Error

Web Part Error: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe. Correlation ID: 303e66a1-5917-90f0-19a0-5377b83c1624.

Error Details:
[UnsafeControlException: A Web Part or Web Form Control on this Page cannot be displayed or imported. The type TVPortal.Publishing.Category.wpMenuLeftDaiBieuQuocHoi2, TVPortal.Publishing.Category, Version=1.0.0.0, Culture=neutral, PublicKeyToken=616514c961de576d could not be found or it is not registered as safe.]
  at Microsoft.SharePoint.ApplicationRuntime.SafeControls.GetTypeFromGuid(Boolean isAppWeb, Guid guid, Guid solutionId, Nullable`1 solutionWebId, String assemblyFullName, String typeFullName, Boolean throwIfNotSafe)
  at Microsoft.SharePoint.WebPartPages.SPWebPartManager.CreateWebPartsFromRowSetData(Boolean onlyInitializeClosedWebParts)

ĐBQH NGUYỄN ĐẠI THẮNG: QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHỨC NĂNG TRONG VIỆC TUYÊN TRUYỀN, NÂNG CAO Ý THỨC CHẤP HÀNH PHÁP LUẬT GIAO THÔNG

01/04/2024

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ được trình Quốc hội khóa XV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (5/2024) tới đây. Quan tâm góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành giao thông đặc biệt đối với đối tượng là học sinh.

KHAI MẠC HỘI NGHỊ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH LẦN THỨ 5 QUỐC HỘI KHÓA XV: HỘI NGHỊ CÓ Ý NGHĨA QUAN TRỌNG CHO VIỆC HOÀN THÀNH NHIỆM VỤ LẬP PHÁP CỦA KỲ HỌP THỨ 7

Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Tiếp đó, ngày 15/3/2024, tại Phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), UBTVQH đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và an ninh đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn thiện dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Theo đó, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý tính tới thời điểm này, có 09 chương, 88 điều, số chương giữ nguyên và tăng 07 điều do bổ sung 04 điều mới; gộp 04 điều thành 02 điều; tách nội dung của một số điều thành 05 điều khác.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên 

Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, việc quy định cấm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là phù hợp.

Lý giải cho quan điểm này đại biểu cho biết, thời gian vừa qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm nồng độ cồn nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã góp phần quan trọng trong việc giảm tai nạn giao thông. “Theo số liệu của cơ quan chức năng thì trong năm 2023 số vụ tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, giảm 50% số người chết và giảm 22% số người bị thương so với cùng kỳ..”, đại biểu đưa ra số liệu minh chứng.

Cho rằng phương châm “tính mạng, sức khỏe con người lại trên hết, trước hết”, đại biểu nêu rõ, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm tuyệt đối như vậy thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó. Do đó, “Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có lợi cho chính người tham gia giao thông và gia đình mình”, đại biểu nhấn mạnh.

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cần thiết

Về điều kiện, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, tại khoản 2 Điều 35 dự thảo luật quy định "Xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở lên, kể cả chỗ của người lái xe kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe". Đại biểu bày tỏ thống nhất cao với quy định tại dự thảo luật bởi vì, nếu có tai nạn giao thông xảy ra đối với phương tiện kinh doanh vận tải hành khách thì thường sẽ gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng người dân. Do vậy, việc bắt buộc các phương tiện này lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là cần thiết và phải bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu với lực lượng trực tiếp, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị việc giám sát này nên được quy định cụ thể trong dự thảo luật, theo hướng giao cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thực hiện để bảo đảm tính kịp thời và xử lý ngay khi có hành vi vi phạm xảy ra.

Bổ sung quy định để tăng cường kết nối thông tin, dữ liệu

Liên quan đến quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, đại biểu cho biết, so với dự thảo luật đã trình tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, dự thảo luật lần này đã tiếp thu, bổ sung việc phân hạng giấy phép lái xe (Điều 56), bổ sung mới nội dung về điểm của giấy phép lái xe (Điều 57). Những nội dung quy định tại dự thảo sẽ tác động tới hành vi, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, giúp cơ quan quản lý giám sát toàn diện quá trình chấp hành sau vi phạm của người lái xe và siết chặt việc quản lý, cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung một số quy định trong dự thảo luật để quản lý người lái xe như: ứng dụng công nghệ thông tin để tích hợp các thông tin cần thiết của người lái xe từ các hệ thống dữ liệu dân cư, hệ thống cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm tai nạn giao thông, hệ thống giám sát hành trình giao thông; có cơ chế phối hợp chặt chẽ trong quản lý, trao đổi thông tin giữa cơ quan xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và cơ quan quản lý giấy phép lái xe, cơ quan y tế trong kiểm soát sức khỏe người lái xe.

Tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông đối với học sinh

Ngoài ra, nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhất là đối với học sinh, đại biểu Nguyễn Đại Thắng cho rằng, phải có cơ chế quy định rõ trong luật về trách nhiệm của các quan chức năng trong việc giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật giao thông đặc biệt là đối tượng học sinh.

Theo đại biểu đây là vấn đề cần được quan tâm để nâng cao ý thức pháp luật về giao thông và phòng tránh những vụ tai nạn đau xót có thể xảy ra liên quan đến đối tượng học sinh. Lý giải cho đề xuất này, đại biểu cho biết: Thực tế, khi tham gia giao thông hiện nay tình trạng học sinh đi hàng ngang; thậm chí không đội mũ bảo hiểm; học sinh đi xe điện, đi xe đạp điện, đi xe máy với ý thức tuân thủ và chấp hành giao thông còn rất nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông đối với đối tượng xảy ra là học sinh gia tăng trong thời gian vừa qua. Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong năm 2023 xảy ra khoảng 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi 6-18, làm chết gần 500 người và bị thương hơn 800 người. Đây là con số thương tâm, đáng báo động, trong đó có nguyên nhân từ việc ý thức chấp hành pháp luật và quy định về giao thông của học sinh bị hạn chế./.

Lê Anh