Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Tùng - TP Hải Phòng tham gia cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Về nội dung dự thảo luật, đại biểu cơ bản nhất trí phạm vi và đối tượng điều chỉnh được nêu tại Điều 1, 2 trong dự thảo luật. Để đóng góp cho việc hoàn thiện dự thảo luật đại biểu có một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại Điều 4 dự thảo, đại biểu nhất trí với nguyên tắc tại khoản 1 Điều 4. Tuy nhiên, để thống nhất và đồng bộ một số luật liên quan như Luật An ninh quốc gia, Luật Cảnh vệ, Luật Quốc phòng (sửa đổi) vừa thông qua và Luật Công an nhân dân (sửa đổi), đại biểu đề nghị sửa khoản 1 Điều 4 theo hướng gọn hơn, cụ thể là "Cảnh sát biển Việt Nam đặt giữa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của nhà nước, sự chỉ đạo và điều hành của bộ trưởng Bộ Quốc phòng". Đề nghị Ban soạn thảo rà soát chỉnh sửa phạm vi nhiệm vụ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam được quy định tại khoản 3 Điều 4 tránh trùng lắp với nhiệm vụ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tại khoản 1 điều này, nên chuyển cụm từ "trực tiếp" từ khoản 1 sang khoản 3.
Thứ hai, Điều 5 dự thảo luật có tiêu đề: "Xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam" tuy nhiên nội dung lại liên quan nhiều chính sách của nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam vì vậy đại biểu đề nghị đổi tiêu đề của Điều 5 thành: "Chính sách nhà nước đối với hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam". Cụ thể hóa thêm nội dung khoản 1 điều này đồng thời chuyển khoản 2 điều này về: "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam" sang Điều 6. Bổ sung cụm từ "xây dựng" vào tiêu đề Điều 6, sửa tiêu đề điều này thành "Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia gia phối hợp, cộng tác, giúp đỡ và xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam. Phần nội dung liên quan đến chính sách nhà nước trong các khoản 3, khoản 4 Điều 6 đề nghị sắp xếp lại và chuyển về Điều 5. Đại biểu cũng nhất trí quan điểm nhà nước cần có chính sách ưu tiên, ưu đãi đầu tư xây dựng cảnh sát biển cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại.
Thứ ba, về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam, quy định tại Điều 8 trong dự thảo luật, về cơ bản đại biểu nhất trí với nội dung của điều này. Về vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam thực chất thuộc lực lượng vũ trang. Tuy nhiên, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm các nội dung tại Điều 66 của Hiến pháp, Điều 22 của Luật An ninh quốc gia. Khoản 1 Điều 23 của Luật Quốc phòng (sửa đổi) và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để quy định vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam cho phù hợp, đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống lập pháp cũng như thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó đề nghị làm rõ hơn nội hàm, sự ổn định vùng biển trong mục a khoản 2 Điều 8.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận
Thứ tư, về nội dung phối hợp hoạt động trong Chương IV của dự thảo luật, đại biểu nhất trí với vai trò nòng cốt của Cảnh sát biển Việt Nam về phối hợp hoạt động trên biển và với nội dung của Điều 23 trong dự thảo luật, đó là Cảnh sát biển Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo nội dung phối hợp quy định tại Điều 25 trong dự thảo luật và việc phối hợp giữa Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng của Bộ Quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định. Quy định như vậy dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam đã được quy định bởi pháp luật hiện hành cũng như quy mô, năng lực của cảnh sát biển cả về lực lượng và trang thiết bị vũ khí, khí tài trong thực tế và phù hợp với các nội dung quy định tại các Điều 8, Điều 9 của dự thảo luật này.
Đại biểu cũng thống nhất với nguyên tắc phối hợp được nêu tại Điều 24 của dự thảo luật, trong đó nhấn mạnh hai nguyên tắc tại khoản 1 và khoản 5 điều này, đó là căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan, lực lượng theo quy định của pháp luật và trên một vùng biển đối với những vụ việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều lực lượng thì lực lượng nào phát hiện trước lực lượng đó phải xử lý ngay trong phạm vi thẩm quyền của mình và chuyển hồ sơ cho lực lượng có chức năng, nhiệm vụ, chủ trì giải quyết. Đối với những nhiệm vụ thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì lực lượng đó phải chủ trì phối hợp với các lực lượng khác để giải quyết theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng.
Tuy nhiên, các nội dung liên quan đến trách nhiệm của Cảnh sát biển Việt Nam trong phối hợp với các lực lượng thuộc các bộ, ngành quy định từ các Điều 26 đến Điều 30 trong dự thảo luật được lặp đi, lặp lại khá nhiều, ví dụ giữa mục a, khoản 1 Điều 26 với mục a, khoản 1 Điều 27 và mục a, khoản 1 Điều 28; mục a, khoản 1 Điều 29; mục a, khoản 1 Điều 30 hay giữa mục b, khoản 1 Điều 26 với mục b, khoản 1 Điều 29 và giữa mục c, khoản 1 Điều 26 với mục b, khoản 1 Điều 27; mục c khoản 1 Điều 29; mục b khoản 1 Điều 30 hoặc giữa mục d khoản 1 Điều 26 với mục d khoản 1 Điều 27; mục b khoản 1 Điều 29, v.v... Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sắp xếp lại các điều này theo hướng có một điều quy định riêng trách nhiệm phối hợp của Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng và các điều khác quy định trách nhiệm phối hợp của các lực lượng đối với cảnh sát biển. Như vậy, sẽ tránh được việc lặp đi lặp lại trách nhiệm phối hợp của cảnh sát biển như đã đề cập ở trên.
Cuối cùng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành quy định tại Điều 44, 45 trong dự thảo luật cần được cụ thể hóa hơn để làm rõ trách nhiệm của từng bộ ngành liên quan trực tiếp đến hoạt động của cảnh sát biển. Trong đó, ngoài các bộ có lực lượng phối hợp trực tiếp như đã quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 30. Trong dự thảo luật cần bổ sung làm rõ hơn trách nhiệm cụ thể của Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, Ủy ban Quốc gia về tìm kiếm cứu nạn v.v...