ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị): Cần có chế tài nghiêm khắc, công khai danh tính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản công
Tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong cả nước sau mỗi kỳ họp và trước kỳ họp, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ĐBQH đều nhận được những câu hỏi tuy không mới nhưng đều mang tính thời sự, luôn day dứt, bức xúc, nóng bỏng, đó là việc phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian qua với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Tổ chức minh bạch quốc tế thì chỉ số mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam xếp thứ 116/177 quốc gia và vùng lãnh thổ, với điểm số 31/100. Có nghĩa là nếu đánh giá theo thang điểm của ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam thì chúng ta chỉ đạt 3/10 điểm. Qua đó cho thấy mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam còn rất nghiêm trọng. Báo cáo của Chính phủ cũng đã thẳng thắn thừa nhận tình hình tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đối với ngân sách nhà nước, tài sản của nhân dân, nhất là tham nhũng trong khu vực công. Nhiều công trình, dự án là hệ quả của những căn bệnh không có trong từ điển y học, đó là căn bệnh hoành tráng, căn bệnh thèm ngân sách.
Nhiều công trình, dự án tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, song hiệu quả và công năng sử dụng lại rất khiêm tốn, thậm chí có những công trình do đẻ non, chín ép nên vừa khai trương đã khai tử, bỏ hoang hóa, hư hỏng, xuống cấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê làm các dịch vụ phi văn hóa, phi lợi ích công. Người dân không được thụ hưởng như thuyết trình ban đầu của các chủ dự án thường rất hay ho, đó là để phục vụ dân sinh. Chỉ có một số người quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, chủ thầu xây dựng, ban quản lý dự án, công trình là được hưởng lợi. Họ thích vẽ ra những dự án hoành tráng vì công trình, dự án càng lớn, phần trăm chảy vào túi cá nhân càng nhiều theo phép tính tỷ lệ thuận.
Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách và phiên thảo luận về dự án Luật Nhà ở, nhiều vị đại biểu rất bức xúc khi đề cập đến việc quản lý, sử dụng nhà công vụ. Nhà công vụ, biệt thự công là tài sản công, tài sản Nhà nước, tài sản quốc gia được Nhà nước đầu tư từ ngân sách để ưu tiên cho một số ít đối tượng sử dụng theo quy định của pháp luật. Tính đến thời điểm cuối tháng 9.2014, tổng quỹ nhà ở công vụ của cả nước là 1.603.498m2, trong đó có hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn căn hộ chung cư và 55.966 nhà ở liền kề.
Trong những năm qua nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước rất gương mẫu, tự nguyện trả biệt thự công hoặc nhà công vụ ngay sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Song, không ít cán bộ lãnh đạo quản lý khi không còn giữ chức vụ nữa thì tự cho mình được quyền sử dụng vĩnh viễn mà quên trả lại nhà công vụ, thực chất đã cố tình biến nhà công vụ thành nhà tư vụ. Có người tuy không ở nhưng đã lỡ mang theo chìa khóa nhà công vụ về địa phương để thụ hưởng biệt thự, mà các doanh nghiệp đàn em đã xây sẵn ở quê nhà. Có người còn cho con, cháu mượn nhà công vụ theo cơ chế ở nhờ, giữ hộ. Có người thông minh hơn cho thuê nhà công vụ để tháng tháng đều đặn lĩnh thêm khoản tiền trời cho lớn hơn gấp nhiều lần tiền lương. Vô hình trung, chính sách nhà công vụ của chúng ta đã tạo sự bất bình đẳng, bất công bằng giữa các cán bộ lãnh đạo quản lý với nhau, giữa cán bộ lãnh đạo quản lý ở Trung ương và địa phương trong hệ thống chính trị. Nhà công vụ, biệt thự công thường tọa lạc ở những vị trí đắc địa, trên những mảnh đất vàng, đất ngọc, mỗi mét vuông trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhiều tòa nhà đã bị chia nhỏ, cơi nới, chắp vá, biến dạng, thiếu thẩm mỹ, phá vỡ kiến trúc không gian và kiến trúc đô thị, biến biệt thự công, nhà công vụ thành chung cư gia đình của nhiều thế hệ. Có biệt thự công nằm trong vùng lõi của di sản văn hóa thế giới, chủ sử dụng đã mất từ lâu, từ nhiều năm nay, song cho đến nay vẫn không hề giải tỏa được. Chính phủ có giải pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích, bố trí hợp lý quỹ đất thì hàng trăm biệt thự công, hàng chục nghìn nhà công vụ sử dụng sai mục đích có thể thu hồi, bán đấu giá hoặc cho thuê sẽ ngày ngàyđẻ trứng vàng cho ngân sách nhà nước.
Đồng thời, việc kiên quyết cắt giảm hàng trăm công trình chưa cần thiết, điều chỉnh hàng nghìn công trình quá hoành tráng và chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong đầu tư cơ bản thì chúng ta sẽ có thêm hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước. Đây là nguồn quan trọng để đầu tư phát triển và cải cách tiền lương theo lộ trình mà chúng ta đã lỗi hẹn với cử tri hơn 2 năm qua chỉ vì thiếu nguồn. Có lẽ đã đến lúc nên nhận dạng và đưa vào Bộ luật hình sự một tội danh tham nhũng mới, đó là tham nhũng nhà công vụ. Chúng ta lên án và xử lý rất nghiêm khắc một số cán bộ, công chức nhận lót tay, quà biếu trị giá vài trăm nghìn hoặc vài triệu đồng. Song từ trước đến nay chúng ta chưa xử ai tham nhũng nhà công vụ trị giá nhiều tỷ đồng. Tại Hội nghị ĐBQH chuyên trách, có đại biểu cho rằng cán bộ lãnh đạo, quản lý là tài sản quốc gia cần có chính sách đãi ngộ đặc biệt. Tôi tán thành với quan điểm này, tuy nhiên theo tôi nhà công vụ, biệt thự công cũng là tài sản quốc gia, không thể để tài sản quốc gia này chiếm đoạt tài sản quốc gia khác.
Tôi xin kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước xây dựng nhà công vụ cho giáo viên, y bác sỹ, lực lượng vũ trang, những người được điều động, luân chuyển hoặc tự nguyện đến công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn. Song song với việc cần có chế tài nghiêm khắc như cưỡng chế công khai danh tính, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hình sự đối với người chiếm đoạt tài sản công, trong đó có chiếm đoạt nhà công vụ. Có như thế công cuộc phòng, chống tham nhũng mới thiết thực, hiệu quả và sẽ xóa được đi hoài nghi là chúng ta chỉ tắm từ vai trở xuống. Vấn đề này tôi xin đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Tổng thanh tra Chính phủ cùng chia sẻ.
ĐBQH Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh): Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa có tích lũy để cải thiện tình hình nợ công
Trong phiên họp chiều 30.10 và sáng 31.10, trên bàn của mỗi đại biểu nhận được Báo cáo của Chính phủ phân tích rất sâu sắc về cơ cấu, tác động, giải pháp, nỗ lực của Chính phủ trong giải quyết vấn đề nợ công trong lộ trình tới đây của đất nước. Tôi đồng tình với những quan điểm đó và thấy rằng nợ công không phải là vấn đề riêng của Việt Nam, cũng không chỉ là vấn đề riêng của các nước đang phát triển. Những ngày này một năm về trước, Chính phủ Mỹ cũng đã phải đóng cửa do đối mặt với những vấn đề nâng trần nợ công.
Nợ công không phải lúc nào cũng dẫn đến kết quả xấu. Nợ công ở nước ta là chính sách tài chính công tích cực trong điều kiện tích lũy của nền kinh tế thấp, tiết kiệm nội địa chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới. Song nợ công của chúng ta đã vượt quá con số 84 tỷ USD, khoảng 1.700.000 tỷ đồng và nếu tính trên bình quân đầu người thì khoảng trên 900 USD và xấp xỉ 20.000.000 đồng/người. Trong đó nợ phải trả năm 2014 là 208.000 tỷ đồng nhưng phần cân đối ngân sách chỉ có 118.000 tỷ đồng còn thiếu khoảng 90 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tăng nhanh sát với ngưỡng an toàn trong năm 2015, trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên, khoáng sản và hoạt động xuất, nhập khẩu. Tỷ lệ thuế trực thu tăng chậm do hiệu quả sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế thấp. Do đó, việc rà soát, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, khả năng thu, cân đối chi và kiểm soát thật chặt nợ công để có chiến lược trả nợ rõ ràng là cần thiết, nhất là trong giai đoạn sau 2016.
Tôi cũng cơ bản đồng tình với 6 giải pháp về kiểm soát nợ công bảo đảm an ninh tài chính quốc gia mà Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trình bày trước QH. Tôi đề nghị:
Một, tiếp tục các giải pháp hiệu quả hơn trong kích thích tăng trưởng, mở rộng thị trường, chủ động kết nối sản phẩm giữa các doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, vừa có tích lũy để cải thiện tình hình nợ công.
Hai, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công cả trong đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Ưu tiên nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực trọng yếu về hạ tầng kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đổi mới khoa học, công nghệ làm động lực để phát triển. Đổi mới chi tiêu trong dịch vụ công theo hướng cân đối trên sản phẩm đầu ra và mở rộng các cơ hội cung ứng dịch vụ xã hội theo nguyên tắc Nhà nước không trực tiếp làm những gì mà người dân và xã hội làm được và thắt chặt chi tiêu thường xuyên.
Ba, minh bạch hóa các hoạt động của bộ máy nhà nước, chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong khâu cấp phát, sử dụng ngân sách nhà nước. Minh bạch trong chi tiêu công, không dùng tiền mặt.
Bốn, tiếp tục đẩy nhanh việc xây dựng các thể chế về quản lý ngân sách nhà nước, khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư từ xã hội.
Năm, tăng cường giám sát của QH, kiểm toán nhà nước và của toàn xã hội đối với quản lý và sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và của xã hội, chống tiêu cực và tham nhũng.
Sáu, xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp nhằm thắt chặt nợ công. Sử dụng có hiệu quả các nguồn thu của đất nước và vận động mỗi tổ chức, cá nhân phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí từ trong mỗi hành động của mình theo nguyên tắc tích gạch xây lâu đài cho ngày mai.
ĐBQH Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi): Cần ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, các khu tái định cư cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án trọng điểm đã có tín hiệu đầu tư chắc chắn
Trong những năm qua, nợ công của chúng ta đã tăng khá nhanh. Dự kiến năm 2015 ở mức xấp xỉ 64% GDP, sát với ngưỡng mà QH đã duyệt; đồng thời, nghĩa vụ trả nợ cũng tăng nhanh, nguồn trả nợ gặp khó khăn, phải đảo nợ với tỷ lệ khá lớn. Theo tôi, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, do hậu quả của việc quản lý nguồn vốn vay chưa chặt chẽ, đầu tư kém hiệu quả từ những năm trước đây thì nguyên nhân chủ yếu là do khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, làm thu ngân sách sụt giảm, mất cân đối khiến chúng ta buộc phải thực hiện chính sách miễn giảm, chính sách kích cầu nhằm khôi phục sản xuất, giải quyết lao động việc làm và ổn định kinh tế vĩ mô và phải dùng một nguồn lực tài chính rất lớn để thực hiện chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng yếu kém cũng buộc phải đầu tư để giải quyết nhu cầu bức xúc của người dân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Như vậy, đối với một quốc gia có xuất phát điểm nền kinh tế thấp, hệ thống hạ tầng yếu kém như nước ta, cộng với khủng hoảng tài chính suy thoái kinh tế thế giới thì nợ công tăng nhanh và khó khăn về nguồn trả nợ là điều khó tránh khỏi.
Vấn đề hiện nay là chúng ta cần bình tĩnh đối diện và giải quyết nợ công. Tôi đề nghị, cần tập trung thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thẩm định, điều kiện cấp bảo lãnh Chính phủ, quản lý và sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác thẩm định, cân nhắc kỹ hiệu quả các dự án trước khi quyết định đầu tư, tăng cường quản lý chất lượng, phân kỳ và đẩy nhanh tiến độ đầu tư để các khoản vốn vay sớm phát huy hiệu quả thu hồi vốn, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, rà soát và kiên quyết loại bỏ những dự án không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần tập trung chống thất thu ngân sách; rà soát lại các chính sách nhằm giảm áp lực chi cho ngân sách. Thực hiện quyết liệt việc tinh giản bộ máy lão hóa trong hoạt động sự nghiệp. Cơ cấu lại thời hạn huy động vốn trong nước phù hợp với nhu cầu sử dụng, để từng bước cân đối nghĩa vụ và nguồn trả nợ; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt của tài khoản vãng lai để giảm thiểu rủi ro về nợ công.
Trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế và áp lực trả nợ rất lớn, việc đầu tư cần hết sức cân nhắc, không nên đầu tư dàn đều cho nhiều lĩnh vực, mà nên ưu tiên tập trung bố trí cho các lĩnh vực phát huy hiệu quả sớm, tạo nguồn thu cho ngân sách và giải quyết lao động, việc làm. Vì vậy, tôi kiến nghị cần ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng, các khu tái định cư cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, các dự án trọng điểm đã có tín hiệu đầu tư chắc chắn nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, bồi dưỡng nguồn thu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta.
ĐBQH La Ngọc Thoáng (Cao Bằng): Phải bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả giữa các chính sách vĩ mô, đặc biệt là hai chính sách tài khóa và tiền tệ
Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn để đạt được những kết quả quan trọng về KT-XH trong năm 2014. Kinh tế vĩ mô đã có những tín hiệu tích cực. Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ. Chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên. Ba đột phá chiến lược và ba lĩnh vực trọng tâm của tái cơ cấu đã được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Như vậy, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu tổng quát trong năm 2014, quan trọng nhất là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô trong khi vẫn giữ được mức tăng trưởng hợp lý.
Có được kết quả như vậy, tôi cho rằng chính sách tiền tệ có vai trò quyết định, được Chính phủ điều hành linh hoạt, thận trọng, phù hợp với điều kiện kinh tế Việt Nam là lấy kiểm soát lạm phát làm mục tiêu, đồng thời giữ dư địa cho tăng trưởng. Đây là việc làm khó, nhưng chúng ta đã làm được. Tỷ giá được điều hành một cách chủ động, nhằm định hướng thị trường và đưa ra các cam kết duy trì ổn định tỷ giá trong từng kỳ để kiểm soát. Sự kiên định trong mục tiêu và tính nhất quán, đồng bộ trong giải pháp đã làm cho tỷ giá trở lên dễ dự báo hơn, nhờ đó nâng cao lòng tin vào đồng Việt Nam. Đó cũng là cơ sở để dự trữ ngoại hối nhà nước đã được tăng mạnh ở mức kỷ lục...
Mặc dù, kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực và từng bước ổn định, song, không thể chủ quan bởi những khó khăn, thách thức vẫn còn tiềm ẩn. Đó là tổng cầu thấp đang tiếp tục làm khó cho tăng trưởng. Thâm hụt ngân sách lớn. Khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành tăng lên. Kinh tế phát triển chậm. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn cao, chưa thể giải quyết được. Thu ngân sách tăng chậm.
Tôi đề nghị, Chính phủ cần có những chính sách quyết liệt, đồng bộ hơn, phải bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất, hiệu quả giữa các chính sách vĩ mô, đặc biệt là hai chính sách tài khóa và tiền tệ. Thực tiễn thấy rằng nền kinh tế khó có thể phục hồi nếu chỉ dựa vào một chính sách mà thiếu đi các chính sách đồng bộ khác. Bên cạnh đó Chính phủ cần phải xây dựng các giải pháp chiến lược dài hạn để bảo đảm các mục tiêu ổn định và phát triển bền vững.
Chính sách điều hành cần có các giải pháp hỗ trợ, tăng tổng cầu, nhất là cầu đầu tư.
Thúc đẩy đầu tư tư nhân, đồng thời nỗ lực thực hiện giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhất là chi phí liên quan đến thủ tục hành chính, sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh vay cho các doanh nghiệp với các công trình không phải cấp thiết của quốc gia. Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm mục tiêu tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành lãi suất phù hợp với các diễn biến kinh tế vĩ mô. Đặc biệt là tỷ lệ lạm phát để điều tiết thị trường ở mức hợp lý, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm ổn định giá đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối.
Triển khai các giải pháp tín dụng để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đáp ứng vốn cho nền kinh tế, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng tín dụng.
Về xử lý nợ xấu, đây là vấn đề của nền kinh tế, chỉ có cố gắng của ngành ngân hàng không thể giải quyết được. Tôi đề nghị cần có sự tham gia, hỗ trợ tích cực của các cơ quan bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc phục hồi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp này mới mong đạt được hiệu quả....