Nhất trí về những thành tựu kinh tế - xã hội của chúng ta trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2017 và những nỗ lực của Chính phủ để thực hiện cam kết của mình từ đầu nhiệm kỳ. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng những thành tựu đó đã đem lại niềm tin cũng như sự phấn khởi chung cho xã hội. Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội đóng góp vào một số tồn tại mà Chính phủ cũng đã nêu ra.
Điểm thứ nhất, vấn đề FDI, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phân tích chúng ta đã tiến hành thu hút đầu tư nước ngoài 20 năm qua. Vừa rồi chúng ta cũng tổng kết đánh giá. FDI trong vòng 20 năm qua đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế chúng ta, tạo công ăn việc làm, tăng xuất khẩu, tăng thu nhập, đem lại công nghiệp hóa cho nước ta. Sau 20 năm, trước tình hình thế giới phát triển như hiện nay, tình hình đất nước chúng ta cũng khác đi rất nhiều, tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải xây dựng lại một chiến lược thu hút FDI mới, trong đó, đặc biệt tôi xin nhấn mạnh với thời đại 4.0, như ai cũng nói với thời đại trí tuệ nhân tạo như hiện nay, công nghệ cao phát triển. Việt Nam có cơ hội, thông qua sự xoay chuyển lại thu hút FDI, chúng ta có cơ hội để tiến nhanh hơn trong phát triển đất nước, đưa đất nước chúng ta bắt kịp một số nền kinh tế khu vực, kể cả vấn đề thu nhập, năng suất lao động. Đặc biệt, công nghiệp hóa, nhiều chỉ tiêu chúng ta không hoàn thành.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa bày tỏ quan điểm
Hiện nay, FDI chúng ta vẫn nặng về chào mời những ưu đãi về đất đai, thuế, nhân công giá rẻ, tất cả mọi thứ. Theo ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, chúng ta cần phải thiết kế lại. Bộ Kế hoạch đầu tư giúp Chính phủ xây dựng lại chiến lược thu hút FDI trên cả nước, đặc biệt tập trung vào những vùng miền có tiềm năng chung, không thể để phân tán như hiện nay nhiều nơi muốn làm gì thì làm, như thế chúng ta mói có sức mạnh tổng hợp. Học tập một số nước, có những quốc gia, kể cả Trung Quốc, họ làm sức mạnh tổng hợp này rất hay. Đâu là phân tán, đâu là ủy nhiệm, ủy thác, đâu là chỗ phải tập trung. Chiến lược nằm trong cái chúng ta nói đi nói lại mà vẫn chưa làm được là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển sang mô hình tăng trưởng mới. Như thế, đòi hỏi phải có một chiến lược FDI mới, ĐBQH đề nghị trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Chính phủ tập trung làm sao cuối nhiệm kỳ chúng ta có thể xây dựng đượng một chiến lược thu hút đầu tư mới phục vụ cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, để nhiệm kỳ sau chúng ta có thể bắt đầu xoay chuyển lại vấn đề thu hút đầu tư nước ngoài.
Điểm thứ hai, vấn đề phát triển và bảo tồn. Hiện nay có tình trạng phát triển xâm lấn, gây thiệt hại cho công tác bảo tồn. Nổi lên là bảo tồn các di sản thiên nhiên, bảo tồn các di sản văn hóa và lịch sử. Đây cũng có vấn đề liên quan đến đầu tư nước ngoài. Ở nhiều quốc gia chúng ta đổ tiền đi du lịch các nơi và khen ngợi sao rừng họ nhiều, cây họ đẹp thế, khen các di tích của họ, trong khi đó chúng ta lại phá hoại và gây thiệt hại cho di tích, di sản của chúng ta. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc giáo dục cho thế hệ sau. Chúng ta nói chúng ta là một đất nước văn hiến, con người Việt Nam tự hào như thế. Như nhà thờ Mến thánh giá ở Thủ Thiêm, Tổng lãnh sự Canada nói nhà thờ đó đẹp và lâu đời hơn nước Canada tại sao lại phá nó đi. Đây là một ví dụ điển hình cho thấy chúng ta không biết cách bảo tồn, những quốc gia khác không có để bảo tồn thì chúng ta lại phá đi. ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị chấn chỉnh lại việc này.