Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hải Anh thống nhất với tính cấp thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thực hiện quy trình thông qua tại một kỳ họp bởi dự thảo Luật đã được chuẩn bị khá kỹ lưỡng; hồ sơ đảm bảo đầy đủ theo quy định; việc thông qua Luật sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đại biểu tỉnh Đồng Tháp cũng đồng tình với việc đồng tình bổ sung các chức danh “Thường trực Ban Bí thư”, “Chánh án Tòa án nhân dân tối cao”, và “Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao” vào “đối tượng cảnh vệ”. Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp, kịp thời thể chế hóa các chế độ, biện pháp cảnh vệ đối với các lãnh đạo cấp cao theo Kết luận số 35 năm 2022 của Bộ Chính trị về danh mục, chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Đại biểu Nguyễn Hải Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thuộc diện được đảm bảo chế độ và biện pháp cảnh vệ,
Liên quan đến đối tượng cảnh vệ là “khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam”, đại biểu đề nghị nghiên cứu kỹ Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Cảnh vệ 2017 và thể chế chính trị của các nước, các định chế khu vực và quốc tế để cân nhắc sửa đổi, bổ sung các đối tượng khách quốc tế cho phù hợp, đầy đủ. Đại biểu nhấn mạnh, công tác cảnh vệ đối với “Khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam” là nội dung quan trọng, đóng góp vào thành công của các chuyến thăm, góp phần thực hiện hiệu quả, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị các quy định về nghi lễ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, đảm bảo tuân thủ các quy định của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật và thông lệ quốc tế, phục vụ tích cực các yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng, Nhà nước, khẳng định vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam.
Quy định về chế độ cảnh vệ và các biện pháp cảnh vệ đối với các đối tượng “Khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam” chính là sự cụ thể hóa chủ trương, đường lối và định hướng quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, đảm bảo chặt chẽ về nghi lễ đối ngoại và thành công của từng hoạt động đối ngoại. Việc quy định đầy đủ các đối tượng “Khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam” thuộc diện được đảm bảo chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ không chỉ đảm bảo an ninh, an toàn cho khách, mà còn thể hiện sự đề cao, sự trọng thị của Việt Nam đối với khách quốc tế, qua đó tạo sự ủng hộ, sự mến mộ, sự trân trọng của khách quốc tế, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa chúng ta với các đối tác trên thế giới, qua đó góp phần giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ để quy định đầy đủ các đối tượng khách quốc tế thuộc diện được đảm bảo chế độ và biện pháp cảnh vệ, phù hợp đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, pháp luật của Việt Nam, luật pháp và thông lệ quốc tế cũng như yêu cầu của tình hình thực tiễn. Tôi đề nghị các đối tượng cảnh vệ là “khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam” nên được quy định cụ thể và chi tiết hơn, ngoài các chức danh được quy định tại các điểm a và b, khoản 2 Điều 10, gồm“Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ”; “Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên nguyên tắc có đi có lại hoặc đối đẳng, yêu cầu đối ngoại”, thì nên bổ sung một số chức danh như người đứng đầu Đảng cầm quyền của các nước, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu của một số định chế liên chính phủ cấp khu vực, quốc tế, các tổ chức liên nghị viện khu vực và quốc tế mà Việt Nam có quan hệ mật thiết hoặc là thành viên…
Ngoài ra, đại biểu đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 10 quy định về “Địa điểm đặc biệt quan trọng” là đối tượng cảnh vệ, bởi theo quy định tại khoản 1, Điều 11 và khoản 1, Điều 12, thì “Nơi ở” và “Địa điểm hoạt động” là một trong các chế độ cảnh vệ cho các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của nước ta và nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến Việt Nam; tương tự, với các đồng chí lãnh đạo có chức danh nêu tại khoản 2, khoản 3, Điều 11 và khách quốc tế có chức danh nêu tại khoản 3 Điều 12 thì “Nơi ở” cũng là một chế độ cảnh vệ. Do vậy, cần bổ sung một khoản sau khoản 4 của Điều 10 quy định “Địa điểm đặc biệt quan trọng” trong đó cụ thể hoá “Nơi ở” và “Địa điểm hoạt động” của các chức danh nêu trên vào đối tượng cảnh vệ để có căn cứ triển khai các chế độ cảnh vệ tại các điều 11, 12 và các biện pháp cảnh vệ tại các điều 11a, 12a; đồng thời đề nghị bổ sung Điều 14a, quy định về “Biện pháp cảnh vệ đối với Địa điểm đặc biệt quan trọng” để có căn cứ và thống nhất triển khai thực hiện.
Quy định riêng “chế độ cảnh vệ” và “biện pháp cảnh vệ”
Về chế độ và biện pháp cảnh vệ, đại biểu đồng tình với việc tách các điều 11 và 12 Luật Cảnh vệ 2017 thành các điều 11, 11a và 12, 12a, quy định riêng “chế độ cảnh vệ” và “biện pháp cảnh vệ” đối với người giữ chức vụ, chức danh chủ chốt, cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; và đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam là phù hợp, khoa học và thuận lợi trong tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần sửa điều 12 và Điều 12a trong dự thảo Luật theo hướng quy định rõ các chế độ cảnh vệ đối với các đối tượng là “Khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam”, trong đó quy định rõ các chế độ cảnh vệ và biện pháp cảnh vệ đối với các nhóm đối tượng khách quốc tế theo danh nghĩa và cấp độ của các chuyến thăm: Chuyến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức, thăm nội bộ, thăm cá nhân. Đồng thời, xuất phát từ tình hình thực tế thời gian qua, tôi đề nghị nên xem xét quy định chế độ và biện pháp cảnh vệ khi khách quốc tế đến Việt Nam vì mục đích chữa bệnh, nghỉ dưỡng hoặc quá cảnh Việt Nam và giao Chính phủ quy định chi tiết các điều 12 và Điều 12a của dự thảo Luật.
Liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản, đại biểu đề nghị viết lại điểm e, khoản 1, Điều 11 như sau: “Được bố trí xe cảnh sát dẫn đường khi đi công tác bằng ô tô; được bố trí toa riêng khi đi bằng tàu hỏa; được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ khi đi bằng tàu bay; được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ khi đi bằng tàu thủy”. Đồng thời, đề nghị áp dụng thống nhất kỹ thuật soạn thảo như vậy đối với điểm d, khoản 3; điểm b, khoản 4, điều 11./.