Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thúy Hoàn - Thái Bình phát biểu ý kiến
Về tên gọi, tôi nhất trí như dự thảo luật là Luật giáo dục nghề nghiệp. Vì thực tế dự thảo không chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề, mà sửa đổi, bổ sung gần hết các điều trong Luật dạy nghề hiện hành. Hơn nữa trong hệ thống giáo dục nước ta Hiến pháp năm 2013 quy định giáo dục mầm non, giáo dục trung học, giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Nếu tên gọi của luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề thì không phản ánh đúng bản chất của công tác đào tạo nghề nghiệp. Qua nghiên cứu, không thấy có quốc gia nào trên thế giới gọi là Luật dạy nghề, mà thường gọi là Luật đào tạo nghề nghiệp hoặc giáo dục nghề nghiệp, bao gồm cả dạy và học. Do vậy, tên gọi là Luật giáo dục nghề nghiệp không chỉ phù hợp với Hiến pháp, mà còn phù hợp với xu hướng phát triển và hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh, cơ bản tôi nhất trí như trong dự thảo luật. Cũng băn khoăn ở nhóm trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp đang được điều chỉnh ở Luật giáo dục đại học được Quốc hội thông qua năm 2012, đã và đang đi vào cuộc sống. Mặc dù có điều, khoản chuyển tiếp ở Điều 76, trong dự thảo luật, tôi đề nghị nên quy định rõ hơn là các trường cao đẳng chuyên nghiệp được quy định trong Luật giáo dục đại học năm 2012 được thực hiện điều chỉnh trong luật này kể từ khi Luật giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành.
Về các khái niệm và quy định. Tôi đề nghị không nên quy định về loại hình đào tạo thường xuyên, nên bỏ quy định này, nên khái niệm là loại hình đào tạo vừa làm, vừa học. Bởi bản chất của loại hình đào tạo này là vừa làm vừa học, rất linh hoạt, phù hợp với nguyện vọng được nâng cao trình độ của người học. Những người tham gia loại hình đào tạo này với ý nghĩa đích thực, đáng được trân trọng. Khái niệm "thường xuyên" có lẽ chỉ phù hợp với giáo dục đại học và giáo dục phổ thông. Trong giáo dục nghề nghiệp, nên trả lại bản chất đích thực của loại hình giáo dục này là vừa làm, vừa học.
Về khái niệm cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, tôi đề nghị nên quy định là cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập. Bởi vì, trong dự thảo luật cũng đã quy định về cơ sở giáo dục công lập. Hiện nay, các khái niệm dân lập, tư thục, bán công v.v... hay gây lẫn lộn và nhất là trong tuyển sinh, gây khó cho người học trong việc lựa chọn tham gia các loại hình đào tạo nghề nghiệp. Tôi đề nghị nên phân định rõ cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập và giáo dục nghề nghiệp công lập, để công khai và minh bạch. Liên quan đến vấn đề này, Điểm b, Khoản 2, Điều 5 ghi: "Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc sở hữu của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân, hoặc cá nhân đầu tư vào cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống". Tôi đề nghị không nên quy định vốn nhà nước đầu tư vào đây. Nhà nước chỉ đầu tư thông qua các chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 28 và một số điều liên quan.
Về sắp xếp lại trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp và phân công trách nhiệm quản lý. Tôi nhất trí như dự thảo luật, vì thực tế giáo dục nghề nghiệp trong hệ thống giáo dục quốc dân lâu nay có sự chồng chéo giữa các chương trình đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cao đẳng, trung cấp nghề dẫn đến nhiều bất cập trong tuyển sinh và đào tạo. Hiện nay toàn bộ các cấp học và trình độ đào tạo, trong đó cao đẳng và trung cấp nghề thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, còn cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.
Năm 2006 Luật dạy nghề ra đời quy định có 3 trình độ đào tạo đó là sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề với đầy đủ những quy định về mục tiêu, chương trình đào tạo và tuyển sinh. Trong khi đó mục tiêu đào tạo của Luật gáo dục và Luật dạy nghề về trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề, trung cấp, trung cấp nghề lại không có sự khác nhau về mục tiêu, chỉ khac nhau một chút về thực hành. Cao đẳng nghề và trung cấp nghề thì thời lượng được thực hành nhiều hơn, chiếm 60 - 70%. Còn cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp thực hành ít hơn khoảng 40 - 50% thời lượng. Thực tế hiện nay có rất nhiều trường cao đẳng thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng một lúc thực hiện hai chương trình, đó là chương trình đào tạo nghề và chương trình chuyên nghiệp, với nhiều ngành nghề có tên gọi giống nhau.
Ngày 8/9/2014, Thủ tướng Chính phủ cũng có kết luận về vấn đề hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp được hình thành ở 3 cấp độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, thống nhất về tên gọi, tiêu chí đầu ra, đầu vào và chương trình đào tạo. Chính phủ cũng giao cho Bộ lao động thương binh - xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp việc sắp xếp này là hết sức cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi để việc tuyển sinh không bị phân tán.