Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi): Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công
Đẩy mạnh phân cấp thực hiện dự án đầu tư công
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 06/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Tham gia thảo luận dự án Luật, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre bày tỏ đồng tình với quan điểm đổi mới và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ của Chính phủ đề xuất lần này. Nếu dự án Luật được thông qua sẽ giải quyết được các vướng mắc trong quá trình đầu tư công mà các đại biểu Quốc hội phản ánh trong các kỳ họp vừa qua. Đặc biệt là vấn đề giải ngân vốn đầu tư, đẩy nhanh thực hiện chương trình, dự án, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Do đó, với quan điểm phân cấp mạnh mẽ, địa phương làm địa phương chịu trách nhiệm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị phải phân cấp đến nơi, đến chốn và những vấn đề đang gặp khó khăn, cản trở trong quá trình thực hiện đại biểu đề nghị phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung trong dự thảo luật lần này.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn - Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nhấn mạnh 04 vấn đề:
Thứ nhất là về tách giải phóng mặt bằng và xây lắp: Dự thảo luật cho phép tách công tác giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án nhóm A, B, C. Trong báo cáo thẩm tra số 2570/BC-UBTCNS15 ngày 27 tháng 10 năm 2024 của Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra về Dự án Luật đầu tư công (sửa đổi) cũng lưu ý việc tách giữa giải phóng mặt bằng và xây lắp nhưng phải nằm trong tổng thời gian của nhóm dự án.
Theo đại biểu, thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo Điều 58, dự án Nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm và nhóm C không quá 3 năm nhưng nếu tách giải phóng mặt bằng và xây lắp mà không cân đối lại thời gian, vẫn duy trì như khung thời gian hiện nay là không có ý nghĩa và cũng như cũ, đề nghị nên cân đối lại tổng thời gian thực hiện, nhất là thời gian dành cho công tác giải phóng mặt bằng, khi có mặt bằng sẽ triển khai xây lắp. Bố trí vốn của hai thành phần này cũng liền mạch, nhằm tránh có mặt bằng mà không có vốn thi công, cũng lường thực tế công tác thu hồi đất kéo dài, việc tái định cư khi thu hồi đất sẽ ảnh hưởng thời gian thi công dự án. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thời gian thực hiện cho từng hợp phần khi tách dự án.
Thứ hai về phân cấp, phân quyền: Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn cho biết, thực tiễn khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn trung ương cho địa phương, trong quá trình thực hiện điều chỉnh tăng, giảm hay bổ sung thì cũng phải lặp lại quy trình, cũng đề xuất Trung ương, Thủ tướng Chính phủ phải quyết định điều chỉnh tăng hay giảm. “Tôi đề xuất khi đã giao kế hoạch vốn cho địa phương mà trong quá trình làm có thay đổi tăng hoặc giảm, nếu cùng ngành thì địa phương sẽ quyết định việc tăng, giảm và báo cáo lại cho Trung ương, miễn làm sao không thay đổi tổng vốn được giao”, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre kiến nghị.
Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận
Thứ ba là về điều chỉnh chủ trương đầu tư: Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề xuất nghiên cứu lại Điều 39 về quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Theo đó quy trình điều chỉnh cũng tương đương với quy trình, thủ tục phê duyệt đề xuất chủ truong đầu tư. Trong thực tế, có những điều chỉnh nhỏ như thời gian, địa điểm, nguồn vốn, không làm thay đổi tổng mức đầu tư, quy mô, tính chất thì nên áp dụng thủ tục rút gọn, chỉ cần giao cho cơ quan chuyên môn hay hội đồng thẩm định thẩm tra các nội dung điều chỉnh và trình điều chỉnh chủ trương ngay.
Thứ tư là về nguồn vốn ODA: Đây là nguồn vốn ngân sách đặc biệt và có tính chất đặc thù, bởi vì phải tuân thủ quy trình của hai Quốc gia và tổ chức vay vốn, thường triển khai theo hiệp định vay và tuân thủ quy trình phê duyệt. Khi thực hiện dự án vừa phải tuân thủ theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu Việt Nam, vừa phải tuân thủ theo các quy định của nhà tài trợ, xin ý kiến không phản đối nhiều lần. Do đó, nếu không quy định khác hơn so với dự án đầu tư công thông thường thì khó giải ngân vốn, kéo dài so với mốc thời gian thông thường của nhóm dự án A, B, C. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị nếu vẫn giữ những quy định như trong dự thảo luật thì nên quy định trình tự, thủ tục, kế hoạch giao vốn, thời gian giao vốn và việc điều chỉnh tăng, giảm vốn ODA hằng năm nên phân cấp cho Chính phủ, vì hằng năm Quốc hội sẽ quyết định kế hoạch vốn, bao gồm cả vốn ngân sách trong nước và vốn nước ngoài, tuy nhiên quá trình điều hành nên giao cho Thủ tướng Chính phủ để vốn này gọn và nhanh hơn.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội
Làm rõ hơn về nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin-cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án... Tuy nhiên, cần gắn liền với năng lực, trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện.
Cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để có phương án hiệu quả, tối ưu nhất trong việc phân cấp, phần quyền cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án./.