ĐBQH TRẦN KIM YẾN: CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN KHI XÂY DỰNG LUẬT
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến cho biết, Báo cáo số 66/BC-LĐTBXH ngày 30/5/2023 của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội nêu nhiều kết quả với các số liệu rất tốt. Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển sinh của khối trường nghề rất khó khăn. Quy mô, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp; dẫn đến học viên phải đào tạo lại mới tham gia vào thị trường lao động. Hoặc tình trạng cử nhân cất bằng để đi làm công nhân. Hoặc tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp Đại học khá cao, nhưng trong số đó có nhiều sinh viên chạy xe ôm, xe công nghệ, phục vụ bàn... cho thấy sự mất cân đối trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN); dẫn đến tình trạng “thừa thầy thiếu thợ”.
Trước thực trạng này, đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp để khắc phục tình trạng trên; giải pháp để thực hiện hiệu quả Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025.
Đại biểu Quốc hội Trần Kim Yến – Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh
Cũng theo đại biẻu, sau khi sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập thì mô hình Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cấp huyện. Nhưng đến nay, cơ quan chủ quản của trung tâm này vẫn chưa rõ ràng. Còn chồng chéo giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết giải pháp để phát huy, nâng cao chất lượng của Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên?
Trả lời nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có văn bản số 3120/LĐTBXH-VP nêu rõ:
Về thực trạng quy mô, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp
Đào tạo nghề trong GDNN hiện nay luôn xác định mục tiêu đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, việc hợp tác với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở GDNN hiện nay. Hợp tác 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp” luôn được chú trọng, quan tâm, chỉ đạo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục GDNN) tới các cơ quan quản lý nhà nước về GDNN tại địa phương và các cơ sở GDNN. Hiện nay, GDNN đã chú trọng quan tâm đến đào tạo theo năng lực của người học để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Trên cơ sở hợp tác giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp, doanh nghiệp được mời tham gia vào hoạt động đào tạo cơ sở GDNN ngay từ khâu tuyển sinh, xây dựng chương trình, tham gia vào quá trình đào tạo, tham gia đánh giá kết quả đầu ra và cuối cùng là tuyển dụng người học tốt nghiệp vào làm việc trong doanh nghiệp. Hiện nay, người học tốt nghiệp GDNN cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Theo kết quả khảo sát năm 2020 của Viện Khoa học GDNN để xây dựng Báo cáo GDNN Việt Nam năm 2020, chỉ có 11,52% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng trình độ tay nghề của người lao động không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp phải thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng hay đào tạo lại cho người học khi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động cũng là việc bình thường khi công nghệ, quy trình, dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp cũng thay đổi thường xuyên, liên tục (nhất là trong các lĩnh vực may mặc, lắp ráp linh kiện...) hoặc việc huấn luyện văn hóa, quy định đặc thù của mỗi doanh nghiệp, đây là những vấn đề mà các cơ sở GDNN khó có thể tự đào tạo mà cần có sự phối hợp với doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp phải tự đào tạo (trong một số trường hợp doanh nghiệp cần giữ bí quyết, bí mật quy trình sản xuất, kinh doanh).
Về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”
Số liệu thống kê hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy số sinh viên đại học tốt nghiệp hàng năm khoảng từ 250.00 - 300.000 người; số học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng hàng năm cũng khoảng 300.000 - 320.000 người, trong khi đó, theo Bản tin thị trường lao động số Quý I/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhu cầu tuyển dụng lao động ở vị trí nhân viên chiếm 72,4%, vị trí quản lý bậc trung và bậc cao chỉ chiếm 27,6%. Như vậy, việc sinh viên tốt nghiệp ở trình độ đại học trở lên khó tìm kiếm việc làm hoặc phải làm những công việc chỉ yêu cầu ở trình độ thấp hơn là thực trạng đang diễn ra trên thị trường lao động hiện nay.
Tuy nhiên yếu tố quyết định lựa chọn học tập, nghề nghiệp là tổng hòa các yếu tố: Môi trường xã hội, nhận thức của người dân và bản thân học sinh, sinh viên cần nhận thức đúng để có lựa chọn học tập sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông đúng với sở trường, năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội.
Về mô hình trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên
Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện được hình thành trên cơ sở sáp nhập trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp thành một trung tâm để thực hiện chức năng GDNN, giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2014 và chủ trương sắp xếp, tinh gon đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng “Một đơn vị sự nghiệp công lập có thể cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ” tại Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện được hình thành theo quy định Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV do Ủy ban nhân dân cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn chuyên môn về GDNN, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn chuyên môn về giáo dục thường xuyên.
Theo quy định tại Điều 44 và Điều 105 Luật Giáo dục năm 2019, trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên; Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về giáo dục thường xuyên./.