Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp phát biểu tại hội trường
Góp ý vào dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Phạm Văn Hòa tham gia một số ý kiến như sau:
Một, đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự thảo luật này nhằm góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh và xây dựng các lực lượng trên biển, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của lực lượng cảnh sát, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên biển.
Hai, về nguyên tắc hoạt động, đại biểu nghĩ rằng đơn vị cảnh sát biển là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo theo Luật Quốc phòng và theo chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cho nên khoản 1 Điều 4 ghi trong dự thảo luật là không cần thiết, mà có thể ghi là "Cảnh sát biển Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng đặt dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng" là đủ.
Ba, khoản 3 Điều 4 có đoạn ghi "Theo phân cấp từ cấp Bộ Tư lệnh đến cảnh sát biển đến cấp cơ sở nhưng theo đại biểu, cấp cơ sở là xã, phường, thị trấn, trong luật ghi "Tổ chức cảnh sát biển đến cơ sở" là chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm.
Bốn, khoản 2 Điều 6 "Tổ chức, công dân Việt Nam tham gia thực hiện nhiệm vụ huy động người, phương tiện của cảnh sát biển" là cần thiết, nhưng đề nghị cũng phải nói rõ bắt buộc tham gia, đóng góp trong trường hợp cụ thể để tránh tùy tiện, làm khó cho tổ chức, cá nhân, phương tiện tham gia.
Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội
Năm, đề nghị giữ nguyên Chương II trong dự thảo luật, vì chương này có 3 điều, ghi như vậy sẽ định hình xác định rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển. Tuy nhiên, cần nói rõ nhiệm vụ nào là chủ trì, nhiệm vụ nào là phối hợp để không trùng lắp với các lực lượng có nhiệm vụ trên biển như hải quân, bộ đội biên phòng, kiểm ngư và công an.
Sáu, Điều 13: "Tuần tra kiểm soát", khoản 1 đại biểu thống nhất cảnh sát biển có quyền như dự thảo luật quy định nhưng rõ hơn là không được tùy tiện nghi ngờ là kiểm tra kiểm soát sẽ vi phạm quyền của công dân, ảnh hưởng hoạt động trên biển của công dân Việt Nam cũng như người nước ngoài. Mặt khác, các tổ chức, đơn vị như hải quân, kiểm ngư, thanh tra, hàng hải v.v...có phải là đối tượng bị kiểm tra hay không, nếu bị phát hiện hoạt động bất hợp pháp nếu là đối tượng cũng phải nói rõ, tránh xung đột.
Bảy, mục 2 Chương IV phối hợp hoạt động giữa lực lượng công an phối hợp với công an ở khoản 1 mục a và khoản 2 mục c đại biểu nghĩ ngoài hải quân, biên phòng thì 2 lực lượng cảnh sát biển và công an có nhiệm vụ và quyền hạn cao nhất về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên biển cho nên cần phân biệt rõ hơn vấn đề này để không có xung đột trong thực thi nhiệm vụ, việc nào của công an, việc nào của cảnh sát biển cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng khác từ Điều 26 đến Điều 30.
Tám, Chương V đảm bảo hoạt động chế độ, chính sách đối với cảnh sát biển, đại biểu đề nghị bỏ chương này vì từ Điều 37 đến Điều 39 đã có quy định trong dự thảo luật rồi, còn Điều 40 đã có quy định trong Luật Sỹ quan và Luật Quân nhân chuyên nghiệp. Còn Điều 41 đã có quy định trong Luật Nghĩa vụ quân sự. Riêng Điều 42 đào tạo, bồi dưỡng cảnh sát biển, cán bộ, chiến sỹ đề nghị đưa vào Điều 5 xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cho phù hợp.
Chín, Điều 46 trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, theo đại biểu, nên thiết kế lại là quan hệ phối hợp trong chỉ đạo tổ chức thực hiện tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất cho cảnh sát biển hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực là đủ, không nhất thiết nêu cụ thể như khoản 1 sẽ khó cho chính quyền địa phương.