Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền phát biểu tại Hội trường Ảnh: Đình Nam
Về đánh giá tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ qua, đại biểu cho rằng tờ trình đã nêu ngắn gọn nhưng khá đầy đủ, khách quan về những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua.
Đại biểu lưu ý nhiều đến tồn tại, hạn chế qua nhiều năm mà đến giờ chưa khắc phục được. Đại biểu cho rằng nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới hạn chế, đó là việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ở đây cả về hồ sơ, tài liệu, thời gian gửi hồ sơ, tài liệu, thành phần tham gia, v.v... đều không đảm bảo được các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do vậy, quá trình tổ chức triển khai thực hiện tiếp sau đó dẫn tới những hậu quả, sai sót đáng tiếc trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nể nang, dễ dãi trong việc thẩm định, tiếp nhận hồ sơ dự án, chất lượng dự thảo. Các báo cáo, tài liệu, hồ sơ dự án chưa đảm bảo yêu cầu, dẫn đến chương trình phải thường xuyên điều chỉnh. Có những dự án sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến phải thay đổi nội dung cơ bản của dự án luật, làm cho cơ quan thẩm tra, cơ quan tiếp thu, chỉnh lý bị động, gặp rất nhiều khó khăn. Từ khi trình dự thảo đến lúc Quốc hội cho ý kiến xong có những dự án hầu như thay đổi hoàn toàn nội dung dự án, kể cả bố cục, cả nội dung dự thảo luật thay đổi. Như vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã hoàn thành nhiệm vụ, còn lại là cơ quan chủ trì thẩm tra chỉnh lý báo cáo Quốc hội gặp rất nhiều khó khăn, đây là một vấn đề cần phải lưu ý trong thời gian tới.
Về trách nhiệm của các cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật còn nhiều hạn chế. Khi dự án luật đã được đưa vào chương trình Quốc hội cho ý kiến thì các cơ quan này coi là nhiệm vụ của mình đã hoàn thành và việc tham gia tiếp theo chỉ là tham gia, thường là cử cấp vụ, vụ phó, nếu không thì các chuyên viên, chuyên gia để cùng với các cơ quan Quốc hội tham gia chỉnh lý sau này, nên việc này rất khó khăn cho các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý. Do vậy, dứt khoát là phải khắc phục tình trạng này trong thời gian tới thì việc tiếp thu, chỉnh lý ở giai đoạn ở Quốc hội mới đảm bảo được các yêu cầu đặt ra.
Để khắc phục tồn tại này, đại biểu đề nghị trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì bên Chính phủ là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm định ở bên Quốc hội và đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Lưu ý đến những điểm mới của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đại biểu Quốc hội trong việc lập, đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, xây dựng nội dung chính sách, đánh giá tác động của chính sách, dự kiến nguồn lực và điều kiện đảm bảo cho việc thi hành luật, pháp lệnh sau khi được thông qua.
Theo đại biểu, luật mới quy định rất rõ, cụ thể về hồ sơ, trình tự và có rất nhiều điểm mới trong việc lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Do vậy, phải kiên quyết chỉ đưa vào chương trình những dự án đã đảm bảo đủ các điều kiện theo quy định của luật. Chúng ta ngăn chặn ngay từ đầu thì rõ ràng khi chuyển sang các giai đoạn tiếp theo sẽ hạn chế được rất nhiều và khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua.