Đại biểu Quốc hội Âu Thị Mai - Tuyên Quang phát biểu tại phiên họp
Tham gia ý kiến về chương trình giám sát năm 2019, đại biểu Âu Thị Mai cho biết, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội về đề xuất các nội dung giám sát những vấn đề Quốc hội chọn để giám sát và bám tình hình thực tiễn là những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội thiết thực đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước được cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Các chuyên đề giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức thực hiện từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI có rất nhiều cải tiến, đổi mới, sắp xếp khoa học và có tính chuyên nghiệp cao, nhất là trong việc điều hòa các đoàn giám sát tối cao của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi đến giám sát tại ở các địa phương đã tránh được việc chồng chéo và có sự phù hợp đảm bảo thời gian nội dung và hình thức giám sát.
Về lựa chọn nội dung giám sát tối cao trong năm 2019, đại biểu thấy cả bốn nội dung của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình đều được chuẩn bị công phu, thuyết phục, do vậy cũng rất khó để lựa chọn hai trong bốn nội dung này.
Tuy nhiên, để chương trình giám sát năm 2019 phù hợp với yêu cầu thực tiễn giải quyết những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội thiết thực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, được cử tri cả nước quan tâm, đại biểu lựa chọn hai nội dung, đó là việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2011 - 2018. Việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014 - 2018.
Tổng thư ký Quốc hội trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019
Về sự cần thiết phải giám sát đối với hai nội dung này, Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã phân tích khá cụ thể, đại biểu xin được làm rõ thêm về sự cần thiết phải giám sát tối cao đối với nội dung giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình, mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2011 - 2018.
Theo đại biểu, dân tộc thiểu số nước ta với hơn 13,6 triệu người, chiếm trên 14% dân số cả nước, đồng bào sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 458 huyện thuộc 52 tỉnh, thành phố, trong đó có khoảng 10 triệu đồng bào sinh sống ở biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua Đảng và Nhà nước, các cấp đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào. Tuy nhiên, hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là nơi khó khăn là lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc cao gấp 3 lần mức bình quân chung của cả nước, tức là chiếm khoảng 70% tổng số hộ nghèo của cả nước hiện nay. Còn nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất còn cao.
Theo thống kê hiện có trên 80.000 hộ thiếu đất ở, 221.000 hộ thiếu đất sản xuất. Nhận thức tầm quan trọng phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành rất nhiều chính sách. Có thể thống kê hiện nay có tới hàng trăm văn bản chính sách pháp luật đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, chưa đạt được mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực. Một số chương trình được đầu tư nhưng dàn trải, manh mún dẫn đến hiệu quả chưa cao.
Từ những phân tích nêu trên, rất cần Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2011 - 2018. Để từ đó thấy được thực tiễn các chính sách đã ban hành. Qua đó khắc phục được hạn chế, thiếu sót để có những quyết định, chính sách thiết thực, thỏa đáng hơn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cùng với đó thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền cũng đã có ý kiến tiếp tục nghiên cứu phạm vi, đối tượng áp dụng, tính khả thi của chính sách dân tộc để nghiên cứu xây dựng dự án luật, hỗ trợ và phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi khi có đủ điều kiện sẽ trình Quốc hội xem xét. Như vậy, kết quả giám sát sẽ là một trong những luận cứ sát thực cho việc xây dựng dự án luật để nhằm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cuộc sống tốt hơn.