Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đường sắt (sửa đổi) đã tiếp thu nhiều ý kiến mà đại biểu Quốc hội trong phiên họp lần trước đã góp ý, đồng thời có nhiều điểm thống nhất nhận thức của cử tri và của các đại biểu Quốc hội. Về cơ bản đại biểu nhất trí với các nội dung, các điều luật đã được đưa ra trong bản dự thảo này. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, chỉ thống nhất về nhận thức quan điểm chưa đủ và phải có một quyết tâm chiến lược và cơ sở vật chất để đảm bảo cho quyết tâm đó.
Về quốc phòng, vận tải đường sắt là vận tải nặng, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng. Đại biểu nhấn mạnh yếu tố này vì đường sắt phục vụ đắc lực cho vận chuyển tập trung phân tán khí tài quân sự, quân dụng hạng nặng, chở được nhiều quân, phục vụ cho tập trung, phân tán nhanh nhất trong quá trình tác chiến. Hơn nữa đường sắt Việt Nam trải dài khắp cả nước, đây là lợi thế khi triển khai thế trận trên khắp cả nước, tất cả các vùng, miền một cách linh hoạt, tập trung sức mạnh và phân tán lực lượng khi cần thiết. Điều này hết sức lợi hại, cần thiết trong tác chiến bảo vệ bờ biển. Đại biểu cho rằng trong những thập kỷ tới thách thức từ biển Đông rất lớn, tác động trực tiếp đến khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo của quân và dân ta. Do vậy, có một đường sắt hiện đại là góp phần xây dựng kinh tế quốc phòng nói chung và xây dựng khu vực phòng thủ biển đảo nói riêng.
Vì thế, đại biểu đề nghị, Quốc hội và Chính phủ phải hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng cho vài thập kỷ nữa, chúng ta sẽ có một hệ thống đường sắt và một ngành công nghiệp đường sắt hiện đại.
Từ quyết tâm chiến lược này, đại biểu đề nghị Chính phủ tìm nguồn vốn để canh tân ngành đường sắt. Theo những số liệu thông tin trong phương tiện thông tin đại chúng, mỗi năm dành từ 2-3% trong tổng nguồn đầu tư cho ngành đường sắt để canh tân đường sắt thì không khả thi, không thể phát triển được. Theo đại biểu, nếu vốn đầu tư cho ngành đường sắt trong những năm sắp tới cũng giống như giai đoạn 2011 - 2015 vừa qua thì tương lai của ngành đường sắt không có gì sáng sủa, vẫn lạc hậu vẫn xuống cấp và mất năng lực cạnh tranh. Đại biểu phân tích, một số ngành đường sắt của các nước phát triển chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành đường sắt, hiếm có nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư vào một ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành đường sắt hiện nay. Trong luật đã mở rộng và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư ngành đường sắt, nhưng đại biểu quan ngại tình hình hiện nay rất khó vì bản chất của nhà đầu tư làm sao phải sinh lợi, tư bản bỏ ra phải có lợi mà lợi càng nhân thì càng tốt, không có lợi thì trải thảm đỏ mời họ cũng không làm.
Theo thông tin từ đại biểu, một số cán bộ, một số đại biểu Quốc hội khóa XIII và một số cán bộ ngành đường sắt ở phía nam cho rằng phải kiến nghị tiếp tục với Quốc hội với Nhà nước về phát triển đường sắt hiện đại. Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ ghi nhận điều này, hãy vì lợi ích lâu dài của đất nước mà tích cực tìm ngân sách đầu tư cho ngành đường sắt, mua sắm nhà máy công cụ thiết bị đào tạo nhân lực v.v... để ngành đường sắt phát triển. Bây giờ so với những năm 80 của thế kỷ trước ngành kinh tế nước ta có đủ điều kiện và thuận lợi hơn nhiều. Hồi đó bị bao vây cấm vận nhưng Đảng và Nhà nước có quyết tâm xây dựng đường sắt Bắc - Nam sau chiến tranh, bây giờ nếu có quyết tâm chiến lược ta sẽ xây dựng được đường sắt hiện đại.
Đại biểu nhận định, xây dựng đường sắt hiện đại là đầu tư cho phát triển tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đồng thời có tác dụng trực tiếp đến tăng cường sức mạnh quốc phòng để bảo vệ hòa bình cho đất nước, bảo vệ biển đảo. Trong thời gian trước mắt, đại biểu kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xin đừng quên ngành đường sắt như mấy chục năm qua ta đã quên ngành vận tải chiến lược này và hy vọng kết thúc kỳ họp này có thể Luật đường sắt được ra đời để tạo cơ sở cho sự phát triển của đường sắt Việt Nam trong tương lai.