Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Bến Tre phát biểu tại Hội trường
Về định nghĩa chiến tranh thông tin tại khoản 8 Điều 3, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nhận thấy vấn đề này chưa rõ, chưa phản ánh chính xác nội hàm của khái niệm này. Theo đại biểu, cần phải quy định như sau: Chiến tranh thông tin là loại hình chiến tranh trong lĩnh vực thông tin, liên quan đến việc tấn công, xâm lược chủ quyền quốc gia và việc thực hiện các biện pháp phòng thủ, tấn công các hành vi xâm lược nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực thông tin. Nếu quy định như dự thảo thì chỉ mới phản ánh được hành động của ta mà chưa phản ánh được hành động của địch. Quy định như vậy chưa thể hiện được hành vi trái đạo lý, trái pháp luật của kẻ thù, bắt chúng ta phải thực hiện việc phòng thủ, bắt chúng ta thực hiện việc tấn công để bảo vệ chủ quyền.
Liên quan đến một vấn đề trong Luật An ninh mạng có quy định về chiến tranh mạng, ở đây là chiến tranh thông tin. Vì vậy, giữa hai đạo luật này, cần phải xác định rõ đây là hai loại hình chiến tranh hay hai dạng của một loại hình chiến tranh. Tác chiến chiến tranh mạng cũng giao cho Bộ Quốc phòng, chiến tranh thông tin cũng giao cho Bộ Quốc phòng, do đó đại biểu đề nghị xem lại hai khái niệm này, hai loại hình này như thế nào cho phù hợp.
Các đại biểu làm việc tại Hội trường chiều ngày 22/5
Nhất trí cao với quy định về động viên quốc phòng tại Điều 12, tuy nhiên, đại biểu nhận thấy, điểm d khoản 2 là không cần thiết, bởi vì ở ngay điểm a đã quy định động viên mọi nguồn lực của nền kinh tế quốc dân, đảm bảo cho quốc phòng. Khi nói đến động viên mọi nguồn lực thì đã có điểm d là động viên công nghiệp. Đã là quốc phòng thì từ trước tới nay chính sách của Đảng, Nhà nước phải đặt ưu tiên hàng đầu, bởi vì sự tồn vong của dân tộc, Tổ quốc, nhân dân sẵn sàng dỡ nhà cho xe qua, do đó quy định tại điểm a là đã đầy đủ.
Về Điều 13, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tán thành việc quy định một loại hình công nghiệp quốc phòng, an ninh. Quy định như vậy là đúng tinh thần Hiến pháp và quan điểm chính trị của nước ta là tạo sự thống nhất trong hành động, quản lý.
Về khoản 8 Điều 20 cần quy định lại cho rõ: "trong thời gian thiết quân luật việc xét xử tội phạm xảy ra trên địa bàn thiết quân luật do quân đội đảm nhiệm". Ở đây khẳng định rõ thẩm quyền xét xử thuộc quân đội, phạm vi áp dụng thẩm quyền đó ngoài phạm vi đó không áp dụng nữa. Nếu quy định như dự thảo dẫn chiếu Bộ luật Dân sự là không phù hợp. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát trong Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định việc xét xử trong thiết quân luật không. Nếu dẫn chiếu đến chỗ không có quy định sẽ hết sức nguy hiểm. Có 2 vấn đề được quy định ở đây là phạm vi thẩm quyền và thời gian, đề nghị Ban soạn thảo phối hợp làm rõ. Theo đại biểu, có thể sửa như sau: Giao cho Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Chính phủ, trực tiếp là Bộ Quốc phòng quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cấp nào, đối với trường hợp này phải có quy định, nếu không sẽ lúng túng.