Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 6c5e66a1-e9ca-90f0-dd35-d6624b45c365.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

CẦN ƯU TIÊN BẢO VỆ CÁC DI SẢN VĂN HÓA CÓ NGUY CƠ BỊ MAI MỘT, THẤT TRUYỀN

08/07/2024

Cần ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền cũng như bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc… Đây là những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu Quốc hội tham gia đóng góp ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới.

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 09 chương, 102 điều, tăng 02 chương 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (07 chương, 73 điều). Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và dự kiến xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới (tháng 10/2024), quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể; quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu; hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa; điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; quy định về quản lý nhà nước về di sản văn hóa…

Quan tâm đến dự án Luật, các đại biểu Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Di sản văn hóa nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá hiện nay; đồng thời đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, tham gia góp ý nhằm hoàn thiện dự án Luật, các ý kiến đề nghị cần ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền cũng như bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc…

Cần ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn quan tâm góp ý tại khoản 5 Điều 6 quy định về nguyên tắc bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đại biểu bày tỏ đồng tình, tán thành với khoản 5 Điều này: “ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn, nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt ít người đặc thù và những di sản có giá trị toàn cộng đồng xã hội”.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cần có những chính sách liên quan để thực hiện nội dung này được đảm bảo, đồng thời đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để có những chính sách để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán, kiến trúc (như kiến trúc về nhà ở của các dân tộc), trang phục đặc trưng của các dân tộc… có nguy cơ bị mai một. “Nếu chúng ta không đưa vào trong Luật, cụ thể hóa và có ý thức gìn giữ, đặc biệt đối với những nhà ở của những dân tộc ít người thì hiện nay theo xu thế chung, những ngôi nhà cổ sẽ dần bị thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại”, đại biểu nêu rõ.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Huế cho rằng, nếu chúng ta không cụ thể hóa vào Luật sửa đổi lần này thì rất khó để có thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Cùng quan điểm góp ý tại Điều 6 về nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn kiến nghị cần phải bổ sung thêm cho đầy đủ Điều này và cụ thể là “nguyên tắc quản lý, phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa”. Đồng thời bổ sung vào nội dung của khoản 2 Điều này và viết lại như sau: “quản lý, phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân”.

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Nêu lí do cần bổ sung vào Điều này, đại biểu Hà Sỹ Huân cho biết, tại khoản 21 Điều 3 của dự thảo Luật về giải thích từ ngữ đã nêu rõ: “Phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là hoạt động nhằm phục dựng lại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã bị hủy hoại trên cơ sở các cứ liệu khoa học về di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đó”. Trong khi thực tế thời gian vừa qua, chúng ta chưa quan tâm đến phục hồi các di tích lịch sử. Do đó, đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, Cơ quan soạn thảo nên bổ sung thêm vào khoản 2 Điều 6 nội dung này.

Đề cập đến Điều 7 về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, cụ thể khoản 4 Điều này có nêu: “ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho các hoạt động văn hóa”, từ điểm a đến điểm c gần như ngân sách nhà nước chi cho công tác bảo vệ. Tuy vậy, đại biểu Hà Sỹ Huân nhận thấy nội dung này vẫn còn thiếu.

“Vì thực tiễn rất nhiều di tích quốc gia của chúng ta hiện nay chỉ còn lại địa danh, còn đối với các công trình phục vụ cho các di tích trước đây, đặc biệt là các di tích lịch sử thời kháng chiến chống Pháp như ATK, tôi nghĩ rằng cần phải ưu tiên và đây là di tích đặc biệt đã được quốc gia công nhận”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Hà Sỹ Huân cho rằng, chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật chủ yếu tập trung vào vấn đề bảo vệ là chưa đầy đủ, do đó đề nghị cần bổ sung thêm vấn đề phục hồi và cải tạo lại di sản văn hóa cho cụ thể, đầy đủ hơn để bao quát được hết các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa.

Bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Cũng bàn về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa được quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy, dự thảo Luật cần nhấn mạnh di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn và phát huy một cách đặc biệt. Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư kinh tế văn hóa... Đồng thời bổ sung một số chủ trương, chính sách đặc thù bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, hải đảo, di sản văn hóa nguy hiểm có nguy cơ thất truyền và đảm bảo quyền thụ hưởng tiếp cận và sử dụng các di sản văn hóa, các quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh về dịch vụ di sản văn hóa của tổ chức, cá nhân trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Đối với vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu quy định tại Chương 4, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật không nên quy định về bảo vệ và phát huy di sản tư liệu thành một chương riêng (tức Chương 4). Vì theo dự thảo Luật chỉ có hai loại hình di sản văn hóa là văn hóa vật thể và phi vật thể. Nếu bổ sung một chương riêng như vậy thì phát sinh thêm một loại hình di sản là không hợp lý.

Do đó, đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn hoặc chỉ cần bổ sung thêm một phần giải thích từ ngữ về giá trị tư liệu là hiện vật có giá trị đặc biệt. Đồng thời lồng ghép nội dung này vào Chương 3 về bảo vệ di sản văn hóa vật thể như một loại giá trị di sản tư liệu thì sẽ phù hợp hơn.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đồng tình với các ý kiến nêu trên, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An bày tỏ thống nhất với việc sửa đổi Luật lần này cũng như đồng tình với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật mở rộng thêm di sản văn hóa liên quan đến tư liệu. Vì điều này sẽ góp phần giúp cho chúng ta trong việc bảo vệ cũng như phát huy giá trị của các tư liệu.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, tại Điều 7 của dự thảo Luật đưa ra các chính sách của Nhà nước về phát triển di sản văn hóa, tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm một chính sách nữa là bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế di sản.

“Trong quá trình sửa đổi luật, mục tiêu sửa đổi luật, chúng ta cố gắng để có thể phát huy được di sản văn hóa và cũng đặt ra vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa và di sản. Tuy nhiên, trong Điều 7 của dự thảo Luật lại chưa có nội dung này”, đại biểu nêu quan điểm. Do vậy, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần nghiên cứu bổ sung về chính sách khuyến khích phát triển kinh tế di sản để phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay trong hoạt động bảo vệ cũng như phát huy các giá trị di sản văn hóa./

Bích Ngọc