức năng, vị trí này, đại biểu đề nghị cần có bổ sung làm rõ nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định ở khoản 1 Điều 9 của dự thảo luật, là những nhiệm vụ này phải được thực hiện trong phạm vi, chức năng quy định tại Điều 8 và phạm vi hoạt động quy định tại Điều 11 của dự luật.
Vấn đề thứ hai, tại Điều 11 của dự luật đại biểu thống nhất việc quy định phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam được rõ hơn, mở rộng hơn là trong vùng biển Việt Nam và vùng biển ngoài vùng biển Việt Nam để đồng bộ với chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay, đặc biệt là trong hoạt động hợp tác quốc tế, trong tình trạng tranh chấp chủ quyền của các vùng biển trong khu vực ngày càng gay gắt. Các hoạt động thăm dò, khai thác tài nguyên, thủy sản trái pháp luật của những tàu, thuyền nước ngoài diễn ra phức tạp. Cũng như khắc phục được những hạn chế của quy định hiện hành. Tại Điều 3 của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam chỉ quy định phạm vi hoạt động trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ, xem xét lại nội dung, trong trường hợp vì mục đích nhân đạo, hòa bình, đấu tranh phòng chống tội phạm vi phạm khác Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động ở địa bàn liên quan, khi đối chiếu với khoản 6 Điều 3 của dự thảo luật thì cụm từ "địa bàn" liên quan được giải thích là nơi thuộc lãnh thổ Việt Nam có cá nhân, tổ chức trực tiếp thực hiện hoặc liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật trong vùng biển Việt Nam.
Trong điều kiện phát triển công nghệ thông tin như hiện nay thì bất cứ ở nơi nào đất liền trên biển, trong nước, ngoài nước đều có thể điều khiển từ xa hoặc trực tiếp thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, chúng ta còn có quy định một cơ chế phối hợp tham gia giữa Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan chức năng khác trong điều tra xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Do đó, với giải thích cụm từ "địa bàn liên quan" như dự thảo thì phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam là không có giới hạn.
Vấn đề thứ ba, đại biểu thống nhất với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ, trường hợp được nổ súng quy định tại Điều 14, Điều 15 của dự thảo luật. Qua rà soát, đối chiếu thì những quy định này là hoàn toàn phù hợp và đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành. Đặc biệt Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tại Điều 22 và Điều 23 và luật này sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2018 tới đây.
Vấn đề thứ tư, từ chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam như nêu trên, đại biểu đề nghị cần rà soát bổ sung, thiết kế lại các mối quan hệ phối hợp của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các cơ quan, đơn vị được quy định tại mục 2 Chương IV của dự thảo luật. Khi dự thảo luật thiết kế 5 điều, từ Điều 26 đến Điều 30 để liệt kê trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, còn các bộ, ngành khác thì sao, có phối hợp không? Ví dụ Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp v.v...vì còn liên quan hoạt động như hợp tác quốc tế, truyền thông, tuyên truyền du lịch trên biển, xử phạt hành chính liên quan các hoạt động biển. Đặc biệt mối quan hệ phối hợp với chính quyền địa phương ven biển là vô cùng quan trọng. Mặt khác dự thảo luật chưa đề cập cơ chế, phương pháp, cách thức để thực hiện phối hợp, dự thảo chỉ quy định đến nội dung và nguyên tắc phối hợp và không giao cho Chính phủ quy định chi tiết vì nội dung này rất quan trọng sẽ là cơ sở để xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện phối hợp khi có vấn đề xảy ra trên biển.