PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG
Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được Phiếu chất vấn số 15/PCVK7-GS tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV của đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu với nội dung chất vấn gửi đến Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh.
Theo đó, nội dung chất vấn như sau: "Theo phản ánh của một số hiệp hội và doanh nghiệp thì việc triển khai xử lý chất thải rắn công nghiệp trong lò hơi tầng sôi tại nhà máy giấy còn gặp một số khó khăn tại một số nơi, địa phương. Khó khăn được cho rằng là còn thiếu các văn bản hướng dẫn, thông tư dưới luật nhằm cụ thể hóa các điều khoản trong Luật, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau, chưa thống nhất trong quá trình triển khai áp dụng từ trung ương xuống địa phương và giữa các địa phương khác nhau. Kính đề nghị Bộ trưởng cho biết về thực tế này và giải pháp để giải quyết tình trạng nêu trên."
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
Trả lời chất vấn về nội dung trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định tại khoản 21 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường, đồng xử lý chất thải là việc kết hợp một quá trình sản xuất sẵn có để tái chế, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải, trong đó chất thải được sử dụng làm nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu thay thế hoặc được xử lý. Do đó, trường hợp các nhà máy giấy sử dụng lò hơi tầng sôi để xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được coi là hình thức đồng xử lý chất thải. Việc thực hiện đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cần tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường nói chung và các quy định sau:
Thứ nhất, trường hợp đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp do chính cơ sở tự phát sinh thì cần tuân thủ quy định tại khoản 4 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường, cụ thể như sau:
- Thực hiện bằng công nghệ, công trình bảo vệ môi trường, thiết bị sản xuất sẵn có trong khuôn viên cơ sở phát sinh chất thải rắn công nghiệp thông thường và phải bảo đảm đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
- Phải phù hợp với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường.
Thứ hai, trường hợp thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường thì cần tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường. Theo đó, có các yêu cầu như bảo đảm các hệ thống, phương tiện, thiết bị, lưu giữ, đồng xử lý đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định; sử dụng biên bản bàn giao chất thải rắn công nghiệp thông thường phải xử lý đối với mỗi lần nhận chuyển giao; lập nhật ký vận hành các hệ thống, phương tiện, thiết bị xử lý bao gồm sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng chất thải rắn cộng nghiệp thông thường. Các hoạt động này sẽ được xem xét trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường cho cơ sở.
Do vậy, các hoạt động đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường, bao gồm cả hoạt động đồng xử lý chất thải do chính cơ sở phát sinh hoặc thực hiện dịch vụ xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường sẽ được thẩm định, đánh giá trong quá trình thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường và cấp giấy phép môi trường theo các quy định hiện hành. Hiện nay không có quy định đặc thù đối với hoạt động đồng xử lý chất thải trong lò hơi nên hoạt động đồng xử lý chất thải trong thiết bị này thực hiện theo các quy định về bảo vệ môi trường và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nói chung.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục lắng nghe các kiến nghị của các địa phương, doanh nghiệp để hướng dẫn, sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định mới hoặc sửa đổi các quy định nếu phát hiện vướng mắc, bất cập.
Bên cạnh đó, đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nội dung sau: "Một số hiệp hội, doanh nghiệp kiến nghị cần thiết xem xét, đánh giá và giảm bớt yêu cầu ký quỹ đối với mỗi lô hàng nhập khẩu phế liệu để chia sẻ bớt khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình hiện nay. Về lâu dài, cần xem xét để xác định một mức ký quỹ phù hợp theo nguyên tắc quản lý rủi ro, theo đó mức ký quỹ sẽ giảm bớt đối với từng loại phế liệu và mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp."
Trả lời chất vấn của đại biểu về nội dung này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất được quy định tại Điều 46 Nghị định số 08/2022/NĐ- CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, quy định mức tiền cụ thể cho từng loại phế liệu, khối lượng phế liệu nhập khẩu đảm bảo đủ kinh phí để xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ các lô hàng phế liệu nhập khẩu của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá về kinh phí cho việc xử lý các lô hàng phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu./.