Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: c73866a1-798f-90f0-dd35-d087e79cb316.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

Thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số trong Luật, Nghị quyết của Quốc hội

04/10/2024

Tại Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10 diễn ra vào ngày 6/10 tới đây, Hội đồng Dân tộc sẽ cho ý kiến Dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023”. Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc với các bộ ngành về nội dung này, các đại biểu cho rằng, cần xem xét, đánh giá đầy đủ việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ người DTTS trong Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

PHIÊN HỌP TOÀN THỂ HỘI ĐỒNG DÂN TỘC LẦN THỨ 9

Tại Phiên họp toàn thể Hội đồng Dân tộc lần thứ 10 diễn ra vào ngày 6/10 tới đây, Hội đồng Dân tộc sẽ thảo luận, cho ý kiến Dự thảo Báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023”.

Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc với các bộ ngành và Ủy ban Dân tộc về nội dung này, các đại biểu cho rằng, cần xem xét, đánh giá đầy đủ, khách quan việc thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS) trong Luật, Nghị quyết của Quốc hội.

Các đại biểu cho rằng, Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới nêu rõ: “Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Tuy nhiên, nội dung này chưa được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Các ý kiến đề nghị Chính phủ cho biết nguyên nhân chủ trương trên của Đảng chưa được thể chế hóa trong Luật và quan điểm của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung chính sách trên trong Luật cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương

Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ DTTS, nhất là Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ; và làm rõ các kiến nghị, đề xuất của các Bộ, ngành và Ủy ban Dân tộc.

Qua Báo cáo của Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương cho rằng, hệ thống chính sách về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2023 chưa phản ánh rõ nét, kể cả qua giám sát văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2016-2021 và giám sát giai đoạn 2022-2023.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản liên quan thuộc thẩm quyền của Bộ, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về lĩnh vực này. Đồng thời thông tin thêm về các Nghị quyết kỳ họp, Nghị quyết chất vấn, Nghị quyết giám sát chuyên đề có giao Chính phủ và các bộ ngành thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ người dân tộc thiểu số.

Đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Qua giám sát ở các địa phương và triển khai thực hiện ở các bộ ngành, đại biểu Hoàng Thị Đôi - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La nhận thấy, chính sách về công tác cán bộ DTTS hiện nay còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, một số chính sách không còn phù hợp.

“Qua kiểm tra, thanh tra, chúng ta có kịp thời phát hiện những điều đó không để kịp thời sửa đổi, bổ sung các chế độ, chế sách, và đề xuất các kiến nghị để hoàn thiện đồng bộ các chính sách?” đại biểu Hoàng Thị Đôi băn khoăn.

Đánh giá cao Báo cáo của Ủy ban Dân tộc về việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cán bộ DTTS giai đoạn 2016-2023 rất đầy đủ, liệt kê được nhiều chính sách cán bộ DTTS, tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Đôi nhận thấy, các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị cụ thể chưa được Ủy ban Dân tộc quan tâm. Đề nghị Ủy ban Dân tộc có tiếng nói, đề xuất, kiến nghị cụ thể hơn về công tác dân tộc nói chung và công tác cán bộ DTTS ở các địa phương và các bộ ngành nói riêng.

Góp ý về nội dung này, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, mục đích của cuộc giám sát nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS đảm bảo chất lượng phục vụ cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và thực hiện chính sách công tác cán bộ bình đẳng, đảm bảo phát huy vai trò của cán bộ DTTS.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhận thấy, Báo cáo của các Bộ, ngành cơ bản đã thực hiện đầy đủ yêu cầu trong Quyết định 402/QĐ-TTg năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ DTTS. Tuy nhiên, thực tế vẫn có những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực hiện công tác cán bộ người DTTS, nguyên nhân một phần thuộc về hệ thống cơ chế, chính sách.

Vì vậy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, mỗi địa phương cần nỗ lực thực hiện tốt hơn nữa để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS, nhất là các địa phương miền núi, vùng khó khăn. “Vì nước ta có 54 dân tộc nên cán bộ phải đảm bảo hài hòa yếu tố vùng miền, dân tộc. Do đó, mỗi cấp, mỗi ngành bố trí sử dụng cán bộ phải thực hiện được quan điểm hài hòa yếu tố vùng miền, dân tộc”, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nêu rõ.

Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Quan tâm vấn đề này, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị Bội Nội vụ làm rõ Chiến lược thu hút sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ trong Báo cáo. Theo số liệu báo cáo của Bộ Nội vụ, đến năm 2023, chúng ta đã thu hút được 3.475 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ. Đại biểu Leo Thị Lịch đề nghị Bộ Nội vụ cho biết trong đó có bao nhiêu sinh viên xuất sắc là người DTTS, tỉ lệ chiếm bao nhiều phần trăm trong tổng số thu hút này trong năm 2023.

“Số lượng sinh viên xuất sắc và nhà khoa học trẻ được sắp xếp, bố trí cơ cấu ở 22 bộ, ngành như thế nào? Bộ Nội vụ có nắm được vấn đề này không? Và trong số đó, Bộ có nắm được số lượng đã trở thành cán bộ, công chức, viên chức là bao nhiêu hay không? Đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ các nội dung này”, đại biểu Leo Thị Lịch băn khoăn.

Đối với 600 tri thức trẻ hiện nay đã kết thúc dự án, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn có bao nhiêu tri thức trẻ là người dân tộc thiểu số được tăng cường làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ thêm. Đồng thời đề nghị Bộ Nội vụ cho biết nguyên nhân tại sao một số cán bộ, công chức, viên chức DTTS chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó cần nêu rõ số lượng bao nhiêu chưa đáp ứng được, vì điều này liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS./.

Bích Ngọc